Thursday, June 29, 2023

Chân Dung Những Người Tù “Vô Danh”"

Chân dung tù nhân

Liên tục chương trình, mời quý thính  giả theo dõi (phần 1) Chân Dung Những Người Tù “Vô Danh” do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân. Bài viết này đã được phát sóng vào tháng 11/2020 nhằm vinh danh những người chịu tù đày vì tham gia cuộc biểu tình chống Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Sau một thời gian phát sóng, chúng tôi đã nhận được từ một vài thính giả giấu tên các hình ảnh, video và những bằng chứng về việc công an đánh chết người biểu tình trong các cuộc đàn áp. Do vậy, lần phát sóng này, chúng tôi có bổ sung một vài chi tiết nhằm vinh danh và tưởng nhớ đến những người đã hy sinh trong các cuộc biểu tình trên. 

Những người tù vô danh

Chuyên mục “Chân dung TNLT” tuần này xin dành để tưởng nhớ những công dân Việt Nam đã chịu tù đày, đặc biệt là những người đã hy sinh tính mạng chỉ vì tham gia cuộc biểu tình chống Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng hồi tháng 6/2018. Có những chàng trai, cô gái bị đánh đập, tra tấn cho đến chết ngay trên đường phố, hoặc trong đồn công an, hoặc chết vì những thương tích do bị công an đánh đập, nhiều ngày sau đó. Tên tuổi của họ có thể sẽ không bao giờ được nhắc đến nhưng những cái chết lặng câm của những anh hùng vô danh ấy chắc chắn hòa vào hồn thiêng sông núi để đất nước được hồi sinh.

Họ, những người đã chết hoặc đang chịu cảnh tù đày mà chúng ta vinh danh trong sự kiện ngày hôm nay không phải là những người bảo vệ nhân quyền, không phải những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng được công luận biết tới. Họ, có người là công nhân, người làm nông dân, buôn bán nhỏ, có người là trụ cột của những gia đình nghèo khó.

Báo chí “lề đảng” miêu tả họ là những người “ít học”, có “trình độ văn hóa thấp”, thậm chí có người “không biết chữ”. Tuy nhiên và trên hết, theo nhận định của chúng tôi, đây là những con người dũng cảm vì đã dám bày tỏ thái độ, trách nhiệm công dân một cách đúng lúc, cần thiết khi nhận thấy mối nguy hại cho đất nước.

 

Bối cảnh và diễn biến:

Tháng 6/2018, Quốc hội Việt Nam thảo luận về Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế, trong đó quy định cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trong 99 năm. Nhìn vào bối cảnh kinh tế và thực tại xã hội Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà hoạt động nhân quyền đều lo ngại và tin rằng dự luật sẽ tạo điều kiện cho Trung cộng thuê đất trong 99 năm. Từ đó gia tăng việc thôn tính Việt Nam. Cùng thời điểm này, Luật An ninh mạng cũng được quốc hội dự kiến thông qua. Luật An ninh mạng sẽ siết chặt hơn quyền tự do ngôn luận vốn đã bị bóp nghẹt và là công cụ đẩy nhiều người dân Việt Nam vào tù hơn. Thực tế chứng minh, kể từ khi Luật này chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2019, đã có nhiều người bị công an sách nhiễu, triệu tập, bị truy bức và bị cầm tù chỉ vì bày tỏ quan điểm công khai trên mạng xã hội.

Xuất phát từ những lo ngại trên, người dân tại nhiều nơi trong cả nước đã đồng loạt xuống đường biểu tình phản đối hai Dự luật này. Để xoa dịu dư luận, sáng sớm ngày 9/6/2018, Văn phòng Chính phủ (không phải Quốc hội) loan tin sẽ “hoãn” Dự thảo Luật Đặc khu sang kỳ họp kế tiếp. Không tin lời hứa nước đôi của chính phủ, người dân vẫn liên tiếp tổ chức các cuộc biểu tình vào các ngày 10, 11, 16 và 17/6/2018 tại Sài Gòn, Hà Nội, Bình Thuận, Nha Trang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai… Ước tính, cuộc biểu tình tại Sài Gòn hôm 10 và 11/6 có lúc lên tới gần 100 ngàn người tham gia. Cuộc biểu tình được công luận chú ý nhất diễn ra tại Phan Rí- Bình Thuận, đặc biệt là các ngày 10 và 11/6. Người dân đã vô cùng phẫn nộ trước việc công an đánh đập một người biểu tình dẫn đến việc trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận bị bao vây hai ngày liên tiếp. Công an cáo buộc người biểu tình là bị thế lực thù địch xúi giục, kích động, dẫn đến hành động “xô ngã cổng” và sau đó “tràn vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận đập phá. ném gạch đá vào lực lượng chức năng, dùng bom xăng tự chế đốt cháy chốt gác cổng và một số xe máy trong trụ sở ủy ban”. Thậm chí nhiều người quá khích khác còn đập phá gần như toàn bộ tài sản của trụ sở cơ quan Cảnh sát PCCC đóng tại huyện Tuy Phong, đốt cháy 8 ô tô, làm ít nhất 20 cảnh sát bị thương phải nằm bệnh viện điều trị, ép nhiều sĩ quan công an khác phải cởi bỏ quân phục… Tuy nhiên, những người biểu tình đã bác bỏ tin này và nói rằng họ bị “vu khống”. Những người biểu tình khẳng định họ không chủ trương bạo lực và những kẻ thực hiện các việc trên là một lực lượng lạ mặt, không phải người biểu tình. Tối ngày 11/6, cảnh sát đã dùng xe đặc chủng phun vòi rồng và giải tán được đám đông quá khích.

