Mở đầu chương trình, Vân Hà & Hải Nguyên mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1/ DÂN NGHỆ AN PHONG TỎA ĐƯỜNG VÀO HẢI CẢNG QUỐC TẾ VISSAI
Người dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ
An, trong mấy ngày qua đã tiến hành ngăn chặn xe tải vào hải cảng quốc tế
Vissai nhằm phản đối những vẫn dề về giải tỏa các căn phố, tái định cư, và lo
ngại về môi trường.
Cần biết cầu cảng Vissai số 1 được vận hành từ
tháng 10 năm 2017 để vận chuyển xi măng của công ty Sông Lam đến các vùng miền
trong nước và xuất cảng. Đến giai đoạn 2, cụm cảng này đang xây dựng thêm 2 bến
cảng tổng hợp, trở thành một cảng biển quốc tế đa dụng.
Giới báo chí lề đảng vào hôm qua 25/6 cho biết,
đến trưa cùng ngày, có rất nhiều người dân địa phương, trong đó có cả trẻ em,
dựng lều bạt, ngăn chặn không cho xe tải ra vào khu vực con đường chính dẫn vào
cảng Vissai đóng ở xã Nghi Thiết. Việc người dân chặn xe đã khiến những chiếc
xe chở xi măng từ huyện Đô Lương phải nằm dài trên đường.
Trước đó vào ngày 23/6, nhà cầm quyền địa phương
và công ty Sông Lam đã mở cuộc đối thoại với người dân. Người dân nhắc lại lời
hứa hẹn hỗ trợ xây nhà văn hóa của nhà cầm quyền cho xóm Hải Thịnh từ năm 2017
đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nhà văn hóa của xóm hiện đang trong tình
trạng xuống cấp và quá chật hẹp.
Nhiều gia đình đang mòn mỏi di dời và tái định cư.
Cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, khi phải giữ nguyên hiện trạng nhà cửa
xuống cấp, không thể sửa chữa và sống quá gần khu vực trạm nghiền.
Nhiều hộ dân xóm Hải Thịnh phản ánh lên nhà cầm
quyền về ô nhiễm môi trường khi công Sông Lam đang xây dựng bến bãi
chứa than ở vùng cảng tổng hợp.
2/ HÀNG
KHÔNG MẪU HẠM RONALD REAGAN ĐẾN THĂM CẢNG ĐÀ NẰNG
Chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ Ronald Reagan đã đến
Đà Nẵng vào hôm qua 25/6, trong chuyến viếng thăm đã lên kế hoạch từ trước,
đánh dấu lần thứ ba một mẫu hạm Mỹ đến thăm VN kể từ năm 2018.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Marc
Knapper cho biết là Hoa Kỳ rất vinh dự khi có cơ hội làm việc cùng các đối tác
Việt Nam tại Đà Nẵng để đón mẫu hạm Ronald Reagan và hải đội tác chiến CSG 5.
Chuyến thăm này đánh dấu một dịp đặc biệt khi hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ
Đối tác Toàn diện, thể hiện cam kết chung của hai nước hướng tới một tương lai
thịnh vượng và an ninh.
Đô đốc Patrick Hannifin, người cầm đầu
hải đội này, cho biết thêm là rất vui mừng khi đến Việt Nam. Những chuyến viếng
thăm này giúp thúc đẩy quan hệ đối tác và củng cố cam kết khi ứng phó với những
thách thức chung trong lãnh vực hàng hải.
Chuyến thăm gần đây nhất của hàng không
mẫu hạm Hoa Kỳ đến Việt Nam là chiếc Theodore Roosevelt vào năm 2020. Đây là
chuyến thăm đầu tiên của mẫu hạm Ronald Reagan tới Việt Nam kể từ khi hai nước
thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995.
Đại tá Daryle Cardone, người chỉ huy mẫu
hạm Reagan, cho biết là hơn 5 ngàn binh sĩ trên tàu rất háo hức được đến thăm Đà Nẵng và trải
nghiệm văn hóa Việt Nam.
Ngoài các hoạt động trao đổi văn hóa và
chuyên môn, các dự án phục vụ cộng đồng, thi đấu thể thao và lễ tiệc chiêu đãi,
các thành viên của ban nhạc hạm đội 7 Hoa Kỳ sẽ có các buổi biểu diễn miễn phí
cho thanh thiếu niên.
3/ LỰC LƯỢNG WAGNER ĐỒNG Ý RÚT
LUI KHỎI ĐẤT NGA
Các tay súng của lực lượng đánh thuê
Wagner vào hôm qua 25/6 đang dần dần rút ra khỏi các vị trị họ chiếm đóng tại
Nga sau cuộc nổi loạn bất thành do thủ lãnh Yevgeny Prigozhin khởi động.
