Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải
1.THÊM HAI NGƯỜI BỊ XỬ PHẠT VÌ ĐƯA TIN VỀ VỤ ĐẮK LẮK
Hai trường hợp mới
nhất ở Sài Gòn và Đắk Lắk hôm 16/6 bị xử phạt vì đưa thông tin liên quan vụ nổ
súng ở xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin- Đắk Lắk) với số tiền từ 5 triệu
đến 7,5 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, những người này còn bị yêu cầu gỡ
bài và cam kết không tái phạm. Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử
dụng Công nghệ cao quy kết những người này đã lợi dụng mạng xã hội để cung cấp,
chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và định hướng dư
luận.
Trước đó, ít nhất 5
người ở các tỉnh thành như Nha Trang, Hà Tĩnh, Quảng Nam đã bị thẩm vấn, bị xử
phạt hành chính cùng với lý do trên.
Sự kiện tấn công hai
trụ sở hành chính xã tại tỉnh Đắk Lắk gây rúng động dư luận những ngày qua, thu
hút nhiều lượt chia sẻ thông tin, hình ảnh, bình luận trên truyền thông xã hội.
Việc nhà cầm quyền săn lùng, thẩm vấn và xử phạt hành chính với nhiều người
loan tải thông tin trên nằm trong nỗ lực bưng bít sự thật, thao túng dư luận và
gia tăng sự sỡ hãi trong dân chúng.
2.NHÓM CÔNG TÁC VỀ BẮT GIỮ TÙY TIỆN CỦA LIÊN
HIỆP QUỐC THÚC GIỤC VIỆT NAM PHÓNG THÍCH BLOGGER NGUYỄN TƯỜNG THỤY
WGAD- Nhóm Công tác về
bắt giữ tuỳ tiện, một trong nhiều cơ chế nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền
Liên Hiệp quốc (LHQ) cho rằng việc tước đoạt quyền tự do đối với blogger Nguyễn
Tường Thụy là vi phạm Điều 9 của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính
trị (ICCPR), và việc kết án ông vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của
Công ước này và Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. WGAD yêu cầu nhà cầm
quyền CSVN trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Tường Thụy.
Vào đầu tháng 12 năm
ngoái, WGAD đã gửi ý kiến về trường hợp ông Thuỵ cho Chính phủ Việt Nam với yêu
cầu phản hồi trước ngày 31/01/2023. Hà Nội sau đó đã có văn bản đề nghị lui
thời hạn trả lời đến cuối tháng hai, tuy nhiên cho đến nay Chính phủ Việt Nam
vẫn chưa phản hồi giải trình về các cáo buộc của WGAD đối với trường hợp của
ông Thuỵ. Đó là lý do Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện công bố văn bản trên,
vào ngày 14/5.
Blogger Nguyễn Tường
Thụy, 73 tuổi, bị bắt năm 2020 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo
điều 117 – BLHS. Ông Thụy sau đó bị đưa ra tòa cùng với hai nhà hoạt động nhân quyền
khác là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng và nhà báo tự do Lê Hữu Minh Tuấn. Ông Thụy bị
kết án 11 năm tù giam, ba năm quản chế.
Ông Nguyễn Tường Thụy
là cộng tác viên của đài Á Châu Tự Do và là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập-
một tổ chức báo chí không chịu sự quản lý của chính phủ Việt Nam.
3.KỸ SƯ TRẦN BANG KHÁNG ÁN
Kỹ sư Trần Văn Bang
(tức Trần Bang) đã quyết định kháng cáo bản án sơ thẩm hôm 12/5/2023 với mức án
8 năm năm tù giam, 3 năm quản chế do Tòa án cộng sản tại Sài Gòn đã tuyên. Luật
sư Trần Đình Dũng thông báo cho gia đình ông Bang rằng toà án đã chấp nhận đơn
kháng cáo và hiện đang là thời gian chờ đợi phiên xử phúc thẩm.