Thân nhân của những người bị bắt và người biểu tình nói gì?

Mẹ của một thanh niên tại Phan Rí bị kết án 4 năm tù kể với BBC rằng:

"Con tôi có tham gia ném 1, 2 cục đá ở quốc lộ. Có người đưa cờ cho cháu, trên đó ghi chữ gì đó là 'Không cho Tàu thuê đất 99 năm', nhưng nó chỉ cầm chứ không phất cũng không làm gì cả. Nó cũng không tham gia phá hoại tài sản chỗ phòng cháy chữa cháy. Cả nhà tôi kinh tế khó khăn. Chồng đi biển, mắc bệnh đau bao tử. Có mỗi nó ở nhà giúp thêm thì nay bị đi tù”.

Nhiều người đã viết trên mạng xã hội rằng họ chỉ muốn chính phủ lắng nghe mong muốn chính đáng của họ. Rằng những người biểu tình không chủ trương hay ủng hộ bạo lực. Những người biểu tình đều phản đối việc đập phá trụ sở và xe cảnh sát. Ngay cả khi nhà nước không bãi bỏ các Dự luật này, thì họ cũng không dùng bạo lực để phản đối. Một số người đã tường thuật rằng những kẻ ném đá là những thanh niên rất lạ mặt, hoặc đeo khẩu trang, rất hiếu chiến và kích động. Khi những kẻ lạ mặt đốt trụ sở Phòng cháy Chữa cháy, chính người dân đã ngăn cản nhưng không được. Nhiều người biểu tình sau đó đã bỏ về nhà vì không muốn mang tiếng hay bị quy trách nhiệm “bạo động”.

Án tù:

Theo thống kê của trang Wikipelia thì tính đến ngày 7 tháng 6 năm 2019, đã có 127 người bị kết án tù vì tham gia biểu tình chống Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Để quý thính giả, độc giả tiện theo dõi, chúng tôi xin phép trích phần án tù bao gồm các cáo buộc, ngày xét xử đối với những người tham gia biểu tình tháng 6/2018 mà trang điện tử trên đã liệt kê.

Cụ thể:

Ngày 12 tháng 7 năm 2018, Tòa án Nhân dân Thành phố Phan Thiết tuyên án 7 người từ 18 tháng tù treo đến 30 tháng tù giam với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng". Theo cáo trạng thì 7 người này đã ném gạch đá, bom xăng tự chế vào lực lượng an ninh và Ủy ban nhân dân Tỉnh Bình Thuận. Do đó, Hội đồng xét xử đã tuyên án 30 tháng tù giam đối với ông Nguyễn Văn Minh – 52 tuổi, anh Nguyễn Văn Hùng – 26 tuổi, anh Nguyễn Phương Đông và Nguyễn Văn Mạnh – 24 tuổi. Với ông Nguyễn Đình Vũ – 41 tuổi, và bà Trần Thị Ngọc – 50 tuổi, Hội đồng xét xử tuyên án 24 tháng tù giam.

-Ngày 23 tháng 7 năm 2018, Tòa án Nhân dân huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận tuyên án phạt đối với 10 người bị cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ khi tham gia cuộc biểu tình phản đối hai dự Luật Đặc khu và An Ninh mạng diễn ra hôm 10 và 11 tháng 6 tại Phan Rí Cửa. Tổng mức hình phạt lên tới 27 năm tù.

-Ngày 22 tháng 8 năm 2018, Tòa án Nhân dân Thành phố Phan Thiết tuyên án từ 18 tháng tù treo đến 30 tháng tù giam 6 người tham gia biểu tình hôm 10 và 11 tháng 6 với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng": anh Nguyễn Văn Nghĩa 29 tuổi, chịu mức án cao nhất là 2 năm tù giam, bà Nguyễn Thị Lừng (40 tuổi) 1 năm tù, bà Nguyễn Thị Như Hòa (43 tuổi) 9 tháng tù giam, anh Nguyễn Hữu Thành (27 tuổi) 8 tháng tù giam, hai anh Nguyễn Đoàn Phước Mỹ và Trương Anh Kiệt chưa đủ 18 tuổi nên mỗi người 6 tháng tù treo.

-Ngày 19 tháng 9 năm 2018, Tòa án Nhân dân Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa xét xử Nguyễn Văn Ý, 32 tuổi và Tạ Thành Duy, 47 tuổi; mỗi người bị tuyên phạt 15 tháng tù vì tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu và an ninh mạng hôm 10/6; với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’.

