Monday, December 30, 2013

Làm cách nào để tin được nhau

Thứ Hai, ngày 30.12.2013    
Bản tính vô pháp vô thiên của pháp chế xã hội chủ nghĩa đang làm băng hoại đạo đức xã hội Việt Nam. Muốn khôi phục lại đạo đức truyền thống của dân tộc, không còn phương pháp nào ngoài việc xây dựng một thể chế dân chủ căn cứ trên một nền pháp trị nghiêm chỉnh và công minh. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Làm thế nào để tin được nhau" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
"Nước Việt Nam cần có nhiều người như Preet Bharara trong ngành tư pháp". Bharara là một ông biện lý đang nổi tiếng ở thành phố New York, ông muốn bắt "những người phạm luật phải chịu hậu quả về những việc họ làm, dù họ là những người giầu sang, quyền lực, hay có liên hệ lớn như thế nào".
Dân Việt Nam có thể sinh ra những vị biện lý cương trực như Preet Bharara hay không?
Một dân tộc không cần nhiều người nổi danh, đóng vai anh hùng trừ gian, dẹp bạo như vậy. Làm sao trong đất nước có rất nhiều vị biện lý hiền lành, thực thà, chăm chỉ, sống tầm thường nhưng thuộc lòng câu "Pháp bất vị thân," và áp dụng hàng ngày, không thắc mắc, điều này còn quan trọng hơn nữa. Kinh nghiệm thấy ở nước mình đã có những người như vậy cho nên tôi tin chắc trong tương lai nước ta sẽ có rất nhiều vị biện lý chính trực, quang minh.
Nói đến niềm tin ở tương lai trong lúc này khó lọt tai người nghe. Nhiều người ở trong nước rất bi quan, có khi tuyệt vọng, trước cảnh quan chức gian tham, đạo lý suy đồi. Có lẽ vì hàng ngày quý vị đó thấy trước mắt những thứ mà người ở bên ngoài không thấy. Người ta không tin có công lý, vì đã chứng kiến cán cân công lý bị bẻ cong. Như phiên tòa phúc thẩm ở tỉnh Phú Yên ngày 23 tháng 12, 2013, xét xử ông Ngô Hào vì "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân Dân." Các quan tòa xuất hiện lúc 8 giờ sáng, chưa tới 10 giờ họ đã tuyên án, ông Ngô Hào vẫn bị 15 năm tù và 5 năm quản chế. Làm sao người ta có thể tống giam một người suốt 20 năm, trong vòng chưa đầy hai tiếng đồng hồ đã quyết định xong? Có nền tư pháp một nước văn minh nào giống như vậy hay không? Theo lời kể của anh Ngô Minh Tâm, con ông Hào, gia đình bị cáo không hề được tòa thông báo phiên xử. Nhờ luật sư, họ mới biết. Không thân nhân, bạn hữu nào được được vào, phiên tòa chỉ có ba mẹ con anh dự nhưng lại có tới hơn 50 công an mặc sắc phục! Anh Ngô Minh Tâm thuật lại: "Phiên tòa diễn ra rất là chóng vánh" vì cả ông Ngô Hào và luật sư của ông không được nói câu nào cả, cũng không chấp nhận cho đưa ra các bằng chứng.
Một nền tư pháp như vậy, chẳng trách nhiều anh chị em trong nước rất bi quan. Nỗi bi quan rộng lớn hơn nữa khi tình trạng xã hội bên ngoài tòa án cũng xuống dốc, nếu không nói là sa đọa. Tết sắp tới, lại khó quên cảnh dân ta đi xem hội Xuân hoa đào rồi đua nhau hái trụi hết hoa! Không phải một lần mà hai năm liên tiếp! Tòa Ðại Sứ Hà Lan đem phát áo che mưa, bao nhiêu người nhẩy lên cướp. Tiệm ăn Nhật Bản mời ăn miễn phí, hàng ngàn người chen lấn giành giật. Người ngoại quốc họ không hiểu nổi dân Việt Nam là cái giống người gì. Vụ "hôi bia tập thể" ở Biên Hòa thì mới xẩy ra mấy tuần trước.
