Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.
1) CÔNG AN CSVN GỌI VỤ NỔ SÚNG Ở ĐẮK LẮK LÀ “KHỦNG BỐ” VÀ KHỞI TỐ 84 NGƯỜI
Bộ Công an CSVN tuyên bố
vụ nổ súng tại Đắk Lắk là một vụ khủng bố liên quan đến một tổ chức tại Mỹ
nhưng không nói rõ đó là tổ chức nào. Người phát ngôn bộ này, trung tướng Tô Ân
Xô, hôm 23/6 cho biết công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố 84 người
trong đó 75 người bị cáo buộc tội danh "khủng bố nhằm chống chính quyền
nhân dân”.
Ngoài ra, bảy người khác
bị khởi tố với tội danh như "không tố giác tội phạm", (điều 390), một
người bị cáo buộc "che giấu tội phạm”( điều 389) và một người bị cáo buộc
"tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam
trái phép", quy định tại điều 348- BLHS năm 2015.
Vụ nổ súng tại hai trụ sở
xã tại tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6 khiến 9 người chết, trong đó có 4 công an, ba cán
bộ và hai dân thường gây rung động dư luận. Giới phân tích thời sự, các nhà hoạt
động nhân quyền đều cho rằng chính sách cai trị hà khắc của nhà cầm quyền đối với
vùng đất Tây Nguyên, đặc biệt là những đợt đàn áp về tôn giáo, sắc tộc, việc cướp
đất đai là nguyên nhân dẫn đến sự phản kháng bằng bạo lực nói trên.
2)
THÊM 15 NGƯỜI BỊ KHỞI TỐ LIÊN QUAN ĐẾN VỤ TRỊNH VĂN QUYẾT THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG
CHỨNG KHOÁN
Cơ quan Cảnh sát Điều tra
Bộ Công an hôm 23/6 cho biết vừa khởi tố thêm 15 người liên quan đến vụ án thao
túng thị trường chứng khoán do cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cầm đầu.
Đa số các bị can mới bị bắt
đều là người thân tín, hoặc có quan hệ bà con, họ hàng với ông Trịnh Văn Quyết.
Tất cả những người này đều bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và bị điều
tra về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Cơ quan điều tra xác định,
những bị can này có hành vi giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế và
đồng phạm “Thao túng thị trường chứng khoán”, thu lời bất chính số tiền trên
667 tỷ đồng.
Tỉ phú Trịnh Văn Quyết-
Chủ tịch Tập đoàn FLC, một trong những người giàu nhất Việt Nam bị bắt, bị khởi
tố ngày 29/3/2022 với hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán”,
theo Điều 211 Bộ luật Hình sự. Trịnh Văn Quyết bị bắt nằm trong chiến dịch “đốt
lò” của Nguyễn Phú Trọng, thực chất là cuộc đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực
giữa các phe nhóm trong nội bộ đảng cầm quyền tại Việt Nam.
3) CÁC BÁO CÁO VIÊN CỦA LHQ BỊ TỪ CHỐI ĐỀ NGHỊ THĂM VIỆT NAM
Các báo cáo viên đặc biệt
của Liên Hiệp Quốc không thể đến Việt Nam để tìm hiểu thực tế về các lĩnh vực
mình phụ trách do bị chính phủ nước này hoặc phớt lờ, hoặc từ chối.
Theo thống kê của Văn
phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, kể từ năm 2010 đến nay, chỉ có 7 trong số 24 lượt
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ được chính phủ Việt Nam cho phép nhập cảnh.
Trong số bảy báo cáo viên
đặc biệt đã đến Việt Nam, hầu hết là những người phụ trách những lĩnh vực ít nhạy
cảm như vấn đề Nợ nước ngoài, nghèo đói cùng cực, văn hoá, lương thực,... Các
báo cáo viên về những lĩnh vực nhân quyền như tự do biểu đạt, chống tra tấn, tự
do hội họp, bắt giữ tùy tiện… thường không nhận được phản hồi từ Hà Nội trước đề
nghị thăm viếng.
Việt Nam là một trong những
quốc gia thuộc tốp đầu thế giới về vi phạm nhân quyền nhưng hiện đang là thành
viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ khoá 2023-2025.
4)
CON TRAI BÀ AUNG SAN SUU KYI KÊU GỌI QUÂN ĐỘI MYANMAR TRẢ TỰ DO CHO MẸ
Con trai út bà Aung San
Suu Kyi, người được cho là luôn tránh xa chính trị, vừa kêu gọi quân đội
Myanmar trả tự do cho mẹ mình.
Ông Aris, công dân Anh, không phát biểu gì khi mẹ ông
bị giam gần 15 năm trong khoảng thời gian từ 1989 và 2010. Đây là lần đầu tiên
con trai út của nhà lãnh đạo này lên tiếng và trả lời phỏng vấn truyền thông quốc
tế. Ông Aris nói rằng, quân đội không cung cấp cho ông thông tin gì về mẹ ông
cũng như tình hình sức khỏe của bà. Ông nói ông đã cố gắng liên lạc với Đại sứ
quán Myanmar, Văn phòng Đối ngoại Anh và Hội Hồng Thập Tự Quốc tế, nhưng không
ai có thể giúp.
Bà Suu Kyi là một trong
những biểu tượng dân chủ hàng đầu thế giới. Bà được trả tự do sau gần 15 năm bị
cầm tù vào năm 2010.
Năm 2015, bà Suu Kyi trở
thành lãnh đạo trong một cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên tại Myanmar trong vòng
25 năm.
Đầu năm 2021, chính phủ của
Suu Kyi bị quân đội đảo chính và bà bị quản thúc tại gia, sau đó bị đưa vào khu
biệt giam tại một nhà tù ở thủ đô Nay Pyi Taw. Bà Suu Kyi bị tuyên 33 năm tù
trong một loạt phiên xét xử sau đó.
Trong suốt hai năm qua, gần như không có tin tức gì về bà. Có tin đồn rằng bà đang bị bệnh, nhưng quân đội phủ nhận thông tin này.
No comments:
Post a Comment