Sunday, June 11, 2023

Tin Tức: Chủ Nhật 11.06.2023

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải

1) MIỀN BẮC THIẾU ĐIỆN, BỘ CÔNG THƯƠNG THANH TRA EVN

Bộ Công thương sẽ cử một đoàn thanh tra đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN bắt đầu từ ngày 10/6 về việc quản lý và cung ứng điện.

Động thái này diễn ra sau khi các tỉnh miền Bắc đứng trước tình trạng thiếu điện kéo dài. Đoàn thanh tra do Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chỉ đạo và thời gian hoàn thành được thông báo sẽ xong trong 30 ngày. 

Cùng với công tác thanh tra, dự đoán bắt đầu từ ngày 13/6, miền Bắc sẽ có thêm 20 triệu kWh điện mỗi ngày sau khi hai tổ máy của Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Thái Bình 2 vận hành, giúp giảm áp lực thiếu điện đang diễn ra tại đây.

Trong những ngày qua, các tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương đứng trước tình trạng bị cúp điện liên tục. Có nơi bị cúp điện không báo trước từ sáng đến tối và kéo dài trong nhiều ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người dân và sản xuất của doanh nghiệp. Một số cơ sở kinh doanh đã phải đóng cửa hoặc chuyển sang hoạt động vào ban đêm, thời điểm không bị cúp điện. 

“Độc quyền” về điện lực được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu điện và những tiêu cực xảy ra trong ngành này, kéo dài suốt nhiều năm. 

2) BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM PHẢN BÁC PHÁT NGÔN CỦA TRUNG CỘNG VỀ TÀU HƯỚNG DƯƠNG HỒNG 10

Phát ngôn nhân của bộ ngoại giao Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau khi người phát ngôn bộ ngoại giao Trung cộng Vương Văn Bân nói rằng “không có việc tàu Hướng Dương Hồng 10 tiến vào EEZ của nước khác”, và khẳng định hoạt động của tàu Hướng Dương Hồng 10 cùng các tàu hộ tống là "chính đáng và hợp pháp".

 "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa", bà Phạm Thu Hằng phát biểu trong cuộc họp báo hôm 10/6.

Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung cộng và đoàn tàu hộ tống gồm tàu hải cảnh và dân quân biển xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5 và chỉ rời đi sau 28 ngày liên tục hoạt động bất hợp pháp trong khu vực này.

Bộ Ngoại giao VN đã ba lần lên tiếng phản đối Trung cộng vì hành vi xâm phạm lãnh hải trên. 

Thông tin tàu khảo sát Trung cộng rời vùng biển Việt Nam hôm 5/6, đang khi diễn ra cuộc Đối thoại an ninh thường niên Shangri-La, Singapore.  

3) NHÀ HOẠT ĐỘNG NGUYỄN ANH TUẤN ĐẾN CANADA TỊ NẠN

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cùng vợ và con nhỏ đến Canada tị nạn dưới sự bảo trợ của Protect Defenders EU, một tổ chức châu Âu chuyên bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền gặp hiểm nguy trên thế giới, có trụ sở tại Brussels, Bỉ. 

Nguyễn Anh Tuấn nổi tiếng khi còn là một sinh viên ở Việt Nam vì lên tiếng bảo vệ Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và thách thức Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố mình vì cũng “tàng trữ” tài liệu mang nội dung chống Nhà nước như ông Vũ. 

Nguyễn Anh Tuấn là một trong những gương mặt trẻ khá nổi bật trong giới hoạt động nhân quyền tại Việt Nam. Năm 2012, Tuấn tốt nghiệp Đại học với tấm bằng xuất sắc chuyên ngành Hành chính Công. Trong vòng 3 năm, Tuấn đã đi hơn 20 quốc gia để học hỏi và vận động cho dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

Nguyễn Anh Tuấn bị an ninh CSVN truy lùng gắt gao sau khi có nhiều bình luận về sự kiện Đồng Tâm.

Nguyễn Anh Tuấn nói về quyết định ra đi của mình rằng anh không muốn bị bắt để rồi bị nhà cầm quyền sử dụng như một “món hàng” trao đổi với nước khác. 

4)  NATO SẼ ĐẶT CĂN CỨ TRÊN LÃNH THỔ THỤY ĐIỂN

Mặc dù chưa chính thức gia nhật NATO nhưng Thụy Điển sẵn sàng tiếp nhận căn cứ của tổ chức này trên lãnh thổ của mình. Tuyên bố trên được Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson đưa ra hôm 9/6/2023. Quyết định này nhằm mục đích chuẩn bị cho ‘‘các hoạt động chung sắp tới’’ của quân đội Thụy Điển với các đồng minh NATO.

Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu duy nhất chưa gia nhập NATO. Đơn gia nhập của Thụy Điển còn phải được hai thành viên khác là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary bật đèn xanh. Quyết định để NATO mở căn cứ quân sự, trong thời gian Stockholm chờ được kết nạp chính thức, là biện pháp bảo đảm an ninh quan trọng với Thụy Điển và cũng là một thông điệp cứng rắn gửi đến Nga. 

Việc để cho NATO thiết lập một số căn cứ “có kỳ hạn” trên lãnh thổ Thụy Điển được cho rằng nhằm đối phó với Nga và tận dụng thời gian chờ đợi được kết nạp vào NATO, để xích gần hơn nữa với các đồng minh.

Hồ sơ xin gia nhập NATO của Thụy Điển hiện vẫn còn nhiều thách thức về mặt hậu cần, khả năng phòng vệ cũng như khả năng kiểm soát vùng biển Baltic của quốc gia Bắc Âu này.

No comments:

Post a Comment