Nhưng có nên tuyệt vọng hay không? Chắc không nên tuyệt vọng. Người Việt Nam vẫn là người Việt Nam. Chế độ cai trị có tham ô, tàn ác và gian xảo đến mấy cũng chỉ tác hại được một thời gian, trên một thiểu số người Việt. Họ không thể phá hủy tất cả di sản tinh thần ông cha đã xây dựng mấy ngàn năm trong lòng dân tộc. Chúng ta có thể tin tưởng như vậy. Sau vụ"hôi bia" ở Biên Hòa, Blog Song Chi đã kể lại những phản ứng của đồng bào trong nước, nghe thấy ấm lòng. Một nữ sinh viên và người cha đã viết rồi treo tấm biểu ngữ tại nơi vụ cướp diễn ra: "Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã 'cướp vài lon bia' ở đây..." Nhiều người đã quyên góp tiền tặng anh tài xế chiếc xe chở bia bị lật để bồi thường số bia bị cướp, nhưng sau cùng anh tài xế trả lại hết. Anh nói, vì công ty bia không bắt anh bồi thường, lẽ nào anh lại tham lam lấy của người ta cho.
Quả thật, trong dân tộc Việt Nam vẫn còn giữ những nền nếp tốt, không bao giờ mất. Công dậy dỗ của tổ tiên suốt mấy ngàn năm đám đệ từ của một ông Stalin hay ông Mao Trạch Ðông không thể nào phá hủy được. Chúng ta không nên quá bi quan.
Nhưng chắc cũng không nên lạc quan quá, không nên lạc quan đến mức cứ để mặc cho sự thế chuyển vần. Khi chế độ cộng sản tan rã, công việc khó khăn nhất của dân tộc mình sẽ là làm sao phục hồi được đạo lý, xây dựng được niềm tin giữa người Việt với người Việt. Không thể nghĩ mình chỉ cần cầu nguyện tổ tiên phù hộ, mọi nền nếp sẽ trở về tốt đẹp như xưa.
Một cách cụ thể, chúng ta phải làm gì để phục hồi đạo lý? Làm cách nào cho người Việt Nam tin nhau?
Chỉ khi sống trong một xã hội tự do dân chủ người ta mới có cơ hội tập luyện theo phương pháp này. Trong thế giới hiện đại, niềm tin giữa người với người có thể thành hình nhờ pháp luật. Thomas Schelling, nhà kinh tế học nổi tiếng (Nobel năm 2005) đã nêu lên mối liên hệ giữa niềm tin với kiện cáo! "Quyền bị kiện cũng là quyền năng cho phép mình có thể hứa hẹn: Như khi đi vay tiền, ký hợp đồng, làm thương mại với một người mà mình có thể gây thiệt hại nếu không giữ lời hứa." Tức là, muốn được người khác tin thì phải làm sao họ thấy họ có thể kiện mình ra tòa, nếu mình không giữ Chữ Tín.
Chế độ dân chủ tự do không bảo đảm sẽ xây dựng được lòng tin chung cho cả xã hội. Nhưng các chế độ độc tài chắc chắn phá vỡ niềm tin chung, vì họ đều đi kèm với các thủ đoạn gian trá. Mất niềm tin đưa tới tình trạng phi luân lý, tức là người ta không còn tin có những quy tắc đạo đức nên theo nữa. Ngược lại, sống trong chế độ dân chủ ít nhất mỗi người biết mình phải tôn trọng luật pháp. Vì luật pháp do các đại biểu thực sự của mình soạn ra chứ không do các nghị gật, mà guồng máy tư pháp được độc lập đáng tin cậy hơn. Tập sống theo pháp luật dần dần tạo thành thói quen, nhìn người khác thấy có thể tin rằng họ cũng tôn trọng luật pháp như mình. Một niềm tín nhiệm chung bắt đầu nẩy nở tự nhiên; mà nếu không có thì xã hội không tiến được.
Cho nên, như lời chúc cho đất nước nhân ngày Lễ Giáng Sinh, chúng tôi xin nhắc lại một điều mong ước chung cho nước Việt Nam: Nước ta cần những ông bà biện lý và các thẩm phán độc lập, chính trực quang minh.
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment