Thursday, June 8, 2023

Tin Tức: Thứ Năm 08.06.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.

1/ THIẾU ĐIỆN NHIỀU TỈNH THÀNH TẠI VN BỊ CÚP ĐIỆN CẢ NGÀY

Tình trạng thiếu điện trong khi thời tiết nắng nóng lên đến 44 độ C ở VN, nhiều tỉnh thành ở miền bắc đã bị cúp điện gần như cả ngày, khiến đời sống dân chúng bị đảo lộn.

Trong một hành động vô cùng chậm trễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra lệnh cho bộ công thương phải thành lập đoàn thanh tra về việc cung ứng điện lực của tập đoàn Điện lực VN (EVN) từ ngày 1 tháng Giêng năm 2021 cho đến ngày 1/6 năm nay. Ngoài ra, bộ công thương phải hoàn thiện chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện trong những ngày tới và phải báo cáo trước ngày 8/6.

Với các dự án phong điện và quang điện đã thực hiện đầu tư xây dựng nhưng không đáp ứng thời hạn áp dụng, bộ này phải nghiên cứu, hướng dẫn xử lý dứt điểm theo thẩm quyền trong tháng 6/2023.

Cũng theo yêu cầu nói trên, tập đoàn điện lực VN có nhiệm vụ tháo gỡ các trục trặc tại các nhà máy điện, nhất là các nhà máy điện tại miền bắc, để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất. Các tập đoàn khác gồm Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia được yêu cầu bảo đảm cung cấp đủ than khí cho tập đoàn điện lực trong tháng 6 này.

Công điện của ông Chính công bố ngay vào thời điểm một số khu công nghiệp tại các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đang đối mặt với tình trạng mất điện toàn bộ. Trong ngày 6/6, nhiều tỉnh thành ở miền bắc như Hải Phòng và Hà Nội bị cắt điện đột xuất khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Tại một quán tắm hơi ở quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng trong ngày 6/6, bốn khách hàng đã bị kẹt thang máy do mất điện đột xuất.

2/ VN KHÔNG NÊN TRỢ GIÚP TIỀN CÁC CÔNG TY ĐỂ BÙ ĐẮP TIỀN THUẾ TOÀN CẦU

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (gọi tắt là OECD) vào tuần trước khuyên bảo VN là nên tránh hỗ trợ các công ty ngoại quốc để bù đắp các khoản thuế cao hơn mà họ sẽ phải trả trong khuôn khổ các quy định mới về mức thuế tối thiểu toàn cầu.

Vào tuần trước, VN đang đàm phán trợ cấp hàng trăm triệu Mỹ kim để bù đắp cho các công ty đa quốc gia đang làm ăn ở VN, trong đó có tập đoàn Nam Hàn Samsung Electronics và tập đoàn Mỹ Intel. Phần trợ cấp này sẽ giúp các doanh nghiệp nói trên, kể từ năm tới, đối mặt với mức thuế tối thiểu toàn cầu, có thể cao hơn mức thuế mà Việt Nam hiện nay dành cho họ.

Theo các quy tắc mới đã được 140 nước thông qua và được tổ chức OECD hướng dẫn áp dụng, các công ty có doanh thu hơn 750 triệu Mỹ kim mỗi năm, phải trả mức thuế lợi nhuận thấp nhất toàn cầu là 15%, bất kể tại nơi có trụ sở chính hay nơi đặt chi nhánh.

Theo giới chuyên gia, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới dự tính bù thuế cho các doanh nghiệp, một cách luồn lách một phần các quy tắc tài chánh toàn cầu mới. Lý do là VN lo ngại rằng nếu không có một số hình thức bù đắp, mức thuế cao hơn có thể khiến Việt Nam bớt hấp dẫn hơn đối với các công ty đa quốc gia.

Trong nhiều thập niên qua, Việt Nam đã thu hút nhiều đầu tư nước ngoài nhờ các ưu đãi thuế khóa, chi phí lao động thấp, vị trí gần Trung Cộng, các hiệp định thương mại tự do và chính phủ ổn định.

3/ HOA KỲ TRỪNG PHẠT NHIỀU CÔNG TY TRUNG CỘNG VÌ HỖ TRỢ CHO IRAN

Vào hôm 6/6, chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành một số biện pháp trừng phạt nhắm vào nhiều công ty Trung Cộng và Hồng Kông vì đã hỗ trợ cho kế hoạch phi đạn tầm xa của Iran.

