Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Thiên An trình bày sau đây.
1/ CÔNG AN LẤP LỬNG VỀ TIN 3 LUẬT SƯ TỊNH THẤT BỒNG LAI ĐẾN MỸ
Trong khi cộng đồng người Việt hải ngoại đều
biết tin tức về 3 luật sư bào chữa cho Tịnh thất Bồng lai đã đến nước Mỹ cả
tuần qua, thì vào chiều ngày 26/6 công an tỉnh Long An đã mở cuộc họp báo khẳng
định là không hề hay biết gì về tin tức nói trên.
Trong lời giải thích, công an Long An cho
biết đó là thông tin lan truyền trên mạng, với các hình ảnh cắt ghép. Đồng thời
nhắc lại là đã gửi giấy “mời lên đồn” đến 3 Luật sư Đào Kim Lân, Đặng Đình Mạnh
và Nguyễn Văn Miếng, nhưng không ai lên đồn và không rõ lý do vắng mặt.
Cần biết là trang mạng của công an tỉnh Long An vào hôm
11/6 đã thông báo truy nã 3 vị luật sư vừa nêu, với cáo buộc là “lợi dụng quyền
tự do dân chủ để chống phá nhà nước”.
Trong quá trình bào chữa cho vụ Tịnh Thất Bồng Lai, nhóm luật sư đã dùng trang YouTube có tên là “Nhật ký Luật sư” để đăng tải các thông tin liên quan đến vụ án này.
2/ BỘ QUỐC PHÒNG VN CỬ ĐOÀN CÔNG
TÁC ĐẾN TỈNH ĐẮC LẮC
Bộ quốc phòng VN vào hôm qua 26/6 đã cử một phái đoàn đến tỉnh Đắc Lắc,
nơi xảy ra hai vụ tấn công vào rạng sáng ngày 11/6 làm 4 công an thiệt mạng.
Phái đoàn do Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, phó tổng tham
mưu quân đội, cầm đầu. Mục đích được nêu rõ là kiểm tra công tác sẵn sàng chiến
đấu của bộ đội biên phòng tỉnh này.
Tính đến ngày 23/6, giới chức VN đã truy tố 84 người trong
vụ nổ súng vừa nêu. Trong số này có 75 người bị cáo buộc khủng bố, bảy người bị
cáo buộc “không tố giác tội phạm”, một người bị truy tố về tội “che giấu tội
phạm” và một người bị cáo buộc “tổ chức cho người khác xuất cảnh hoặc nhập
cảnh”.
Bộ công an vào ngày 23/6 ra thông cáo khẳng định vụ nổ súng
có liên quan đến cá nhân và tổ chức nước ngoài. Trước đó vào ngày 20/6, Thiếu
tướng Phạm Ngọc Việt, cục trưởng an ninh nội địa, phát biểu tại hội nghị chống
khủng bố các nước do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở New York, là trong số những người
bị bắt có người là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh
từ tổ chức này xâm nhập vào Việt Nam và dàn dựng cuộc tấn công.
Ông Việt không dám nêu cụ thể tổ chức ở Mỹ là tổ chức nào,
trong khi đó một số tổ chức của người Thượng Tây Nguyên cho biết không liên
quan đến vụ tấn công và lên án mọi hành vi bạo lực.
Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công tại tỉnh Đắc Lắc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra lệnh cho các lực lượng vũ trang của mình ngăn chặn cái mà ông này gọi là “mạng lưới phiến quân người Việt” có thể đang ẩn náu tại Campuchia. Ông Hun Sen cũng cảnh báo là sẽ đóng cửa bất kỳ tổ chức quốc tế nào ở Campuchia nếu bị phát giác là giúp cho những nhóm đó.
3/ NGA HỦY BỎ CHIẾN DỊCH CHỐNG
KHỦNG BỐ Ở MOSCOW
Chính quyền Nga vào hôm qua 26/6 ra
thông báo hủy bỏ “chiến dịch chống khủng bố”, cho phép mở rộng quyền hạn của giới
chức an ninh tại vùng Moscow và Voronej ở phía nam thủ đô Moscow. Những biện
pháp an ninh nghiêm ngặt này đã được thiết lập vào hôm thứ Bảy 24/6 do vụ nổi
loạn của tập đoàn lính đánh thuê Wagner.
Khi tiến hành cuộc nổi loạn, lãnh đạo tập đoàn Wagner tuyên
bố sẽ “giải phóng nhân dân Nga” khi nhắm đến Bộ trưởng quốc phòng Serguei
Choigu và tham mưu trưởng Valéri Guerassimov mà ông Evgueni Prigojine tố cáo đã
hy sinh hàng ngàn binh sĩ Nga tại Ukraine.
Lần đầu tiên sau 48 giờ nổi loạn của tập đoàn Wagner, ông
Choigu đã xuất hiện trước công chúng, với đài truyền hình Nga cho phát hình ảnh
vị bộ trưởng quốc phòng đến thăm các binh sĩ tại Ukraine.
Trong khi chính quyền Nga đang nỗ lực thể hiện cuộc sống
trở lại bình thường, cuộc tiến quân ngoạn mục về Moscow của tập đoàn Wagner vào
hôm thứ Bảy tuần qua vẫn còn gây sốc cho người dân Nga và thủ đô Moscow.
