Mở đầu chương trình, Vân Hà & Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1/ ÚC MUỐN NÂNG CẤP QUAN HỆ VỚI VN LÊN DIỆN ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC
Thủ tướng Úc Anthony Albanese vào hôm 4/6 đã bày tỏ mong muốn nâng mối
quan hệ giữa Úc và VN lên diện đối tác chiến lược toàn diện.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Phạm Minh Chính sau cuộc gặp gỡ
chung giữa hai bên, ông Albanese xác nhận là mối quan hệ giữa hai nước từ nhiều
năm qua đã đi theo kế hoạch và ông hy vọng sẽ nâng mối quan hệ lên diện đối tác
chiến lược toàn diện càng sớm càng tốt.
Về phần mình, ông Phạm Minh Chính cũng cho biết là Hà Nội đã
sẳn sàng hợp tác với Úc trong chặng đường mới.
Cần biết đây là cấp cao nhất trong mối quan hệ giữa Việt
Nam với các nước khác. Cấp cao nhất chính là Đối tác Chiến lược Toàn diện, kế
đến là Đối tác Chiến lược, sau đó là Đối tác Toàn diện. Cho đến nay chỉ có 4
nước có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam là Trung Cộng vào năm
2008, Nga là năm 2012, Ấn Độ năm 2016 và Nam Hàn vào năm ngoái.
Đầu tháng 4 vừa qua, chủ tịch nước VN Võ Văn Thưởng đã xác
nhận là hai nước Úc – Việt đã đồng thuận sẽ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất
vào thời điểm thích hợp.
Trong các cuộc hội đàm giữa thủ tướng Úc và giới lãnh đạo
Việt Nam, chủ đề Biển Đông và các hành động gây hấn của Trung Cộng dĩ nhiên
không thể thiếu.
Trong cuộc họp báo nói trên, ông Albanese cho biết là hai
bên đã thảo luận về cái nhìn được chia xẻ giữa hai bên trong khu vực. Trước đó
một ngày, ông cho biết là hai nước cùng chia xẻ quan điểm về Biển Đông và Công
ước LHQ về Luật biển.
Nhân chuyến công du Việt Nam của thủ tướng Úc, hai bên cũng đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lãnh vực kinh tế, thương mại và giáo dục.
2/ ĐỨC SẼ GỬI CHIẾN
HẠM ĐẾN KHU VỰC BIỂN ĐÔNG TRONG NĂM TỚI
Vào năm 2024, nước Đức sẽ gửi hai chiến hạm tới vùng Ấn độ
dương và Thái bình dương, theo tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Đức vào hôm
Chủ nhật 4/6.
Bộ trưởng Boris Pistorius đưa ra tuyên bố
nói trên tại cuộc Đối thoại Shangri-La, giữa lúc căng thẳng đang dâng cao giữa
Trung Cộng và Đài Loan cũng như quanh các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Tại hội nghị an ninh quan trọng nhất của
vùng Á châu, được tổ chức tại Singapore, ông Pistorius nói các nước cần phải
bảo vệ trật tự pháp luật quốc tế và bảo vệ những tuyến đường hàng hải quan
trọng.Vì thế ông cho biết để đạt được mục tiêu này, nước Đức đã gửi một khu
trục hạm đến khu vực vào năm 2021, và trong năm 2024 sẽ điều động thêm một khu
trục hạm và một tiếp vận hạm đến nơi này.
Ông nói thêm rằng việc triển khai các
chiến hạm không nhằm trực tiếp chống lại bất kỳ quốc gia nào, điều được cho là
rõ ràng nhằm nhắc tới Trung Cộng, mà chỉ nhằm bảo vệ trật tự pháp luật mà các
nước đã ký kết và hưởng lợi, dù là ở Địa Trung Hải, vịnh Bengal hay ở Biển
Đông.
Vào năm 2021, Đức lần đầu tiên trong vòng gần 20 năm đã gửi khu trục hạm Bayern tới Biển Đông, một hành động cho thấy Berlin gia nhập hàng ngũ các quốc gia phương Tây nhằm mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực vào lúc đang có những báo động ngày càng gia tăng về tham vọng của Trung Cộng trong việc tuyên bố chủ quyền ở những vùng có tranh chấp.
3/ 20 CƠ QUAN TÌNH BÁO TRÊN THẾ
GIỚI GẶP GỠ BÍ MẬT Ở SINGAPORE
Theo nguồn tin độc quyền của thông tấn xã Reuters, vào ngày 3/6 vừa qua,
các quan chức đứng đầu 20 cơ quan tình báo trên thế giới đã gặp gỡ bí mật tại
cuộc Đối thoại Shangri-La về an ninh của vùng Á châu ở Singapore.
