Sunday, June 4, 2023

Tin Tức: Chủ Nhật 04.06.2023

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải

1) THỦ TƯỚNG ÚC THĂM VIỆT NAM 

Trưa 3-6, chuyên cơ chở Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam hai ngày 3 và 4-6, theo lời mời của ông Phạm Minh Chính. Đây là chuyến công du Việt Nam đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức.

Australia hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Về thương mại, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 10 của Australia, truyền thông Việt Nam loan tin.

Trang thông tin điện tử chính phủ VN cho biết, Úc là một trong những nước cung cấp Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Trong vòng 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia đã hỗ trợ ODA Việt Nam tổng cộng 3 tỷ Úc kim (khoảng 47.000 tỷ đồng).

Cả truyền thông Úc lẫn Việt Nam đều không đề cập đến trường hợp ông Châu Văn Khảm, một người Úc gốc Việt đang bị giam cầm trong nhà tù cộng sản.

Ông Châu Văn Khảm, sinh năm 1949, một thành viên của đảng Việt Tân, bị tuyên án 12 năm tù giam vào trung tuần tháng 11/2019. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi chính phủ Úc gây sức ép với Việt Nam trả tự do cho ông Khảm. 

2)  VIỆN BẢO TÀNG THIÊN AN MÔN ĐƯỢC MỞ CỬA Ở NEW YORK

Một bảo tàng về cuộc đàn áp Thiên An Môn 34 năm trước vừa khai trương tại New York hôm 2/6/2023, hai năm sau khi một bảo tàng ở Hongkong bị nhà cầm quyền Trung cộng gây áp lực phải đóng cửa với lý do “an ninh quốc gia”.

Bắc Kinh tăng cường kiểm duyệt các thông tin, sự kiện tưởng niệm Thiên An Môn và Hongkong là nơi duy nhất tổ chức lễ tưởng niệm ngày 4/6 trong suốt hơn 30 năm qua.

Những người đứng đầu các buổi tưởng niệm ở Hongkong sau đó đối mặt với sự bắt bớ, bị tịch thu hoặc đóng băng tài sài, số khác phải sang nước ngoài tị nạn.

Viện bảo tàng mới tại New York trở thành nơi duy nhất trên thế giới trưng bày một cách thường xuyên những bằng chứng tội ác của Trung cộng đối với cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hoa Lục vào tháng 6/1989.

Bảo tàng trưng bày những vật dụng còn sót lại sau cuộc đàn áp như tờ rơi, khẩu hiệu, cờ, những tấm bạt dựng lều trại, một chiếc áo sơ mi đẫm máu, các bức ảnh và những bài báo về sự kiện Thiên An Môn. 

Nhân chứng sống sót sau cuộc đàn áp, ông Zhou Fengsuo, người tham gia lập kế hoạch cho viện bảo tàng New York cho biết, ông buộc phải đấu tranh để chống lại Trung cộng. Ông nói: “Không tha thứ, không bỏ cuộc. Đó là thông điệp của chúng tôi gửi đến đồng bào Trung Quốc. Và đối với người phương Tây, như tôi đã nói, bạn phải biết bộ mặt thật của ĐCS TQ. Họ cai trị đất nước chỉ bằng bạo lực, bằng dối trá.” 

3) MỸ- TRUNG KHẨU CHIẾN TẠI HỘI NGHỊ AN NINH CHÂU Á

“Tôi lo ngại sâu sắc rằng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không sẵn lòng giao tiếp nghiêm túc hơn về việc thiết lập các cơ chế tốt hơn để quản lý khủng hoảng giữa quân đội hai nước chúng ta,” Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, hội nghị thượng đỉnh an ninh hàng đầu Châu Á hôm thứ Bẩy 3/6.

Ông Austin đồng thời chỉ trích Trung cộng vì đẫ từ chối tổ chức các cuộc hội đàm về quân sự, khiến hai nước siêu cường rơi vào bế tắc về vấn đề Đài Loan và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Trong khi đó, một quan chức quân sự cao cấp của Trung cộng đã đáp trả bằng cách buộc tội sự hiện diện quân sự của Mỹ đã gây ra sự đổ vỡ đối thoại với việc gia tăng chế tài nhắm vào các quan chức Trung cộng và gây bất ổn ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung cộng Lý Thượng Phúc- người đã bị Mỹ chế tài đã khước từ lời mời hội kiến ông Austin tại hội nghị thượng đỉnh an ninh. Vị tướng này sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị vào Chúa nhật.

Một tướng lĩnh khác của Trung cộng cáo buộc Mỹ “sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc và lực lượng ly khai Đài Loan kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ để thúc đẩy độc lập”.

Hai quốc gia ngừng đối thoại sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hủy chuyến thăm Hoa Lục vào tháng 2 sau vụ Trung cộng đưa khinh khí cầu do thám bay ngang lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất khiến hai cường quốc này bất đồng liên quan đến Đài Loan, một hòn đảo tuyên bố chủ quyền mà Trung cộng muốn thu phục. 

4) HÀ NỘI: CÚP ĐIỆN KÉO DÀI KHIẾN NGƯỜI DÂN KHỐN KHỔ 

Tình trạng thiếu điện tại Hà Nội và một số thành phố phía Bắc đang trở nên trầm trọng, nhất là khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong những ngày nắng nóng. Một số khu vực tại Hà Nội trong nhiều ngày qua bị cúp điện mà không được thông báo trước. Trong khi đó, nhiệt độ lên tới 38, 39 độ C khiến nhiều gia đình phải kéo nhau tới các Trung tâm Thương mại, nơi có hệ thống máy điều hòa nhiệt độ để tránh nóng.

Nhiều nơi, tình trạng cúp điện kéo dài từ 7,8 giờ sáng đến 12 giờ đêm, thậm chí qua ngày hôm sau. Ban đêm, nhiều gia đình phải mang mùng, mền ra sân hoặc ra lề đường để ngủ vì trong nhà quá nóng. “Bao nhiêu thức ăn trong tủ lạnh phải bỏ đi hết vì hỏng. Ban ngày thì đến các trung tâm thương mại “dùng ké” máy lạnh. Ban đêm thì ra ngoài sân trải chiếu nằm. Cũng không thể ngủ được vì muỗi cắn và quá nóng”, một người dân giấu tên ở huyện Thạch Thất nói với phóng viên đài ĐLSN.

Một người khác ở Hà Nội cho chúng tôi hay “Năm nào cũng ra thông báo cúp điện luân phiên. Năm nay thậm chí còn không thông báo để người dân có sự chuẩn bị. Tiền điện năm nào cũng tăng. Tâp đoàn điện lực năm nào kinh doanh cũng thông báo bị lỗ. Trong khi người dân thì khốn khổ thế này.”

Tình trạng thiếu điện tại Miền Bắc và trên cả nước dự báo sẽ còn tiếp diễn. Ngoài việc ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, vấn đề an ninh năng lượng trong thời gian khiến nhiều chuyên gia lo ngại.

No comments:

Post a Comment