Kính thưa quý thính giả, ngày hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu đôi nét về Huỳnh Đức Thanh Bình, một chiến sĩ dân chủ trẻ tuổi mà khi nhắc đến, khiến không ít người yêu mến, cảm phục do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân.
Huỳnh Đức Thanh Bình sinh năm 1996 trong một gia đình nghèo tại Sài Gòn.
Tuổi thơ của Bình không may mắn như những đứa trẻ cùng lứa khác vì cha mẹ
chia tay nhau khi cậu mới lên hai tuổi. Mẹ của Bình, bà Nguyễn Thị Huệ, một nhà
giáo nghèo dù yêu thương con hết mực cũng không thể lấp đầy những khoảng trống,
những thiếu thốn mà chị em Bình phải chịu. Thời thơ ấu của Bình hầu như trôi
qua dưới mái trường vì suốt 12 năm phổ thông, có đến 11 năm (trừ năm lớp 10)
Bình phải học bán trú. Việc gửi con học bán trú giúp bà Huệ có nhiều thời gian hơn
để đi dạy, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Dù nghèo khó, thiếu thốn nhưng
chị em Bình đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi và có khả năng tự lập từ
nhỏ.
Sinh ra, lớn lên, và học hành trong môi trường hoàn toàn bị định hướng, bị
nhồi sọ, nhưng Bình đã biết đặt ra những câu hỏi “vì sao?” để rồi tự đi tìm lời
giải đáp cho mình. Không bị chi phối bởi “ý thức hệ” tư bản hay cộng sản, không
chịu ảnh hưởng bởi sự thù hận “quốc- cộng”, cũng như nhiều chiến sĩ dân chủ
khác, Huỳnh Đức Thanh Bình dấn thân vì cậu thấy bổn phận của mình trong sự tồn
vong của dân tộc. Bình nhận thức được điều đó từ khi đang học cấp ba nhưng cho
rằng bằng cấp, học hàm, học vị đều là thứ vô nghĩa trong một nền giáo dục dối
trá, nhồi nhét nên Bình không muốn thi đại học. Là một người mẹ, hiểu được ước
mơ, hoài bão của con nhưng bà Huệ cũng dự cảm được phần nào những hiểm nguy
phía trước Bình sẽ phải đối mặt. Bà khuyên con: “Nếu muốn đóng góp cho đất
nước, thì con phải học đại học. Vì nếu con không vào đại học, tất cả những việc
con làm, những điều con nói dù đúng đến mấy cũng không có sức thuyết phục.
Người ta sẽ nói rằng con nhất thời, bốc đồng, nông cạn và thiếu kiến thức,
thiếu hiểu biết. Con đã đủ tuổi để quyết định cuộc đời mình, mẹ không dám ngăn
cản nhưng con phải vào đại học rồi hãy nghĩ đến những chuyện khác”.
Học xong trung học, Bình thi đậu vào trường Đại học Tài chính Kinh tế - Khoa
Luật Kinh tế. Bình là một chàng trai hiền lành, trầm tính, ít nói, ít bộc lộ,
sống khép kín. Có một điểm khá đặc biệt là Bình không mấy khi giao du hay kết
bạn với những người đồng lứa, ngược lại, cậu thích tìm đến với những người lớn
tuổi, những bậc cha chú để “được nghe” nhiều hơn là “được nói”. Khi đang học
Đại học năm thứ 2, chàng sinh viên hiền hậu Huỳnh Đức Thanh Bình bị bắt, trước sự
ngỡ ngàng của thầy cô giáo và chúng bạn.