Cần biết là các cuộc họp của giới tình báo hiếm khi xảy ra
và cũng hiếm khi được tiết lộ với truyền thông, nhưng theo 5 nguồn thạo tin cho
biết Hoa Kỳ, Trung Cộng và Ấn Độ cũng tham gia vào cuộc họp này. Một nguồn
tin cho biết là có một quy tắc bất thành văn giữa các cơ quan tình báo, theo
đó họ có thể nói chuyện với nhau khi con đường ngoại giao chính
thức và công khai trở nên phức tạp.
Một phát ngôn nhân bộ quốc phòng Singapore giải thích là các bên tham gia vào đối
thoại Shangri-La, đặc biệt là quan chức tình báo có thể nhân cơ hội
này gặp gỡ các đồng nhiệm của mình.
Tại cuộc đối thoại Shangri-La, hơn 600 phái đoàn từ 49 quốc
gia đã tổ chức các phiên họp toàn thể trong từ ngày 2 đến ngày 4/6, cũng như
các cuộc họp song phương và đa phương kín tại khách sạn Shangri-La ở
Singapore. Một nguồn tin cho biết chiến tranh Ukraine là chủ đề trong cuộc
họp vào hôm thứ Sáu vừa qua.
Giới chức tình báo các nước đã họp một cách không chính
thức vào hôm thứ Năm, nhưng đại diện của Nga không có mặt. Một nguồn tin khác
tiết lộ rằng các cuộc thảo luận diễn ra trên tinh thần hợp tác.
Vẫn theo Reuters, tòa đại sứ Mỹ ở Singapore khẳng định không có thông tin về cuộc họp này. Ấn Độ và Trung Cộng cũng không đưa ra bình luận nào về những thông tin trên.
4/ HỒNG KÔNG CƯƠNG QUYẾT TRẤN ÁP
VỤ TƯỞNG NIỆM THIÊN AN MÔN
Vào hôm 4/6, đúng 34 năm sau vụ thảm sát đẫm máu tại quảng trường Thiên
An Môn ở Bắc Kinh, bạo quyền Hồng Kông đã điều động lực lượng cảnh sát tới một
công viên nhằm ngăn chận các nỗ lực tưởng niệm của người dân, với một số người
đã bị bắt giữ.
Một trong những
người bị bắt giữ là nhà dân chủ Alexandra Wong, nổi tiếng với tên gọi là Mamie Wong. Năm
người khác cũng bị bắt tại khu trung tâm Causeway Bay.
Hôm qua cảnh sát Hồng
Kông cũng tiến hành một cuộc bố ráp quy mô lớn ở công viên Victoria và khu vực
lân cận, bắt giữ một số nghệ sĩ đường phố, kể cả những người dường như không
làm điều gì đặc biệt. Theo thông báo của cảnh sát, có 4 người bị bắt giữ vì
có “hành vi
gây mất trật tự ở lối đi công cộng” và “mục đích nổi loạn”. Bốn
người khác bị bắt vì “gây rối trật tự công cộng”.
Tại Hoa Lục, cho đến nay bạo quyền Trung Cộng vẫn cấm triệt
để mọi hoạt động tưởng niệm vụ thảm sát đẫm máu nói trên. Mọi dấu vết về biến
cố Thiên An Môn đều bị bạo quyền xóa sạch, với sách giáo khoa lịch sử không hề
đề cập đến biến cố này và các cuộc thảo luận trên mạng về chủ đề này cũng bị
kiểm duyệt gắt gao nhất.
Nhượng địa Hồng Kông, mà nước Anh trao trả cho Trung Cộng
vào năm 1997, trong suốt nhiều năm qua vẫn là thành phố duy nhất của Trung Cộng
tổ chức thắp nến tưởng niệm Thiên An Môn vào ngày 4/6 hàng năm. Nhưng kể từ năm
2020, Trung Cộng đã áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với đặc khu hành chính
Hồng Kông, bịt miệng mọi tiếng nói phản kháng, dập tắt các cuộc biểu tình và
cấm các buổi canh thức.
Tuy nhiên trên thế giới, lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn dự trù diễn ra tại Nhật Bản, Sydney của Úc, New York của Mỹ. Tại nước Anh, biến cố Thiên An Môn sẽ được tái hiện tại Quảng trường Trafalgar. Tại Đài Loan, vở kịch mang tên “Ngày 35 tháng Năm” của tác giả Hồng Kông Candace Chong, được công diễn vào hôm qua 4/6 tại một nhà hát của Đài Bắc.
No comments:
Post a Comment