Thưa quý thính giả, để tiếp nối chương trình, mời quý thính giả theo dõi bài “khoảng lặng…” của Ngô Anh Tuấn sẽ do Khánh Ngọc trình bày trong tiết mục Đáp Nước Đứng Lên hôm nay
Ngô Anh TuấnChỉ trong một thời
gian ngắn, một số người bạn mà tôi yêu quý đã lần lượt rời bỏ đất nước ra đi.
Nguyễn Anh Tuấn, một người bạn trẻ tuổi nhưng chín chắn, chững chạc, một người
tri thức có tầm ảnh hưởng thực sự trong giới đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội,
đã tới Canada. Luật sư Đặng Đình Mạnh, một luật sư mạnh mẽ, khôn ngoan, kiên
định, một người đồng nghiệp thân thiết trong rất nhiều vụ án chính trị, đã tới
Hoa Kỳ. Hai luật sư thân tín khác là luật sư Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân
cũng đã tới Hoa Kỳ.
Tôi mừng cho cá nhân
những người bạn của mình, nhưng tôi lo cho những người ở lại. Liệu rằng làn
sóng ra đi sẽ chấm dứt hay sẽ tiếp tục có những người sẽ ra đi? Liệu rằng những
tiếng nói phản biện vẫn sẽ còn tồn tại hay sẽ tắt dần theo thời gian?
Những người bất đồng
chính kiến dám thể hiện ra hành động (dù chỉ là thông qua lời nói), vốn đã rất
ít. Những luật sư dám đứng ra bảo vệ những người này vốn đã ít, nay càng ít hơn
khi mà một số người bị tước thẻ hành nghề, một số người dừng cuộc chơi giữa
chừng, số khác thì phải đi nước ngoài.
Tổng trên cả nước, những
luật sư dám đứng ra bảo vệ thân chủ trong các vụ án có màu sắc chính trị, đếm
đi đếm lại không quá hai bàn tay, nay bị bớt đi gần một nửa. Số lượng giảm,
chất lượng chưa biết giảm đi bao nhiêu nhưng tinh thần người trong cuộc, giảm
đi rõ rệt.
Còn nhớ, khoảng 3 năm
trước, trong một vụ án đình đám, khi kết thúc phiên toà dài ngày, tôi bị cưỡng
ép để lấy luôn USB dữ liệu điện tử ghi nhận diễn biến phiên toà, luật sư Mạnh
và luật sư Miếng chạy lại hỗ trợ, bảo vệ tôi nhưng bị cản trở, xô ngã. Phiên
toà mới đây ở Đà Nẵng, tôi bị buộc ra khỏi phiên toà một cách tức tưởi dù không
vi phạm nội quy phiên toà, dù rất muốn lên tiếng nhưng đồng nghiệp tôi phải
ngồi im vì nếu anh ấy phản ứng lại và theo chân tôi thì không còn ai ở lại bảo
vệ thân chủ nữa.
Nếu như trước đây, có
nhiều luật sư cùng tham gia, nếu có 1-2 người bị mời ra thì cũng bình thường,
vì những người còn lại vẫn có thể tiếp tục phần việc của mình. Thế nhưng, những
ngày tươi đẹp ấy có vẻ như đã thành dĩ vãng xa rồi.
Những người ra đi:
Hoặc là họ bị dồn nén tới mức phải dứt áo ra đi, hoặc là họ không còn động lực
để ở lại. Không ít nghi vấn: Nhiều người lên tiếng đấu tranh với mục đích kiếm
được “tấm vé” xuất ngoại; tôi nghĩ có thật, nhưng vô cùng hiếm hoi. Nhiều lần
tôi tự hỏi, thay vì dồn ép những người bất đồng chính kiến tới mức họ phải đưa
ra những lựa chọn cực đoan, thì tại sao chính quyền không lắng nghe, đối thoại
với họ để tháo gỡ mâu thuẫn, tận dụng tri thức của họ để góp phần xây dựng đất
nước dân chủ, tiến bộ hơn? Tôi tự hỏi rồi cũng tự trả lời.
Với một số người khác
đang nằm trong “danh sách đen”, có lẽ cả hai điều trên chưa có nên họ vẫn còn ở
lại đây. Nếu chỉ sống cho bản thân thì quá dễ dàng với không ít người – họ có
thể xuất ngoại mà không phải chọn con đường tị nạn chính trị. Tuy vậy, vì nhiều
lý do riêng mà họ không chọn cách ra đi. Thế nhưng, điều họ muốn chưa hẳn đã là
điều người ta muốn; nên việc họ muốn ở lại chưa chắc đã là thứ quyết định việc
họ buộc phải ra đi.
Trên mảnh đất này, bạn không thể tự quyết được mọi điều bạn muốn đâu! Vậy nên, hãy cứ sống tốt, sống vui được ngày nào thì hãy cứ cố gắng để mai này không phải ân hận khi ngước nhìn về quá khứ, thế là đủ.
No comments:
Post a Comment