Câu
hỏi được nhiều người đặt ra là “làm thế nào điều đó đã có thể xảy ra?”. Câu hỏi
được nghe rất nhiều trong suốt cuối tuần qua và còn rất nhiều câu hỏi khác như “làm
sao mà thủ đô nước Nga có nguy cơ chìm trong bể máu?”.
Người
dân Moscow vốn chỉ biết thông tin qua lời nhắn của ông Prigojine, một nhân vật
mà họ ít biết đến và thường xem như là một kẻ xã hội đen, đã không thể chấp
nhận điều đó. Và nhất là việc nhận biết là bộ máy quyền lực của Nga bị tước vũ
khí, đã làm cho người dân thủ đô sửng sốt và bị xúc phạm.
Cho đến sáng hôm qua, người ta vẫn cảm thấy trạng thái mơ hồ. Truyền thông tỏ ra dè dặt trong việc diễn giải sự việc. Nhưng một báo khác ngay từ sáng Chủ nhật đã trích bản tin của nhật báo New York Times, theo đó thì giới chức an ninh Mỹ đã được trình báo về những kế hoạch của chủ nhân tập đoàn Wagner, và họ đã cảnh báo cho các lãnh đạo bộ quốc phòng cũng như cho quốc hội Mỹ.
4/ GIỚI CHỨC CAO CẤP MỸ ĐỒNG Ý
ÔNG TẬP CẬN BÌNH LÀ NHÀ ĐỘC TÀI
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu rằng Chủ tịch Trung Cộng
Tập Cận Bình là một nhà độc tài, đến hôm Chủ nhật 25/6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Antony Blinken cho biết ông đồng tình với nhận định này.
Ông Blinken là người gần đây đã gặp họ Tập và giới lãnh đạo
Trung Cộng ở Bắc Kinh để thảo luận về mối quan hệ gây tranh cãi với Hoa Kỳ. Ông
nói với đài CBS là tổng thống Mỹ luôn nói thẳng và trực tiếp. Ông ấy đã nói rõ
ràng và ông ấy nói thay cho tất cả mọi người.
Ông Biden gọi ông Tập là một nhà độc tài tại một buổi gây
quỹ chính trị vào tuần trước và Trung Cộng đã nhanh chóng đáp trả, cho biết
nhận xét đó là “một sự khiêu khích chính trị trắng trợn”. Bộ ngoại giao Trung
Cộng đã bày tỏ sự không hài lòng về nhận xét nói trên.
Nhận xét của ông Biden được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông
Blinken trở về từ Bắc Kinh, nơi ông và các quan chức Trung Cộng đã thảo luận về
quan hệ thương mại và chiếc khinh khí cầu dọ thám của Trung Cộng bay qua đất Mỹ
vào tháng 2, trước khi Biden ra lệnh bắn hạ nó.
Ông Blinken cho biết mục đích chính của chuyến viếng thăm là mang lại sự ổn định hơn cho mối quan hệ Mỹ - Hoa. Ông Blinken cho biết đó là nghĩa vụ của Mỹ và mong rằng Trung Cộng cũng có nghĩa vụ đó nhằm bảo đảm là những khác biệt sâu sắc không dẫn đến xung đột.
5/ PHƯƠNG TÂY HUẤN LUYỆN HƠN 17
NGÀN TÂN BINH UKRAINE
Bộ quốc phòng Anh cho biết là nước này và các đồng minh đã giúp huấn
luyện hơn 17 ngàn tân binh Ukraine và dự trù sẽ đào tạo cho 30 ngàn người trong
năm tới.
Vào hôm qua 26/6 hơn 17 ngàn tân binh Ukraine đã hoàn tất
việc huấn luyện ở Anh và các nước khác trong năm qua, nhằm giúp Kiev đối phó
chiến dịch xâm lược của Nga.
Theo bộ quốc phòng Anh, các tân binh được tuyển dụng, từ
nhiều thành phần xã hội khác nhau ở Ukraine, đã trải qua một chương trình huấn
luyện khắc nghiệt kéo dài 5 tuần biến họ "từ dân thường thành binh
lính".
Anh và 9 nước khác
gồm Canada, Úc, New Zealand, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Lithuania và
Hòa Lan đã đưa ra sáng kiến dành cho tình nguyện viên được Lực lượng Vũ trang
Ukraine tuyển dụng vào tháng 6 năm 2022.
Chương trình huấn luyện do nước Anh dẫn đầu có tên là “Chiến
dịch Interflex” đã đào tạo cho các tân binh các kỹ năng khác nhau, bao gồm xử
lý vũ khí, cấp cứu trên chiến trường và chiến thuật tuần tra. Trước đó những
người này có ít hoặc không có kinh nghiệm quân sự.
Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết là quyết tâm
và sự kiên trì của các tân binh từ Ukraine là điều đáng trân trọng. Ông cho
biết nước Anh và các đồng minh sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ quan trọng này
cho đến khi nào còn cần thiết.
Theo bộ quốc phòng Anh, các khóa huấn luyện đã tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với hiệu quả chiến đấu của Ukraine.
No comments:
Post a Comment