Friday, June 30, 2023

Tin Tức: Thứ Sáu 30.06.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.

1/ SẠT LỞ KINH HOÀNG Ở ĐÀ LẠT, 2 NGƯỜI BỊ CHÔN VÙI

Một vụ sát lở đất kinh hoàng vừa xảy ra ở thành phố Đà Lạt vào rạng sáng 29/6, chôn vùi 3 căn nhà khiến 2 người chết và nhiều người bị thương. Nguyên nhân chính yếu là mưa lớn trong những ngày qua, gây ngập lụt tại nhiều khu vực.

Nơi xảy ra vụ lở đất là công trình đang xây dựng ở đường Hoàng Hoa Thám vào lúc 2 giờ rưởi ngày 29/6. Bờ ta-luy dài 50 thước, cao khoảng 30 thước, bị đổ sập kéo theo nhiều khối đất đá đổ ập xuống 3 căn nhà dưới thung lũng. Bảy người đang ngủ trong nhà bị vùi lấp dưới lớp đất đá.

Sau nhiều giờ cứu cấp, 5 nạn nhân được cứu thoát ra ngoài, còn lại 2 vợ chồng công nhân quê ở Phú Yên đã bị thiệt mạng và thi thể của họ được tìm thấy sau đó.

2/ LHQ YÊU CẦU VN GIẢI TRÌNH VỀ VỤ ĐÀN ÁP HAI TÍN ĐỔ TIN LÀNH

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã công bố lá thư của 4 báo cáo viên về vụ công an VN đàn áp hai tín đồ Tin lành ở Tây nguyên trong năm 2022.

Bức thư chung đề ngày 28/4 của báo cáo viên về tự do tôn giáo được công bố sau khi bạo quyền VN không trả lời sau 60 ngày. Lá thư đề cập đến lực lượng an ninh VN đã không cho xuất cảnh, bắt giữ và đánh đập hai thành viên Y Si Eban và Y Khiu Niê của hội thánh Đấng Christ Tây Nguyên khi hai người này lên đường tham dự hội nghị tôn giáo và niềm tin Đông Nam Á, được tổ chức ở Bali của Indonesia vào đầu tháng 11 năm ngoái.

Theo lá thư, ông Y Khiu Niê bị an ninh phi trường Tân Sơn Nhất không cho xuất cảnh vào ngày 6/11 và trên đường về nhà ở huyện Krong Buk, ông bị an ninh tỉnh Đắc Lắc bắt giữ mà không có lệnh bắt của Viện kiểm sát. Trong thời gian bị giam giữ trong đồn công an tỉnh từ chiều cùng ngày đến tối ngày hôm sau, ông bị tra hỏi liên tục trong nhiều giờ mà không có sự hiện diện của luật sư.

Đối với trường hợp ông Y Si Eban, ông bị an ninh phi trường Tân Sơn Nhất bắt giữ khi đang làm thủ tục xuất cảnh sang Bali vào ngày 6/11. Ông bị công an tỉnh Đắc Lắc đưa về giam giữ trong cùng ngày, bị tịch thu mọi giấy tờ, điện thoại và tiền bạc mà không có lệnh bắt của Viện kiểm sát.

Trong thời gian bị giam giữ hai ngày một đêm, ông Y Si Eban bị tra khảo về mục đích tham dự hội nghị. Trong khi bị công an thẩm vấn, ông bị đánh với nhiều vết thương trên mặt và đầu. Sau đó ông bị ép tuyên bố rời Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, không tham dự các lớp học trực tuyến về xã hội dân sự cũng như liên lạc với các tổ chức nhân quyền quốc tế.

3/ CAMPUCHIA RA LỆNH BẮN HẠ CÁC DRONE VN Ở VÙNG BIÊN GIỚI

Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào ngày 27/6 ra lệnh cho quân đội tại 4 tỉnh đông bắc bắn hạ mọi thiết bị bay không người lái (drone) bị cho vi phạm không phận của Campuchia.

Thông tấn xã Pháp loan tin trên vào ngày 28/6, nêu rõ lệnh của Thủ tướng Hun Sen được ban ra cho 500 binh sĩ và hệ thống phòng không tại bốn tỉnh Kratie, Mondulkiri, Ratanakiri và Tboung Khnum, giáp ranh với Việt Nam.

Ông Hun Sen kêu gọi các nước cho phép thiết bị không người lái bay sang vi phạm không phận của Campuchia hãy ngừng ngay các hành vi này. Theo ông, đó là hành động khủng bố chống lại Campuchia. Ông Hun Sen tin rằng những drone này đến từ những người thiểu số tại Việt Nam điều khiển, tuy nhiên giới chức trách VN đã bác bỏ cáo buộc này.

