Wednesday, June 21, 2023

Scandal ‘Phạm Bá Hiền’ – ‘cả hệ thống chính trị’ đã… ‘vào cuộc

Chuyện Nước Non Mình

Không có dân chủ đa nguyên đa đảng thì công cuộc phòng chống tham nhũng chỉ là huyền thoại truy tìm lông rùa sừng thỏ bịp bợm mà thôi. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình hôm nay, mời quý thính giả đài ĐLSN nghe bài viết của Trân Văn với tựa đề: “Scandal ‘Phạm Bá Hiền’ – ‘cả hệ thống chính trị’ đã… ‘vào cuộc” sẽ được Vân Hà trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Trân Văn 

Scandal “Phạm Bá Hiền” bùng lên hồi hạ tuần tháng trước và kéo dài sang thượng tuần tháng này sau khi người sử dụng mạng xã hội chuyền cho nhau xem hình ảnh bữa tiệc mừng ông đại tá Tư lệnh Binh đoàn 16 được vinh thăng Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam tại “lâu đài” của gia đình ông. Bên cạnh những thắc mắc và bình phẩm về chuyện tiền từ đâu ra để ông đại tá Tư lệnh Binh đoàn 16 và gia đình có thể dư giả tới mức muốn phô bày cuộc sống xa hoa của ông và gia đình như vậy, những người hiểu rõ ông tân thiếu tướng này còn giới thiệu với thiên hạ nhiều chuyện khác…

Trận bão dư luận trên mạng xã hội đã cuốn một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức “vào cuộc”. Cơ quan truyền thông bị cuốn đi đầu tiên và xa nhất là tờ Tiền Phong. Nhờ vậy, công chúng biết thêm rằng lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của tỉnh là… “bạn bè” ông Hiền, cho nên vẫn hoan hỉ chúc mừng, khẳng định ông Hiền là… “niềm vinh dự, tự hào của quê hương Hà Tĩnh”, mong ông “tiếp tục theo dõi, dành nhiều tình cảm và luôn đồng hành cùng quê hương Hà Tĩnh, đặc biệt là trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng địa phương”.

Nhờ tờ Tiền Phong “vào cuộc” nên công chúng mới biết thêm, việc gia đình ông Hiền tổ chức liên hoan rầm rộ không chỉ một buổi mà là… “Mở tiệc nhiều ngày để chúc mừng và mời bà con lối xóm đến dự, không nhận tiền của ai cả. Các mâm cỗ cũng rất thịnh soạn, được họ thuê nấu ở nơi khác về. Căn nhà xây dựng hơn năm năm qua song rất ít người vào bên trong, chỉ hôm mở tiệc mời cả làng thì mới được vào và chiêm ngưỡng”. Cũng nhờ tờ Tiền Phong vào cuộc mà thiên hạ mới biết việc gia đình ông Hiền tự tiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép đã từng bị báo giới phơi bày vào năm 2018 đã được hợp thức hóa vào năm sau – 2019.

 

Quyết định “vào cuộc” của một số cơ quan truyền thông chính thức còn giúp công chúng biết rằng, nhận thức của lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Hà Tĩnh khác xa công chúng, không những không thấy trường hợp Phạm Bá Hiền là khác thường cần phải làm gì đó để chứng tỏ “công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực” thực sự “đồng bộ, quyết liệt”, mà còn hoan hỉ đến tận tư gia của ông Hiền để chia vui và thông qua báo giới để nhắn với công chúng rằng scandal “Phạm Bá Hiền” chỉ làm họ cảm thấy… “rất buồn vì việc của cá nhân lại ảnh hưởng đến tỉnh, sự việc bị đẩy lên quá mức”.

 

Có thể nhận định, bình phẩm của công chúng trên mạng xã hội là một loại gợi ý nên tờ Tiền Phong phỏng vấn một Kiến trúc sư tên là Phạm Thanh Tùng đang đảm nhận vai trò Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam về “lâu đài” của ông Phạm Bá Hiền. Theo ông Tùng thì thời gian vừa qua, không chỉ tại các thành phố mà ở nhiều vùng thuộc nông thôn đã xuất hiện rất nhiều công trình kiến trúc cầu kỳ, to lớn, đắt tiền được gọi là lâu đài, biệt phủ.

 

Ông Tùng cho rằng: Đó là lối kiến trúc giả cổ, bắt chước kiến trúc của châu Âu thế kỷ XVII, XVIII, xa lạ, không phù hợp với thời đại, bởi thời đại nào phải kiến trúc đó. Theo ông Tùng: Đó không phải bản sắc. Việc xây dựng công trình với lối kiến trúc này chỉ thể hiện sở thích của người có tiền nhưng đó không phải là xu thế của kiến trúc và đặc biệt là ở vùng nông thôn. Nó mang lại cảm giác xa lạ, không hài hòa với cảnh quan, thậm chí xa lạ cả với lối sống của người dân trong khu vực.  Vùng nông thôn cần những ngôi nhà giản dị nhưng bền vững, chan hòa với thiên nhiên, với cộng đồng. Nó thể hiện bản sắc văn hóa của người Việt Nam sống tình nghĩa, sống có làng xóm, chứ không phải là cách biệt.

 

Chưa muốn ngừng ở đó, tờ Tiền Phong tiếp tục đi xa hơn. Trên Internet người ta tìm thấy… “vết tích” nỗ lực của tờ Tiền Phong – một bài viết có tựa là “Biệt phủ của cụ bà 80 tuổi, nơi tổ chức bữa tiệc vinh quy bái tổ của con trai”. Sở dĩ gọi là… “vết tích” vì bài này chỉ còn… link. Nếu click vào link này, công chúng sẽ được đọc bài… “Sông Đà cạn trơ đáy nhìn từ trên cao”! Đó chính là bằng chứng cho thấy… “cả hệ thống chính trị” đã… “vào cuộc”.

 

Thay vì vào cuộc để xem xét trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự của tất cả các viên chức từ địa phương đến trung ương để trả lời cho đồng đội, đồng chí, đồng bào, vì sao hoạn lộ của một người như ông Phạm Bá Hiền lại hanh thông tới mức không thể tưởng tượng được như thế (?), vì sao ông Phạm Bá Hiền giàu có bất thường như thế (?), vì sao đất đai – lâu đài của gia đình ông Phạm Bá Hiền lại được hợp thức hóa (?), dựa vào những ai mà ông Phạm Bá Hiền trở nên hãnh tiễn, bất chấp “cả hệ thống chính trị” đang… “ra sức” chứng tỏ sự “đồng bộ và quyết liệt” trong “công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực” để… “chỉnh đốn” (?),… thì ‘cả hệ thống chính trị’ đã… ‘vào cuộc’ để tiếp tục dẫn dắt công chúng tới…. “Sông Đà cạn trơ đáy nhìn từ trên cao”!

No comments:

Post a Comment