-Ngày 26 tháng 9 năm 2018, tòa án tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt mức án gần 50 năm tù đối với 15 người với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ do tham gia vào đợt biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và Luật An ninh Mạng vào tháng 6. Tất cả 15 người cùng ngụ tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tuổi từ 18 đến 31, bị tuyên phạt từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù, mà cáo trạng nêu là đã hành động "quá khích, bao vây la hét vu cáo công an đánh người, rồi dùng dùng bom xăng, gậy gộc, gạch đá… tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ."

-Ngày 8 tháng 10 năm 2018, Tòa án nhân dân Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tù bốn thanh niên tham gia biểu tình chống dự luật đặc khu hôm 10/6 với cáo buộc Gây rối trật tự công cộng: Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi, quê Bắc Giang) bị tuyên 3 năm tù, Trương Ngọc Hiền (21 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế) bị tuyên 2 năm tù, Nguyễn Huỳnh Đức (18 tuổi, quê Sóc Trăng) và Bùi Văn Tiến (17 tuổi, quê Vĩnh Long) cùng mức án 1 năm tù và 2 năm quản chế.

-Ngày 17 tháng 10 năm 2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương tuyên án 7 năm tù giam đối với một cán bộ y tế tên Nguyễn Đình Thành theo tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Theo cáo trạng của tòa án, anh Nguyễn Đình Thành vào tháng 6 năm 2018 đã soạn thảo, in ấn và phát hơn hơn 3300 tờ rơi để kêu gọi người dân biểu tình, phản đối dự luật Đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

-Ngày 31/10/2018, tòa án tỉnh Bình Thuận tuyên phạt thêm 30 người với mức án từ 2 năm đến 3 năm rưỡi về tội "gây rối trật tự công cộng."

-Ngày 9/11/2018, một tòa án ở Đồng Nai giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với 15 người với mức án cao nhất 18 tháng tù giam với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" theo điều 318 Bộ luật Hình sự. Những người này đã mang theo băng rôn, biểu ngữ cùng hàng trăm người khác tuần hành vào ngày 10/6 trên một số tuyến đường ở TP Biên Hòa.

-Ngày 29 tháng 11 năm 2018, Tòa án Nhân dân huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù giam đối với 9 người với cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng": anh Dương Văn Ngoan bị Hội đồng xét xử tuyên án cao nhất với 5 năm tù; kế đến là anh Phan Văn Lành và chị Nguyễn Thị Hòa, mỗi người 3 năm 6 tháng tù; và 3 năm tù đối với từng người trong số còn lại gồm anh Võ Mến, Đặng Văn Tùng, Lê Văn Tâm, Hồ Đặng Văn An, Nguyễn Văn An, và Nguyễn Xí.

-Ngày 7 tháng 3 năm 2019, Tòa án huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận tuyên án tổng cộng 40 năm 6 tháng tù giam đối với 15 người tham gia biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu và An ninh mạng hồi ngày 10 tháng 6 năm 2018.

-Ngày 21 tháng 5 năm 2019, thanh niên 19 tuổi Đặng Ngọc Tấn và ông Phạm Thanh 32 tuổi cư ngụ tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận bị tòa án tỉnh này đưa ra xét xử bổ sung với cáo buộc ‘hủy hoại tài sản’ với án tù tăng nặng: Đặng Ngọc Tấn 17 năm tù giam và Phạm Thanh 11 năm tù giam (án sơ thẩm là 4 năm tù giam và Phạm Thanh 4 năm 6 tháng tù giam). Đặng Ngọc Tấn và ông Phạm Thanh bị cáo buộc đã sử dụng gạch, đá, bom xăng tự chế ném vào lực lượng cảnh sát cơ động, sau đó đốt cháy 4 xe công vụ và 2 xe ô tô khác vào ngày 11 tháng 6”. (Hết trích)

Quan điểm của chuyên mục:

Căn cứ vào chính sách cai trị và bản chất của một chế độ độc tài, chúng tôi tin rằng những kẻ chủ trương dùng bạo lực, đập phá và đốt xe cảnh sát, phá trụ trở công quyền… chính là người của nhà nước. Mục đích nhằm hợp thức hóa các cáo buộc của công an, tạo cớ để nhà cầm quyền mạnh tay hơn trong việc “vãn hồi trật tự” và phục vụ chính sách mị dân. Do vậy, bản án dành cho 127 công dân trên là bất công cho dù đặt trường hợp có ai đó trong số họ đã dùng bạo lực để chống lại cảnh sát. Bởi ngay từ đầu, người dân phải được can dự, được biết và tham gia vào tất cả các chính sách, chủ trương của nhà nước theo đúng quyền lợi và nghĩa vụ đã được hiến định. Nhà nước đã tước đoạt quyền được biết của công dân để ra một quyết định có hại cho sự tồn vong của đất nước, thì việc người dân xuống đường bày tỏ nguyện vọng là chính đáng.

Sẽ còn nhiều người trở thành những TNLT bất đắc dĩ hoặc vô danh trong tương lai chừng nào chế độ độc tài còn tồn tại. Âu đó cũng là thực tế cần chấp nhận trước khi một nền dân chủ được thiết lập trên đất nước này.

Thúc Lân

 

 

No comments:

Post a Comment