Sau gần 1 năm bị tạm giam, ngày 24/6/2019, Tòa án cộng sản tại thành Hồ đã
kết án Huỳnh Đức Thanh Bình 10 năm tù giam với tội danh gán ghép “Hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ngoài Bình, hai người khác là
Nguyen Michael Phuong Minh (quốc tịch Hoa Kỳ, cư trú tại Hoa Kỳ) bị tuyên 12
năm tù giam, anh Trần Long Phi (quê Biên Hòa) bị tuyên 8 năm tù giam. Người thứ
4 và là cha ruột của Bình là ông Huỳnh Đức Thịnh bị tuyên 01 năm tù với cáo
buộc “không tố giác tội phạm”. Theo Cáo trạng của VKS, Bình cùng ông Phương
Minh, Phi Long đã thành lập, tham gia tổ chức “Quốc nội quật khởi”, lập kế
hoạch mua vũ khí, tuyên truyền, lôi kéo người tham gia biểu tình, chiếm trụ sở
chính quyền ở Hà Nội và TPHCM, gây bạo loạn nhằm tiến tới lật đổ chính quyền và
xóa bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam”. Trên thực tế, Bình và các bạn
chỉ đi biểu tình ôn hòa chống Dự luật Đặc khu, làm thơ, viết bài bày tỏ quan
điểm trên mạng xã hội. Không hề có cái gọi là “thành lập tổ chức Quốc nội Quật
khởi” hay những yếu tố liên quan đến bạo động như lời vu khống của công an nhằm
tống giam những người yêu nước này.
Bình hiền lành, dễ mến, chuộng nghĩa nhưng cũng rất can đảm và sẵn sàng đối
đầu với kẻ thù để bảo vệ anh em, bảo vệ lẽ phải. Vì thế, sự trừng phạt dành cho
người thanh niên hiền lành và kiên cường này vô cùng khắc nghiệt. Trong nhiều
lần bị kỷ luật, có thể kể đến thời gian 16 tháng biệt giam ròng rã, kéo dài từ
mùa hè năm 2020 đến tận tháng 10 năm 2021. Trước đó, Bình cùng năm tù nhân chính
trị khác tuyệt thực, phản đối chính sách ngược đãi, bao gồm việc nhốt người tù
trong phòng kín kéo dài nhiều ngày, không cho ra ngoài. Ngoài yếu tố tuổi trẻ,
không khó để lý giải vì sao nhà cầm quyền dành sự “ngược đãi” đặc biệt dành cho
Huỳnh Đức Thanh Bình. Xin hãy nghe nhận định sắc bén, đanh thép của Bình trong
một bài viết trước khi bị bắt:
“Nhà cầm quyền CSVN chính là giặc thái thú, tay sai của Tàu cộng khi
ngang nhiên đàn áp chống lại người dân. Chúng bảo vệ cho Formosa, bảo vệ giặc
thù muôn kiếp của dân tộc Việt Nam, tàn phá đất nước mình. Hai chữ “Việt Nam”
giờ đây gần như đã không còn. Nếu còn, chỉ còn lại cái tên bề ngoài trống rỗng
chờ ngày bức tử . Đảng cộng sản VN chỉ là cái vỏ bọc vô nghĩa, dối trá của một
tập đoàn “mafia đỏ”. Đó là những kẻ ăn cướp, bán nước hại dân, bọn tay sai thái
thú cai trị dân tộc Việt Nam thay cho thiên triều Trung cộng mà thôi”...và
“người dân Việt Nam đang làm nô lệ cho ngoại bang”.
Huỳnh Đức Thanh Bình bước chân vào chốn lao tù khi còn rất trẻ, mới 22 tuổi.
Nếu để so sánh, chế độ nhà tù cộng sản thuộc diện khắc nghiệt, tàn bạo bậc nhất
thế giới. Đối với tù nhân chính trị, những người bị nhà nước coi là “kẻ thù”,
sự ngược đãi, bạo tàn sẽ được tăng lên cấp số nhân.
Sau hàng chục năm bị cai trị bởi ách độc tài toàn trị, đại đa số người dân
Việt Nam đều sống trong sự sợ hãi tột độ, mất đi ý thức phản kháng. Chính vì
thế, những người dám đứng lên chống lại bạo quyền, nhất là những sinh viên như
Phan Kim Khánh, Nguyễn Phương Uyên, Trần Hoàng Phúc, Huỳnh Đức Thanh Bình lại
càng đáng quý. Họ chính là hy vọng của tương lai, hy vọng về một Việt Nam hồi
sinh.
Thúc Lân
No comments:
Post a Comment