Saturday, June 10, 2023

Tin Tức: Thứ Sáu 10.06.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Phụng Hoàng & Đồng Tâm trình bày sau đây.

1) HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á (ASEAN) TẬP TRẬN CHUNG

Hôm thứ Năm 8/6, Indonesia, nước đang giữ chức Chủ tịch khối ASEAN, cho biết các nước Đông Nam Á sẽ tổ chức tập trận chung ở phía Biển Bắc Natuna, trong  Biển Đông. Đây là lần đầu tiên có cuộc diễn tập vào thời điểm căng thẳng gia tăng trong khu vực. Tư lệnh quân đội Indonesia, Đô đốc Yudo Margono, nói với hãng thông tấn nhà nước Antara rằng mục đích của cuộc diễn tập là để tăng cường "tính trung tâm của ASEAN" sẽ diễn ra vào tháng 9, nhưng  không có hoạt động huấn luyện tác chiến nào. Chưa thấy Trung Quốc hay Hoa Kỳ, là hai cường quốc đang đối đầu trong vùng này, đưa ra bình luận gì về kế hoạch diễn tập quân sự chung này. 

2) MỘT SỐ QUỐC GIA TRONG KHỐI NATO CÓ THỂ ĐƯA QUÂN THAM CHIẾN Ở UKRAINE

Từ khi Putin mở cuộc xâm lược Ukraine, có một lằn ranh đỏ đã vạch ra, đó là khối NATO không thể chính thức tham chiến cùng với Ukraina để chống Nga, vì làm như vậy sẽ khiến cho cuộc xung đột lan rộng ra châu Âu, thậm chí có nguy cơ biến thành thế chiến thứ ba. Trên nguyên tác NATO không có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine, vì nước này không phải là thành viên, nên không thể áp dụng điều 5 về điều “phòng thủ tập thể” của hiệp ước. Nhưng vì an ninh của các nước có chung biên giới với Ukraine, và đứng trước tham vọng của Nga, lại được sự hỗ trợ của Trung Cộng, nên một số nước thành viên của NATO có thể chọn một hình thức liên minh nào đó để đem quân chiến đấu bên cạnh Ukraine chống quân xâm lược Nga. Quan điểm này được ông Rasmussen, nguyên là tổng thư ký NATO từ 2009 đến 2014 và hiện là cố vấn của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra hôm 8/6 vừa qua. Sư kiện này xảy ra hay không, còn tùy thuộc vào cuộc họp thượng đỉnh của NATO tại Vilnius vào ngày 11 và 12 tháng 7 sắp tới.   

3) TÒA ÁN CÔNG LÝ QUỐC TẾ CHẤP NHẬN YÊU CẦU CỦA 32 QUỐC GIA ỦNG HỘ UKRAINE TRONG VỤ KIỆN DIỆT CHỦNG CHỐNG LẠI NGA

Đây là số lượng lớn nhất các quốc gia tham gia khiếu nại một nước khác tại tòa án thế giới có trụ sở tại The Hague, Hòa Lan. Ukraine đã nộp đơn kiện vài ngày sau khi Nga xâm lược nước này vào tháng 2 năm 2022. Điện Kremlin đã từ chối các phiên điều trần được tổ chức vào khoảng một tháng sau đó, trong khi những người biểu tình cầm cờ Ukraine hô vang các khẩu hiệu phản chiến bên ngoài cổng tòa án. Latvia là quốc gia đầu tiên ủng hộ đơn kiện này cáo buộc Nga đã vi phạm Công ước Diệt chủng năm 1948.  Con số kỷ lục 33 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc và mọi quốc gia thành viên Liên hiệp Châu Âu, ngoại trừ Hungary, đã đứng về phía Ukraine trong vụ kiện. Tuy nhiên, các thẩm phán của tòa án Liên hiêp quốc đã từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ vì  Hoa Kỳ đã không chấp nhận một phần của Công ước diệt chủng khi ký hiệp ước này.  Tòa án kết luận rằng các tuyên bố can thiệp được đệ trình đều được chấp nhận, ngoại Hoa Kỳ. Cũng cần nhắc lại: Bất kỳ quốc gia nào đã ký hiệp ước hình sự hóa tội ác diệt chủng sau Thế chiến II đều được phép nộp đơn xin can thiệp trong các trường hợp được đưa ra theo hiệp định. Hoa Kỳ đã không chấp nhận một phần của Công ước diệt chủng khi ký hiệp ước, vì vậy các thẩm phán xác định quốc gia này không có quyền tham gia. 

No comments:

Post a Comment