Theo bộ tài chính Mỹ, các công ty Trung Cộng đã cung cấp nhiều lò phản ứng ly tâm, thiết bị điện tử, một số nguyên liệu kim loại có thể được xử dụng cho mục tiêu quân sự cho bạo quyền Iran vốn đã nằm trong danh sách trừng phạt.

Bộ tài chính Mỹ cũng trừng phạt tùy viên quân sự Iran ở Bắc Kinh với cáo buộc tổ chức việc mua vật tư và thiết bị của Trung Cộng để phục vụ công nghiệp quân sự Iran. Các trừng phạt này giúp gia tăng các nỗ lực chống lại những bất ổn trong khu vực, gây đe dọa an ninh cho các nước đồng minh.

Một giới chức Hoa Kỳ cho biết là có rất nhiều khả năng Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ công du Trung Cộng trong những tuần tới. Vẫn theo quan chức nói trên, hiện tại thời điểm cụ thể chuyến đi chưa được xác định.

Cần biết ngoại trưởng Mỹ từng có kế hoạch đi Bắc Kinh vào tháng 2 năm nay, nhưng chuyến đi rút cục bị hủy vào cuối tháng Giêng, sau vụ khinh khí cầu Trung Cộng bị bắn rơi ở Mỹ.

Vào hôm 6/6, bộ ngoại giao Trung Cộng cho biết hai bên đã có các cuộc trao đổi thẳng thắn và xây dựng về việc cải thiện mối quan hệ Mỹ - Hoa, phù hợp với sự đồng thuận mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đạt được bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Ba Li của Indonesia vào tháng 11 năm ngoái.

4/ VỠ ĐẬP KAKHOVKA: LHQ CẢNH BÁO VỀ MỘT THẢM HỌA NGHIÊM TRỌNG

Chiến dịch di tản khẩn cấp cư dân hai bên bờ sông Dniepr ở Ukraine vẫn tiếp diễn vào hôm 7/6, chỉ một ngày sau vụ đập thủy điện Kakhovka ở miền nam Ukraine bị phá vỡ khiến nước sông dâng cao.

Theo các nguồn tin từ hai phía Ukraine và các vùng bị Nga tạm chiếm, đã có gần 3 ngàn người di tản khỏi vùng bị ngập lụt, trên tổng số hơn 40 ngàn người bị ảnh hưởng.

Theo phát ngôn nhân cơ quan khẩn cấp Ukraine, hơn 1450 người sinh sống trong khu vực do Ukraine kiểm soát đã được di tản. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, mực nước sông ở khu vực thành phố Kherson đã cao thêm 5 thước.

Về phía Nga, phó tỉnh trưởng Kherson cho biết hơn một ngàn người ở phía bên kia sông trong vùng do Nga kiểm soát cũng đã được di tản. Tính chung có hơn 40 ngàn người sinh sống ở hai bên bờ sông bị lũ lụt ảnh hưởng, gồm 17 ngàn người dân phía Ukraine.

Chiến dịch di tản sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong bối cảnh nước lũ được dự báo đạt đỉnh vào hôm qua 7/6 và sẽ giữ ở mức đó trong vòng từ 4 đến 5 ngày.

Vụ đập thủy điện Kakhovka bị phá vỡ đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, nằm cách đó 150 cây số về phía thượng nguồn, với các lò phản ứng được làm mát bằng nước của hồ đập thủy điện.

Câu hỏi cho đến giờ chưa có lời giải đáp là thủ phạm vụ phá hoại đập Kakhovka là ai. Tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo An LHQ vào chiều hôm qua, đại diện của Nga và Ukraine tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Riêng Hoa Kỳ xác định rằng trước mắt chưa thể khẳng định bên nào là thủ phạm.

Trong khi đó, người cầm đầu các vấn đề nhân đạo LHQ đã nói đến một thảm họa mà quy mô chỉ có thể được đánh giá trong vài ngày tới, nhưng hậu quả sẽ nghiêm trọng và sâu rộng đối với hai bên.

Đối với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, đây là hậu quả tàn khốc mới của cuộc xâm lược Ukraine do Nga phát động vào cuối tháng 2 năm 2022. Theo ông thì phải chấm dứt các cuộc tấn công vào thường dân và các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu.

 

No comments:

Post a Comment