Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.
1) THÁI BÌNH: HÀNG TRĂM NGƯỜI DÂN DIỄU HÀNH, BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI XÂY DỰNG NHÀ MÁY RÁC THẢI
Thời gian qua, đặc biệt kể từ tháng 3/2023 đến nay, mỗi ngày đều có hàng
trăm người dân thuộc xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình tập trung đến
các trụ sở công quyền các cấp để biểu tình, phản đối dự án xây dựng nhà máy rác
thải công nghệ rắn đặt tại xã này.
Những hình ảnh dưới đây ghi lại cuộc biểu tình diễn ra vào cuối tuần
qua, khi hàng trăm người dân xã Đông Á đi bằng xe gắn máy, xe đạp đang trên
đường kéo đến trụ sở ủy ban xã và huyện. Họ mang theo cờ đỏ sao vàng, cờ búa
liềm của đảng cộng sản và những khẩu hiệu phản đối việc xây dựng nhà máy xử lý
rác thải công nghệ cao.
Một người dân cho hay, họ đã đến các trụ sở Ủy ban xã, huyện, tỉnh biểu
tình ròng rã suốt 6 tháng nay, bằng phương tiện xe đạp, xe gắn máy hoặc đi bộ,
nhưng không nhận được sự lắng nghe từ nhà cầm quyền địa phương.
Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt rắn công nghệ cao tại xã
Đông Á đã được huyện Đông Hưng phê duyệt. Tuy nhiên, dự án này vấp phải sự phản
đối gay gắt từ phía người dân vì lo ngại nguồn nước bị ô nhiễm. Hơn nữa, nhiều
hộ gia đình đã bị lấy đất để xây dự án mà không được đền bù thỏa đáng.
“Ngày 19/4, chủ tịch UBND huyện Đông Hưng đã mở cuộc đối thoại với dân
nhưng chỉ là trò dân chủ giả hiệu vì họ vẫn bỏ ngoài tai những kiến nghị của
chúng tôi. Vì thế chúng tôi vẫn phải tiếp tục biểu tình”, một
người dân yêu cầu giấu tên vì lý do an toàn nói với phóng viên ĐLSN.
2/ VIỆN HÀN LÂM PHÁP TÔN VINH NỮ
NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG
Nhà văn Dương Thu Hương vừa được viện hàn lâm Pháp vinh danh là một cây
bút đấu tranh vì tự do, ngang hàng với các nhà văn lớn của Âu châu trong thời
Chiến tranh Lạnh.
Trong buổi lễ tại Pháp vào hôm thứ Tư 21/6, Viện này cũng nhắc lại hành
trình sáng tác văn học cùng các tác phẩm chính của bà Dương Thu Hương, người
hiện sống ở Pháp. Bà được trao giải thướng cao quý Cino del Duca tại sảnh đường
của viện này.
Phát biểu trong
lễ trao giải, Giáo sư Hélène Carrère d'Encausse, thư ký viện Hàn lâm Pháp, đề
cao sự can trường của nữ nhà văn qua sự phản kháng, khiến bạo quyền VN bỏ tù
bà, tước quốc tịch và buộc bà phải sống lưu vong tại Pháp từ năm 2006 đến nay.
Đặc biệt, nữ
Giáo sư Carrère d'Encausse đặt bà Dương Thu Hương vào hàng các như các nhà văn
châu Âu từng bị coi là bất đồng chính kiến một thời, như Vaclav Havel của Tiệp
Khắc và Aleksandr Solzhenitsyn của Liên Xô. Bà Carrère d'Encausse gọi bà Dương
Thu Hương là "Solzhenitsyn của Việt Nam".
Nhà văn
Solzhenitsyn được trao Nobel Văn học năm 1970 cho tác phẩm “Quần đảo ngục tù”'
nhưng không ra khỏi Liên Xô để đến Stokholm nhận giải được.
Buổi lễ trao
giải là sự kiện văn hóa lớn của Pháp, vinh danh những nhân vật có đóng góp cho
nhiều lĩnh vực, từ y tế, xã hội tới văn học và kỹ thuật. Bà Dương Thu Hương đã
lên bục, ôm hôn Giáo sư Carrère d'Encausse và nhận giải trong tiếng vỗ tay của
cử toạ.
Giải Cino del Duca 2023 trị giá 200 ngàn Âu kim được trao cho tác giả cuốn sách “Đỉnh cao chói lọi”, dựng lại nhân vật HCM, để tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc, truyền đi thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại.
3/ NHÀ ĐẤU TRANH TRỊNH BÁ PHƯƠNG KHÔNG KHUẤT PHỤC TRONG TÙ
Ông Trịnh Bá Phương, nhà đấu tranh
vì quyền đất đai đang thọ án tù, bị trại giam xếp loại “kém” về thi hành án, vợ
ông mới cho biết và nói thêm rằng đó là do ông không khuất phục. Mẹ ông và em
trai ông cũng đang bị giam cầm và tiếp tục phản kháng trong tù.
Cần biết là ông Phương 38 tuổi,
đang thụ án 10 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước". Mẹ ông là
bà Cấn Thị Thêu, và em trai ông là Trịnh Bá Tư, bị tuyên mỗi người 8 năm tù giam về cùng tội
danh trong một phiên tòa khác.
Gia đình của ba người đấu tranh
nói trên bị bạo quyền chiếm đoạt đất đai cách đây nhiều năm ở xã Dương Nội
thuộc Hà Nội. Họ đã biểu tình và dùng mạng xã hội phản đối nạn cưỡng chế đất
bất công cũng như lên tiếng về các vấn đề khác gây bất bình trong xã hội.
Bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Phương, cho
biết là bà nhận được thư gửi từ trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, vào trưa
ngày 22/6. Nội dung thông báo tình hình chấp hành án tù của chồng bà, theo đó
ông Phương bị xếp loại “kém” về án tù. Bản thông báo cũng nói rằng ông chưa nộp
án phí hình sự là 400 ngàn đồng.
Bà cho biết thêm vào đầu tháng này
bà đã đi thăm chồng, và nhận thấy ông Phương “vẫn ổn và khoẻ”. Mặc dù vậy bà
lúc nào cũng lo chồng và mọi người, vì ở cái giữa rừng cọp này thì chuyện gì
cũng có thể xảy ra.
Khi bị đưa ra xét xử, ông Trịnh Bá
Phương đã tự bào chữa, khẳng định là ông “không kích động nhân dân chống đảng cộng
sản Việt Nam” mà “chính những tội ác đảng cộng sản gây ra đã kích động nhân dân
chống đảng”.
Nhà hoạt động này nhấn mạnh trước
tòa rằng ông đấu tranh với mong muốn đất nước sẽ tốt đẹp và dân chủ hơn. Ông
Phương tuyên bố mình đấu tranh để loại bỏ sự cai trị của đảng CSVN, một tổ chức
“hèn với giặc, ác với dân”. Ông nhận định hành vi chống lại đảng CSVN là việc làm
đầy chính nghĩa.
Ông Phương tuyên bố trước tòa là “nhân dân và lịch sử sẽ phán xét tội ác của đảng CSVN đã gây ra cho dân tộc Việt Nam, theo lời thuật lại của bà Đỗ Thị Thu.
No comments:
Post a Comment