Monday, June 19, 2023

Tin Tức: Thứ Hai 19.06.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, Vân Hà & Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.

1/  NGOẠI TRƯỞNG MỸ BỊ TIẾP ĐÓN LẠNH NHẠT TẠI BẮC KINH

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã đến Bắc Kinh vào hôm qua 18/6 nhưng được đón tiếp một cách lạnh nhạt. Là nhà ngoại giao cao cấp đầu tiên của Mỹ đến thăm Trung Cộng kể từ năm 2018, nhưng bị bạo quyền Trung Cộng đối xử lạnh nhạt vì mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước Mỹ - Hoa.

Chiếc máy bay chở ông Anthony Blinken đã hạ cánh xuống thủ đô Bắc Kinh ngay từ sáng, nhưng ra đón ông tại phi trường là một phái đoàn bao gồm đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Cộng là ông Nicholas Burns và ông Dương Đào, Vụ trưởng vụ Bắc Mỹ và châu Đại Dương thuộc bộ ngoại giao Trung Cộng.

Bạo quyền Bắc Kinh không chỉ thể hiện thái độ "lạnh nhạt" khi đón tiếp ngoại trưởng Mỹ mà còn tung tín hiệu cảnh cáo hướng về phía Washington ngay trước khi ông Blinken đến Trung Cộng. Không hề có thảm đỏ ở chân cầu thang, không có ngoại trưởng Trung Cộng đích thân đón tiếp và chuyến viếng thăm này không phải là do Trung Cộng đứng ra sắp xếp.

Cần biết là kể từ sau vụ khinh khí cầu dọ thám Trung Cộng bị bắn hạ trên bầu trời Hoa Kỳ, quan hệ giữa hai nước đã thêm nguội lạnh. Hai bên đã đàm phán căng thẳng về mặt ngoại giao và phía Mỹ dường như đã phải nhượng bộ khi giảm bớt các biện pháp trừng phạt và đặc biệt là các tiết lộ đến hoạt động gián điệp của Trung Cộng.

Giới báo chí lề đảng Trung Cộng cho rằng Hoa Kỳ “không nên có ảo tưởng là xử sự được với Trung Cộng trong thế mạnh”. Đây cũng là những lời lẽ phi ngoại giao cách đây hai năm, khi hai cường quốc công khai tiết lộ những bất đồng của họ ở cuộc họp tại Anchorage.

Quan hệ Mỹ-Trung hiện bị vướng mắc trên nhiều vấn đề. Đầu tiên là vấn đề Đài Loan, Ukraine cho đến các căng thẳng ở hai vùng biển Hoa – Nhật và Biển Đông.

2/ KHỐI ÂU CHÂU TĂNG TỐC VẬN CHUYỂN VŨ KHÍ ĐẾN UKRAINE

Trong một cuộc phỏng vấn mới nhất, người đứng đầu ngành công nghiệp của Liên minh Âu châu, ông Thierry Breton, cho biết là khối Âu châu đang đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để hỗ trợ nước này phản công lực lượng Nga.

Trong tuyên bố, ông Breton cho biết là khối Âu châu sẽ tăng cường nỗ lực cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine vì đây là cuộc chiến có tầm quan trọng đối với thế giới. Ông cho biết thêm là đang chuẩn bị cho cuộc chiến kéo dài thêm vài tháng nữa, thậm chí là lâu hơn.

Ukraine đã phát động một cuộc phản công vào đầu tháng 6 để chiếm lại lãnh thổ từ tay quân Nga. Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vào hôm thứ 5 tuần trước đã kêu gọi các đồng minh của Kiev hãy nỗ lực hơn nữa để cung cấp thêm vũ khí và đạn dược.

Trong một diễn biến liên quan, một giới chức do Nga bổ nhiệm thừa nhận vào hôm qua 18/6 là Ukraine đã chiếm lại một ngôi làng ở Zapororizhzhia thuộc miền nam. Đây là thắng lợi đầu tiên của Ukraine trên mặt trận kể từ khi họ phát động cuộc phản công vào đầu tháng này.

Theo thú nhận nói trên, lực lượng Ukraine đã chiếm được khu định cư Piatykhatky và đang cố thủ ở đó trong khi hứng chịu hỏa lực từ pháo binh Nga. Các cuộc giao tranh ác liệt vẫn diễn ra trong khu vực. Tuy nhiên quân Nga cho biết đang gây tổn thất nặng nề cho quân Ukraine và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước tuyên bố quân Ukraine không có “cơ hội thành công” trong cuộc phản công.

