Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục
Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết:" Vụ đột kích
ở Dak Lak: Vì sao người Thượng Nổi giận? " của Y Nguyên qua sự trình bày của Khánh Ngọc.
Tin tức nối tiếp sự kiện hai đồn
công an ở Đắk Lắk bị các nhóm người Thượng Tây Nguyên đột kích ngày càng căng
thẳng và bí ẩn hơn. Tình hình ở các con đường dẫn đến huyện Cư Kuin đều bị chốt
chặn và tuần tra bởi các lực lượng cảnh sát cơ động và quân đội phối hợp. Các
cửa hàng, siêu thị đều đóng cửa theo lệnh của công an. Chợ cũng không có người
đi, đường phố vắng ngắt. Đến trưa ngày 12 Tháng Sáu ở Việt Nam, tin nhỏ giọt từ
phía Bộ Công an cho hay đã bắt được 26 người từ các nhóm đột kích, nhưng không
có chi tiết nào về tên tuổi cũng như không rõ bắt giữ như thế nào.
Công an nói đã giải cứu được hai con
tin là dân thường, tuy nhiên, tên tuổi và cách thức giải cứu cũng không được đề
cập trong các bản tin. Nhiều nguồn tin từ Sài Gòn cho hay, chính quyền đã cho
hệ thống an ninh mạng rà soát các từ khóa có liên quan về vụ đột kích này trên
mạng xã hội Facebook để dò tìm các nhóm thảo luận sự kiện, được cho là để lấy
thêm thông tin.
Những hình ảnh hiếm hoi tìm thấy từ
Bộ công an phát đi, cho thấy vài người Thượng đang bị bắt giữ, quỳ gối và tay
bị trói giật ra sau bên cạnh nhiều cảnh sát cơ động. Điều đáng nói là gương mặt
của những người này đều không lộ vẻ khuất phục. Quần áo của họ có dính máu,
nhưng không biết là từ đâu.
Những lời bàn úp mở trên mạng
Facebook, Twitter, YouTube… đang đặt vấn đề về nguyên nhân của vụ tấn công này.
Nhưng có thể nói là số người lên án vụ tấn công đẫm máu này dè dặt và không
nhiều. Còn bên cạnh đó, sự theo dõi và có tâm lý đồng cảm cho vụ tấn công bạo
lực này đang xuất hiện ở nhiều bình luận và các tiêu đề trạng thái.
“Tức nước vỡ bờ”, hoặc “gieo nhân
nào gặt quả nấy”… là những cụm từ phổ biến để bày tỏ thái độ của dân chúng
trước câu chuyện bất ngờ. Các cuộc tranh luận về vấn đề có nên dùng bạo lực để
giải quyết hiện trạng hay không xuất hiện ở một số trang Facebook, nhưng lại bị
đặt vấn đề là “vậy chỉ có chính quyền là được chấp nhận, khi cứ ngang nhiên sử
dụng bạo lực với người dân thôi sao?”.
Các vụ phản ứng bằng bạo lực của
người dân với chính quyền, khi không còn có thể nói chuyện bằng luật pháp được
nữa, liên tiếp thấy dẫn ra, như vụ Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông (dùng súng tự chế
bắn vào nhóm cưỡng chế đất), Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng (bắn bị thương cảnh sát
cơ động đến cưỡng chế), Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình bắn chết cán bộ và tự sát…
Vụ gần nhất là vụ ông Lê Đình Kình bị 3,000 công an tấn công và đêm khuya và
giết chết ngay trong phòng ngủ – hầu như sự chán ghét của dân chúng về tình
trạng cướp đất và bạo lực chính quyền đối với người dân lâu nay, được bày tỏ
khá rõ ở mọi nơi.
Riêng ở Đắk Lắk, chuyện cướp đất làm
dự án và sách nhiễu, đánh đập dân chúng để buộc từ bỏ tín ngưỡng là điều mà
không chỉ người Việt Nam mà cả thế giới đều biết. Hồ sơ về tự do tôn giáo của
Hoa Kỳ hàng năm đều có đủ các chứng cứ nêu ra.
Vấn đề xung đột đất đai của người
Thượng Tây Nguyên với chính quyền vẫn xảy ra thường xuyên khi có doanh nghiệp
muốn lấy đất làm ăn. Nhưng gần đây, và liên quan đến hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur
– tức là nơi xảy ra vụ đột kích – là dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh và cải tạo
đất, và việc xây dựng khu đô thị mới Trung Hòa.
Dự án mở đường Hồ Chí Minh đi qua
nhiều vùng đất trồng cà phê của bà con người Thượng đang sinh sống, và có hợp
đồng với một số công ty thầu mua. Việc mở đường, lấy đất nhưng không thỏa
thuận được tiền bồi thường mà chỉ nói suông là đất được thu hồi cho công
trình của nhà nước lên đến 1,500 tỷ đồng, đã khiến xảy ra chuyện nhiều gia đình
người Thượng không còn công ăn việc làm, mất nhà cửa, tuyệt đường sinh
sống.
Còn dự án khu đô thị mới Trung Hòa mắc nhiều sai lầm về quy hoạch
và bị người dân bất bình nhưng vẫn được chính quyền ở đây yểm trợ hành động.
Các vụ cưỡng chế đất đã đối diện nhiều chuyện thưa kiện và phản đối, nhưng có
vẻ như mọi thứ không ăn thua gì với quyết tâm riêng của chính quyền địa phương.
Còn về vấn đề tôn giáo, chuyện công
an ở huyện Cư Kuin lâu nay nổi tiếng hống hách, ập vào nhà khám xét, bắt người
đi giam nhốt không có lệnh tòa hay thậm chí đánh chết người trong khi điều tra,
là điều bà con người Thượng vẫn đối diện hàng ngày. Công an và chính quyền bị
người dân gọi là bọn ác ôn, tức cách gọi mà miền Bắc trong cuộc chiến trước
1975 hay mô tả về các quan chức nông thôn miền Nam để tuyên truyền.
Nhằm tiện bề đàn áp, công an và bộ
máy tuyên truyền của Hà Nội luôn không ngừng phao tin rằng đồng bào thiểu số
quanh huyện Cư Kuin nói riêng, Đắk Lắk nói chung, đang có ý muốn dựng lại phong
trào vũ trang Fulro, đổ tội cho các nhóm sinh hoạt Tin Lành truyền bá âm mưu
kêu gọi ly khai, ủng hộ nhà nước độc lập Dega – mà mục đích là để tiện tay bắt
bớ, kết án. Nhiều người Thượng đã chạy đi tỵ nạn ở Thái Lan, có gia đình ở Đắk Lắk đều bị bắt
nhiều lần, bị đánh đập bất thường hoặc bị tù ít nhất từ 1 đến 2 lần vì không
chịu bỏ đạo hoặc phản đối vì đất đai bị cướp đi vô lý.
No comments:
Post a Comment