Thủ tướng Hun Sen còn nói thêm là khí tài quân sự được gửi đến 4 tỉnh nói trên không chỉ dùng vào việc bắn hạ các thiết bị bay không người lái, mà còn để truy lùng những người trốn chạy từ Việt Nam sang ẩn náu trên đất Chùa Tháp.

4/ NAM HÀN LẠI THU HỒI SẢN PHẨM ỚT CAY VIỆT NAM

Giới chức Nam Hàn đã thu hồi lô ớt khô nhập cảng từ Việt Nam do dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép vào hôm 28/6.

Bộ nông nghiệp Việt Nam loan tin trên vào ngày 29/6, nêu rõ lô hàng bị Nam Hàn thu hồi là của công ty Long Thành sản xuất, có mức dư lượng chất trừ nấm và trừ sâu trong các mẫu ớt đỏ khô vượt quá ngưỡng cho phép của Nam Hàn.

Ngay sau khi có thông tin về sản phẩm ớt khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Nam Hàn, ông Hoàng Trung, thứ trưởng bộ nông nghiệp VN, cho biết bộ này đã ra lệnh cho cục Bảo vệ Thực vật tiến hành kiểm tra để xác minh thông tin.

Theo đó thì bộ này đã gửi thư yêu cầu công ty Long Thành, có trụ sở tại tỉnh Hải Dương, truy hồi các lô hàng bị cảnh báo và rà soát qui trình sản xuất, đồng thời gửi báo cáo kết quả trước ngày 27/7.

Theo ông Hoàng Trung thì tiềm năng xuất cảng ớt cay VN sang Nam Hàn cũng như sang các thị trường khác đều rất tốt. Sản lượng xuất cảng ớt cay hàng năm khoảng 5 ngàn tấn với khoảng 10 triệu Mỹ kim.

Cần biết vào tháng 4 vừa qua, Nam Hàn còn thông báo ngừng bán ớt cay của Việt Nam khi  phát giác dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tiêu chuẩn gấp 10 lần.

5/ TƯỚNG NGA BỊ BẮT GIAM SAU CUỘC NỔI LOẠN CỦA TẬP ĐOÀN WAGNER

Tướng Sergei Surovikin, phó tổng tham mưu lực lượng Nga chiến đấu ở Ukraine, bị cho là đã bị bắt giam vài ngày sau khi tập đoàn đánh thuê Wagner tiến hành cuộc nổi dậy bên trong nước Nga.

Không rõ liệu ông Surovikin có phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc nào hay đang bị giam giữ ở đâu. Sự việc trên phản ánh điều không rõ ràng của chính phủ Nga và sự không chắc chắn sau cuộc nổi dậy của Wagner.

Thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hơn hai thập niên cầm quyền tan biến sau khi ông Yevgeny Prigozhin, thủ lãnh nhóm Wagner ra lệnh cho đội quân của mình rút lui khỏi Moscow.

Tin về việc ông Surovikin bị bắt giam xuất hiện vài ngày sau khi tập đoàn Wagner chiếm trụ sở quân sự ở thành phố Rostov của Nga và tiến về Moscow trong một cuộc nổi dậy bất thành.

Ông Yevgeny Prigozhin đã có nhận xét tích cực về ông Surovikin trong khi chỉ trích giới quân sự của đất nước và gợi ý là nên bổ nhiệm ông Surovikin làm tổng tham mưu trưởng thay thế Tướng Valery Gerasimov. Một số tờ báo Mỹ vào tuần này loan tin là giới chức Mỹ tin rằng ông Surovikin đã biết trước về kế hoạch nổi dậy của ông Prigozhin.

Ông Surovikin, người có mối liên hệ lâu năm với ông Prigozhin, đã không xuất hiện kể từ cuộc nổi loạn. Đã có nhiều suy đoán rằng một số sĩ quan quân đội có thể đã thông đồng với ông Prigozhin và giờ đây có thể phải đối mặt với sự trừng phạt.

Ông Surovikin, người được truyền thông phương Tây đặt biệt danh là “Tướng quân Armageddon” vì những chiến thuật tàn bạo của ông ta ở Syria và Ukraine, được cho là đã củng cố hệ thống phòng thủ của Nga, sau khi Moscow rút lui khỏi các khu vực rộng lớn trên lãnh thổ Ukraine vào mùa thu năm ngoái.

Vào tháng Giêng năm nay, ông Putin đã thay thế ông ta bằng ông Gerasimov. Ông Surovikin bị giáng xuống vị trí cấp phó của ông Gerasimov. Số phận của ông Gerasimov cũng không rõ ràng lắm sau cuộc binh biến.

No comments:

Post a Comment