Sau cuộc thăm gặp tại
nhà tù hôm 2/6, người thân của ông Trần Bang cho hay sức khỏe ông giảm sút
nhiều, đặc biệt khối u vẫn đang phát triển và gây cho ông nhiều đau đớn. Tháng
12 năm ngoái, ông Bang được đưa đi khám bệnh ở trạm xá của Trại tạm giam Chí
Hòa và Bệnh viện 30/04 của Bộ Công an và bác sĩ khuyên ông nên sớm cắt bỏ
khối u này. Tuy nhiên, suốt nửa năm qua ông Bang chưa được đưa đi tái khám
hoặc điều trị trong khi bệnh tình ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Kỹ sư Trần Bang là một
cựu chiến binh thuộc quân đội Bắc Việt, từng tham gia cuộc chiến tranh chống
Tàu cộng xâm lược, còn gọi là cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979. Ông Bang
được biết đến như một nhà hoạt động nhân quyền sôi nổi tại Sài Gòn với những
lần xuống đường biểu tình chống Tàu, hỗ trợ gia đình các TNLT và chỉ trích chế
độ một cách mạnh mẽ trên truyền thông tự do.
4.TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC TẠM ĐÌNH CHỈ CHỨC VỤ ĐỐI VỚI
ÔNG NGUYỄN ĐỨC NINH
Ông Nguyễn Đức Ninh-
Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia (TTĐĐĐ) Việt Nam vừa bị Tập
đoàn Điện lực (EVN) tạm đình chỉ chức vụ với lý do để “phục vụ công tác thanh
tra chuyên ngành về quản lý, điều hành cung cấp điện”. Quyết định trên được
Tổng Giám đốc EVN ký vào ngày 14/6 và được truyền thông quốc doanh đưa tin vào
ngày hôm sau 15/6.
Như tin đã đưa, ngày
8/6, Bộ Công thương đã thành lập đoàn Thanh tra với dự định công tác
thanh tra sẽ kéo dài trong 30 ngày, bắt đầu từ 10/6 nhằm đối phó với tình trạng
thiếu điện đang ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là tại Miền Bắc
Việc tạm đình chỉ chức
vụ Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia đối với ông Nguyễn Đức
Ninh là hành động mạnh tay đầu tiên từ đoàn thanh tra. Tuy nhiên, nhiều người
bình luận hành động này mang màu sắc đấu đá nội bộ, hơn là giải quyết những sai
phạm, yếu kém hầu khắc phục tình trạng thiếu điện như hiện nay.
Kể từ khi đoàn thanh
tra được thành lập, việc thiếu điện, cúp điện ở nhiều tỉnh/ thành phía Bắc vẫn
tiếp diễn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và các hoạt động kinh doanh
của người dân.
5.MỸ: BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI VIỆC HÀNG NGÀN TRẺ EM
UKRAINE BỊ ÉP ĐƯA ĐẾN NGA
Theo tin từ VOA, cuối
tuần qua trên khắp nước Mỹ, nhiều người đã xuống đường biểu tình phản đối việc
hàng ngàn trẻ em Ukraine bị ép đưa đến Nga hoặc các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm
đóng. Chính quyền Ukraine cho biết, kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine,
hàng ngàn trẻ em đã bị đưa đến Nga bất hợp pháp và chưa đến 400 trẻ được trả
lại. Các nhà hoạt động nhân quyền Ukraine cáo buộc Nga bắt cóc trẻ em nhằm mục
đích tẩy não và biến chúng thành những người theo chủ nghĩa phát xít.
Các phiên điều trần
chống lại Nga đã được bắt đầu vào Tháng Sáu tại Tòa Công lý Quốc tế. Chính
quyền Putin nói rằng trẻ em được đưa ra khỏi Ukraine vì lý do nhân đạo và được
sự đồng ý của gia đình các em.
Hồi tháng 3, Tòa án
Hình sự Quốc tế đã ban hành luật bắt giữ Tổng thống Nga Putin và Ủy viên Nga về
Quyền Trẻ em với cáo buộc tội ác chiến tranh.
No comments:
Post a Comment