Sau vài tiếng đồng hồ căng thẳng, ông
Prigozhin đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt
cuộc nổi loạn và đi lưu vong ở Belarus.
Giới chức hai vùng Lipetsk, ở phía nam Moscow, và Voronezh,
nằm giữa Moscow và Rostov trên sông Đông, nơi xuất phát cuộc nổi loạn, lực
lượng Wagner đều đã rời khỏi các vùng này vào hôm qua. Đây là hai địa điểm trên
chặng trên đường tiến quân của Wagner về phía thủ đô Nga.
Ngay từ tối hôm qua, phủ tổng thống Nga loan báo việc ông
Prigozhin đã đồng ý qua Belarus, nhưng không nói rõ là vào lúc nào và không cho
biết nhân vật này đang ở đâu. Với sự nỗ lực
hòa giải của tổng thống Belarus, chính quyền Nga đã đạt được thỏa thuận
với Wagner. Theo đó thì ông Prigozhin sẽ được phép rời Nga tới Belarus, đồng
thời chính phủ Nga đã đồng ý hủy bỏ vụ điều tra hình sự nhắm vào ông.
Về phần mình, ông Prigozhin đã ra lệnh cho lực lượng Wagner
trên đường tiến đến Moscow quay đầu và cho biết là lực lượng này đã rời thành
phố Rostov trên sông Đông và trở lại căn cứ của mình.
Đối với ông Nicolas Gosset, nhà nghiên cứu thuộc Học viện
Quốc phòng ở Bỉ, cuộc nổi loạn bất thành đã khiến của thủ lãnh Wagner mất uy
tín. Đây là một cái tát vào mặt ông Prigozhin vì không giành được những gì mà
ông tuyên bố, sau khi bộ quốc phòng Nga áp đặt lệnh buộc lực lượng đánh thuê
Wagner phải ký kết hợp đồng với họ.
Ông
Gosset nhận định là cả hai ông Prigozhin và Putin đều mất mặt trong vụ nổi
loạn, trừ phi đây chỉ là một cuộc “đảo chính giả”. Trong một chừng mực nào đó,
mọi sự đều được dàn dựng để cho thấy một thành công, hay ít ra là một bước đột
phá lớn, của những tham vọng cực đoan nhất bên trong nhà nước Nga.
4/ BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI BẠO LỰC LAN
RỘNG Ở SERBIA
Serbia đang trải qua tuần lễ biểu tình
thứ 8 sau hai vụ xả súng hàng loạt vào đầu tháng 5 vừa qua đã khiến 18 người
chết và 20 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em.
Lần đầu tiên vào hôm 24/6, các cuộc
biểu tình được đặt tên là “Serbia chống lại bạo lực” đã diễn ra ở 10 thành phố lớn. Những người xuống đường phản đối chính phủ đã
không kiểm soát chặt chẽ thông tin và để cho các phương tiện truyền thông cổ vũ
bạo lực.
Lần
đầu tiên, các cuộc biểu tình chống bạo lực được tổ chức tại 10 thành phố. Những
người biểu tình đã cản trở giao thông trong vài tiếng đồng hồ. Ở Novi Sad, họ
đã chặn một cây cầu. Đối với Igor 38 tuổi, việc bạo lực trong xã hội khiến mọi
người tức giận. Cô Angelina 35 tuổi thú
nhận là cô từng ngần ngại trong việc tham gia biểu tình, nhắc lại những cuộc biểu
tình năm 2020 kéo dài nhiều tháng trời nhưng không được kết quả gì, và cuối
cùng đã bị chính quyền đàn áp dã man.
Thế
nhưng đối với Alexandra thì cần phải quảng bá phong trào biểu tình vì bị các
phương tiện truyền thông thân chính phủ ém nhẹm, mà đó lại là những phương tiện
duy nhất có tầm hoạt động toàn quốc. Người này cho rằng cần phải phá vỡ chế độ
kiểm duyệt. Mọi người cần phải được biết về phong trào. Hãy quay phim những
cuộc biểu tình bằng điện thoại và giúp phong trào lan rộng trên mạng xã hội.
Cho
đến nay, những người biểu tình đã không đòi được bộ trưởng bộ nội vụ từ chức và
chấm dứt kiểm duyệt hay chấm dứt các chương trình bạo lực. Vấn đề là phải xem
liệu chính phủ Serbia có chấp nhận việc các cuộc biểu lan rộng hay không.
No comments:
Post a Comment