Saturday, June 24, 2023

Phật thầy Tây An

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả,

Một người am hiểu y thuật có tấm lòng nhân ái, đề cao tinh thần yêu nước, dạy làm lành lánh dữ và khẩn hoang, trồng trọt. Ông hướng dẫn tín đồ “nhập thế” để góp phần vào việc xây dựng quê hương. Chính ông là người sáng lập môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương và được tôn danh hiệu Phật Thầy.

Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Phật thầy Tây An” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.


Chiều chiều én liệng non Tây,

Cảm thương đức trọng, Phật Thầy Tân An.

Đó là câu ca dao của người dân Nam Kỳ được lưu truyền, ca ngợi công đức “giảng dân - hóa chúng” của Phật Thầy Tây An, một người đem nguồn sống mới cho người dân Lục Tỉnh gần 2 thế kỷ. Và ông cũng là người có tầm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và văn hóa của dân chúng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phật Thầy Tây An thế danh là Đoàn Minh Huyên, sinh ngày 14/11/1807, có danh hiệu Lê Hướng Thiện, quê ở vùng Cái Tàu Thượng, thuộc làng Tòng Sơn, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang. Từ nhỏ, ông đã bỏ nhà đi vân du.

Năm 1849, tức 42 năm sau, ông trở về làng Tòng Sơn sống tại mái hiên đình, lập ra môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Thời gian này, trong làng xảy ra bệnh dịch, quan chức hè nhau giết heo, gà để làm lễ “tống gió” cầu cho dịch bệnh tiêu trừ. 

Thấy việc sát sanh vô ích, không thể trừ được bệnh dịch, ông đứng ra giải thích và can ngăn, nhưng bị Trưởng làng cùng ban Hội tề bác bỏ, đuổi ông đi nơi khác.

Sau đó, ông đến cư ngụ rạch Trà Bư thuộc tỉnh An Giang. Lúc này, bệnh dịch tả bùng phát tại nhiều nơi ở miền Tây, ông bắt đầu trị bệnh cho người dân trong làng chỉ bằng tro, nhang và nước lã. Nghe tiếng ông trị hết bệnh cho nhiều người, dân chúng các nơi khác kéo đến ngày càng đông, ghe xuồng đậu chật cả khúc sông. 

Đến tháng 8 âm lịch, ông đi trị bệnh cho người dân ở đình làng Kiến Thạnh (nay thuộc Chợ Mới, tỉnh An Giang), sau đó về Cốc của ông Đạo Kiến (nay là Tây An Cổ Tự ở Chợ Mới) tiếp tục trị bệnh. Đông đảo dân chúng ở Lục Tỉnh kéo đến nhờ ông trị bệnh. Tại nơi này, ông bắt đầu truyền đạo, chỉ cách tu hành, thờ phượng và thu nhận nhiều đệ tử. Từ đó, ông được dân chúng tôn vinh danh hiệu Phật Thầy.  

Phật Thầy dạy thờ Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), không dùng tượng cốt hay tranh ảnh, mà chỉ dùng tấm vải đỏ hình chữ nhật để thờ, gọi đó là tấm “trần điều”. Những người quy y với Phật Thầy đều được phát “lòng phái” bằng giấy có đóng ấn triện màu đỏ ghi 4 chữ Bửu Sơn Kỳ Hương.

Tiếng tăm của Phật Thầy ngày càng lan xa, dân chúng tin truyền ông là “Hoạt Phật”, là Phật  Sống xuống thế cứu người, nên đệ tử của ông ngày càng đông đảo. 

Nhà cầm quyền đương thời nghe tin người dân tôn sùng ông ngày càng nhiều, Tổng đốc An Giang là Huỳnh Mẫn Đạt lo sợ ông quy tụ dân chúng để nổi loạn, nên sai lính triệu ông về tỉnh, tạm giam 3 tháng, sau đó mới trả tự do.

Thể theo đề nghị của Tổng đốc Huỳnh Mẫn Đạt, danh hiệu Phật Thầy của ông được triều vua Tự Đức công nhận và ông được tự do hành đạo, nhưng phải “xuống tóc” như các tăng sĩ xuất gia bên Phật Giáo. Vì vậy, ông đến núi Sam (Châu Đốc) xuất gia theo Thiền phái Lâm Tế (đời thứ 38) lấy đạo hiệu là Giác Linh. Dân chúng khắp nơi ở Lục Tỉnh kéo về quy y và thỉnh thuốc trị bệnh đông hơn trước.

Tiếng là trụ tại núi Sam, nhưng ông thường xuyên đi khắp vùng Thất Sơn để giảng đạo và lập nên 4 đoàn khai hoang, trồng trọt và lập nên nơi tu hành gọi là “trại ruộng”.

-Đoàn thứ nhất do ông Bùi Văn Thân và Bùi Văn Tây vào vùng Thất Sơn, quanh chân núi Két (thuộc Tịnh Biên).

-Đoàn thứ hai do ông Trần Văn Thành vào khu vực Láng Linh (thuộc Châu Phú). 

-Đoàn thứ ba do ông Đặng Văn Ngoạn vào vùng Trà Bông (thuộc Cao Lãnh, Đồng Tháp).

-Đoàn thứ tư do ông Nguyễn Văn Xuyến vào khu vực Cái Dầu (thuộc Châu Phú).

Năm 1851, cùng với việc khẩn hoang lập trại, Phật Thầy Tây An giao cho đại đệ tử là Quản cơ Trần Văn Thành chôn 5 thẻ Yểm ở 5 địa điểm theo Dịch đồ “Ngũ Long trấn phục” để hóa giải trấn ếm của người Tàu, giữ an bình cho dân chúng vùng Thất Sơn.

Phật Thầy Tây An viên tịch ngày 10/9/1956 (nhằm 12 tháng 8 năm Bính Thìn) hưởng dương 49 tuổi, an táng tại chùa Tây An, Châu Đốc.

*****

Tuy Phật Thầy Tây An chỉ xuất hiện trong khoảng 7 năm, nhưng sự nghiệp hoằng đạo của Ngài để lại có ý nghĩa thiết thực cho người dân Nam Kỳ. Ngài là người đầu tiên trong sử Việt lập nên một tôn giáo thuần Việt, dựa vào đạo Phật làm nồng cốt, cùng với truyền thống văn hóa và tâm linh tốt đẹp của dân tộc. Ngài có tư tưởng canh tân, giản dị hóa tập tục thờ cúng, đưa ra pháp môn “Học Phật - Tu Tâm” và lấy việc báo đáp Tứ Trọng Ân làm căn bản gồm: 

-Ân Tổ tiên, cha mẹ.

-Ân Đất nước.

-Ân Tam Bảo.

-Ân Đồng bào và nhân loại.

Trải qua gần 2 thế kỷ, đến nay công đức của Ngài vẫn còn lưu dấu. Cuộc đời của Phật Thầy Tây An là tấm gương sáng, xứng đáng cho thế hệ kế thừa noi theo.


No comments:

Post a Comment