Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ LƯỢNG QUẦN ÁO XUẤT CẢNG CỦA VN SỤT GIẢM TRONG 4 THÁNG QUA
Lượng quần áo xuất cảng của VN đã giảm gần
16%, chỉ đạt hơn 12 tỷ Mỹ kim trong 4 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Tổng
cục Thống kê VN. Cũng theo số
liệu nói trên, lượng xuất cảng len sợi của VN trong giai đoạn này giảm gần 30%,
chỉ đạt hơn 1 tỷ rưởi Mỹ kim.
Vào năm ngoái, tổng trị giá xuất cảng quần áo của VN đạt
hơn 37 tỷ Mỹ kim, thấp hơn mục tiêu đề ra là 43 tỷ Mỹ kim.
Hiện Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của ngành dệt
may VN, chiếm hơn 43% tổng giá trị xuất cảng, tương đương gần 5 tỷ rưởi Mỹ kim.
Sau Hoa Kỳ là các thị trường Nhật Bản và Nam Hàn.
Trung Quốc là thị trường nhập nhiều len sợi nhất
của VN, chiếm gần 49% giá trị xuất cảng, tức khoảng hơn 800 triệu Mỹ kim.
Lượng xuất cảng quần áo của Việt Nam hiện gặp
nhiều khó khăn do việc thiếu các đơn đặt hàng của nước ngoài, trong khi mục
tiêu đề ra năm nay là 47 tỷ Mỹ kim.
Trong khi đó, theo số liệu của bộ lao động xã hội VN, trong nửa đầu năm 2023, có khoảng 500 ngàn công nhân bị mất việc. Đa số là ở các khu kinh tế lớn nhất nước như tỉnh Bình Dương vào khoảng 72 ngàn người, tỉnh Đồng Nai là 33 ngàn người, Sài Gòn là 45 ngàn người, Hà Nội là 47 ngàn người và tỉnh Bắc Giang là 28 ngàn người.
2/ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG ĐANG TĂNG CAO, BỆNH VIỆN THIẾU THUỐC
Cho đến hôm qua 15/6, tại đồng bằng sông Cửu
Long, tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang diễn biến khắp nơi, với số ca
nặng tăng đột biến ở nhiều khu vực.
Tại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, nơi tiếp bệnh nhân nhi đồng
cả miền nam, tính từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 3 ngàn ca bệnh tay chân
miệng, trong đó có hơn 400 ca điều trị nội trú.
Theo bác sĩ Ông Huy Thanh, phó giám đốc Nhi đồng Cần Thơ,
từ tháng 5 vừa qua, số bệnh nhân đã tăng lên hơn 400 ca, tức tăng 140% so với
tháng trước đó. Đặc biệt chỉ trong 2 tuần đầu tháng 6, đã có thêm 390 ca mắc,
trong đó 80 ca phải nằm viện. Ông Thanh cho biết là hiện còn 10 ca rất nặng
đang được điều trị tại bệnh viện, nhưng điều khó khăn là thuốc điều trị đang cạn
kiệt.
Riêng sở y tế tỉnh Cà Mau cho biết số ca nhiễm đang xuất
hiện tại nhiều khu vực trong tỉnh. Chỉ 5 tháng đầu năm 2023, tỉnh ghi nhận hơn
300 ca, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ ghi nhận 7 ca. Tuy chưa có ca tử
vong nhưng số ca nặng gia tăng đáng ngại. Ngành y tế Cà Mau cũng đang gặp nhiều
khó khăn với một số thuốc điều trị đã cạn kiệt vì hết gói thầu và vẫn đang chờ
làm thủ tục đấu thầu.
Tại các tỉnh Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh
cũng xuất hiện tình trạng gia tăng cao về số lượng bệnh nhân. Tính từ tháng 5 vừa
qua, các bệnh viện đều nhận hàng trăm ca mỗi ngày.
Các dấu hiệu mắc bệnh gồm có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông và đầu gối. Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý như sốt cao liên tục, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều lần, giật mình chới với, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, sốt li bì và thở mệt…
3/ ÚC KHÔNG CHO NGA XÂY TÒA ĐẠI
SỨ GẦN TÒA NHÀ QUỐC HỘI
Chính phủ Úc vào hôm qua 15/6 đã ra lệnh đình chỉ dự
án xây trụ sở mới của tòa đại sứ Nga, với lý do là nước Nga có thể lợi dụng vị
trí gần sát tòa nhà quốc hội Úc để tiến hành các hoạt động gián điệp.
Vị trí của tòa đại sứ mà Nga dự kiến xây nằm cách quốc hội
Úc chỉ khoảng 400 thước. Chính phủ Úc cho biết đã nhận được ‘‘những khuyến cáo
rất rõ ràng’’ từ phía các cơ quan tình báo về vấn đề này.
Một chuyên gia về phản gián của cơ quan tình báo Mỹ cho
biết Nga muốn đặt tòa đại sứ gần một địa điểm như vậy ắt phải có những ý đồ rất cụ thể.
Theo vị chuyên gia này, từ vị trí nói trên, Nga có thể thu được các thông tin
có nguồn gốc sóng điện từ, cũng như theo dõi hoạt động của các giới chức Úc.
Tòa đại sứ Nga hiện tại nằm tại khu Griffith, ở phía nam
thủ đô, cách xa mọi cơ sở nhạy cảm. Nga đã được cấp giấy phép xây dựng tòa đại sứ
mới từ năm 2011. Chính phủ Úc thoạt tiên đã phê duyệt bản thiết kế, nhưng cuộc
xâm lăng Ukraine của Nga đã khiến Canberra xét lại việc này.
Vào tháng 8 năm ngoái, chính phủ Úc đã cố hủy bỏ hợp đồng
xây dựng này, với lý do không tôn trọng một số điều khoản trong giấy phép xây
dựng. Nhưng quyết định đã bị tư pháp cấp liên bang hủy bỏ trong một phán quyết vào
tháng trước.
Vào hôm qua, Thủ tướng Anthony Albanese cho biết chính phủ Úc đã trình quốc hội một số điều luật, cho phép đình chỉ dự án xây dựng tòa đại sứ Nga, ngay sau một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia.
No comments:
Post a Comment