Ukraine cho biết là họ đã giành lại quyền kiểm soát khoảng 100 cây số vuông lãnh thổ chỉ trong vòng một tuần tấn công, tái chiếm một chuỗi các ngôi làng ở khu vực Donetsk thuộc miền đông.

3/ GẦN 100 NGƯỜI CHẾT TRONG 3 NGÀY NẮNG NÓNG Ở ẤN ĐỘ

Giới chức Ấn Độ vào hôm qua 18/6 cho biết là trong vòng 3 ngày qua đã có ít nhất 54 người chết ở tiểu bang miền bắc Uttar Pradesh vì nắng nóng gay gắt.

Hầu hết các bệnh nhân tử vong trên 60 tuổi và tình trạng sức khỏe của họ có thể trở nên trầm trọng hơn do nắng nóng gay gắt. Ông Jayant Kumar, người đứng đầu cơ quan y tế Ballia, cho hay hầu hết các trường hợp tử vong là do đau tim, tai biến mạch máu não và tiêu chảy.

Nhiệt độ tại thành phố Ballia được ghi nhận ở mức trên 42 độ C trong ngày 16/6, tức cao hơn bình thường đến 5 độ C và có thể tăng lên 43 độ C trong ngày 18/6, theo cơ quan khí tượng Ấn Độ. Trước tình trạng này các bác sĩ khuyên những người trên 60 tuổi nên ở trong nhà vào ban ngày.

Ngoài ra, tại tiểu bang Bihar tiếp giáp với Uttar Pradesh, có 44 trường hợp tử vong trong 3 ngày do nắng nóng. Trong số đó có tới 35 người ở thủ phủ Patna và 9 người ở những khu vực khác. Patna ghi nhận nhiệt độ cao nhất gần 45 độ C vào ngày 17/6. Lệnh báo động "sóng nhiệt cực độ" đã được ban hành. Các trường học ở Patna đã đóng cửa đến ngày 24/6 và các quận huyện cũng đã ra lệnh đóng cửa các cơ sở giáo dục.

4/ LỆNH NGƯNG BẮN 3 NGÀY BẮT ĐẦU CÓ HIỆU LỰC Ở SUDAN

Sau hơn 2 tháng xung đột, một lệnh ngưng bắn mới chính thức được áp dụng tại Sudan với hy vọng tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động cứu trợ nhân đạo ở nước này.

Lệnh ngưng bắn kéo dài 72 giờ chính thức áp dụng từ ngày hôm qua 18/6 tại Sudan, sau hơn 2 tháng xung đột giữa hai phe, giúp thủ đô Khartoum lắng dịu sau những vụ đụng độ và không kích vào đêm hôm trước.

Quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đối lập đã đồng ý ngưng tấn công lẫn nhau và không tìm kiếm lợi thế quân sự trong giai đoạn ngưng bắn. Hai bên cũng sẽ cho phép phân phối hàng viện trợ, theo các nhà đàm phán Saudi Arabia và Mỹ.

Cần biết là một số lệnh ngưng bắn trước đó đã không được thực thi sau khi xung đột bùng nổ giữa hai bên vào ngày 15/4. Cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe đã khiến thủ đô Khartoum trở thành nơi giao tranh và cướp phá, cũng như dẫn đến đụng độ khiến bạo lực leo thang tại Darfur phía tây Sudan.

Vài giờ trước khi lệnh ngưng bắn bắt đầu lúc 6 giờ sáng ngày 18/6, một số nhân chứng cho biết những vụ đụng độ và không kích tiếp diễn tại một số khu vực ở Khartoum và thành phố Omdurman lân cận.

Vào hôm nay 19/6, các bên gồm Liên Hiệp Quốc, Đức, Qatar, Saudi Arabia và Ai Cập sẽ tổ chức hội nghị tại Geneva nhằm thu hút những cam kết tài trợ cho hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Sudan.

LHQ cho biết hơn phân nửa trong số 49 triệu người tại Sudan hiện cần viện trợ nhân đạo, cần khoản tài chính 3 tỉ Mỹ kim cho đến cuối năm nay. LHQ cũng kêu gọi quyên góp gần 500 triệu Mỹ kim giải quyết khủng hoảng tỵ nạn gây ra do cuộc xung đột này, với hơn 500 ngàn người Sudan đã chạy sang các nước láng giềng để lánh nạn và gần 1 triệu 700 ngàn người phải di tản trong nước.

 

No comments:

Post a Comment