Tuesday, June 13, 2023

Đằng sau vụ bắt giam bà Hoàng Thị Minh Hồng

Bình Luận

Sự kiện CSVN bắt giam và truy tố hình luật bà Hoàng THị Minh Hồng, một nhà hoạt động nổi tiếng về môi trường sạch, chúng tỏ rằng các phe nhóm tham ô chia lợi nhuận từ CSTQ trong EVN tức Điện Lực Việt Nam đang phản công mãnh liệt hầu bảo vệ quyền lợi phe nhóm.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Đằng sau vụ bắt giam bà Hoàng Thị Minh Hồng” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân

Sáng ngày 31 Tháng Năm, công an bất ngờ đột kích văn phòng của Trung Tâm Hành Động và Liên Kết Vì Môi Trường và Phát Triển, gọi tắt theo tiếng Anh là CHANGE, tại phường An Phú, thành phố Thủ Đức, bắt giữ vợ chồng bà Hồng, tịch thu nhiều máy móc cùng nhiều giấy tờ tài liệu mà không trưng ra một lệnh khám xét hay bắt bớ nào. 

CHANGE là một tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực môi trường, tập trung vào việc bảo vệ động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu và chống ô nhiễm môi trường, nhắm tới một nước Việt Nam “xanh, sạch, và bền vững.” 

Bây giờ thì bà Hồng bị bắt giam với cáo buộc “trốn thuế,” cùng tội danh với một số nhà hoạt động môi trường khác như bà Ngụy Thị Khanh, và các ông Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, và Bạch Hùng Dương. Bà Khanh đã được trả tự do nhưng các ông Lợi, Bách, và Dương vẫn còn ở tù. Bà Hồng dường như bị bắt giam để lấp vào chỗ mà Khanh bỏ lại trong nhà giam. 

Có rất nhiều khuất tất trong vụ bắt bà Hồng. Thông tin từ mà nhà cầm quyền Việt Nam cho phổ biến trên báo chí không nói rõ cá nhân bà Hồng hoặc tổ chức CHANGE có hành vi trốn thuế như thế nào, trốn bao nhiêu tiền thuế, từ bao giờ, tại sao bắt cả chồng bà Hồng là người không liên can đến tổ chức CHANGE. 

Tháng Mười Một, 2021, Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn thế giới về biến đổi khí hậu tại Glasgow, Scotland, gọi tắt là COP26. Phái đoàn chính phủ Việt Nam do Thủ Tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu, cam kết chấm dứt sử dụng than đá trong các nhà máy nhiệt điện và tham gia nỗ lực chung nhằm ngăn chặn nạn phá rừng nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Các tổ chức môi trường trong nước coi cam kết của ông Chính tại COP26 là một sự thay đổi tích cực trong nhận thức về môi trường của giới lãnh đạo Việt Nam và họ đẩy mạnh hoạt động để lôi kéo sự tham gia của người dân vào công cuộc biến cam kết đó thành hiện thực. 

Tin vào cam kết của ông Chính, lãnh đạo nhóm các nước liên minh Đối Tác Chuyển Đổi Năng Lượng Công Bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP, gồm Liên Âu, Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Ý, Nhật, Na Uy, và Đan Mạch) đã ký một thỏa thuận hỗ trợ Việt Nam chuyển từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, chấm dứt việc phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hoàn thành cam kết mà ông Chính đã long trọng đưa ra tại COP26. Theo thỏa thuận ký ngày 14 Tháng Mười Hai, 2022, liên minh JETP sẽ huy động cho Việt Nam $15.5 tỷ trong khoảng 3-5 năm tới để thực hiện việc chuyển đổi này. 

Nhưng cái thói của cộng sản là nói một đằng, làm một nẻo, lật lọng một cách trắng trợn. Cam kết của ông thủ tướng trước quốc tế chưa ráo mực thì Việt Nam đã lên kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy điện đốt than, đồng thời gây khó dễ, ngăn cản các dự án điện gió, điện mặt trời kết nối vào mạng lưới điện quốc gia. Theo báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN, hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đã hoàn thành, với tổng công suất 4,676.62 megawatt phải “đắp chiếu” vì không bán được điện vào lưới điện quốc gia do vướng thủ tục hành chính (!). 

Tập Đoàn Điện Lực (EVN) độc quyền về điện xưa nay chỉ chú trọng xây dựng các nhà máy điện đốt than, mua các nhà máy điện than cũ mà Trung Quốc thải ra khi nước này chuyển sang năng lượng sạch, đem về dựng lên các “trung tâm nhiệt điện” khổng lồ ở Bình Thuận, Kiên Giang, Hà Tĩnh, và vài tỉnh khác ven biển, bất chấp các chuyên gia cảnh báo tình trạng thiếu than đá trầm trọng, những núi xỉ than chất ngất và khói bụi gây ô nhiễm môi trường không thể xử lý được. 

Nhưng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi,” EVN cố tình bắt tay với Trung Quốc, trục lợi tối đa từ các dự án điện than, thiếu điện thì mua của Trung Quốc. Cách làm ăn như vậy gây tai họa cho đất nước nhưng mang lại lợi lộc vô cùng béo bở cho đám quan chức trong và ngoài ngành điện. 

Các tổ chức môi trường như GreenID của bà Khanh, CHANGE của bà Hồng là rào cản thủ đoạn làm ăn của các nhóm lợi ích xung quanh ngành điện, phản biện các luận điểm gian trá của họ, cho nên chúng phải bị đập tan, bất kể ông thủ tướng hứa hươu hứa vượn thế nào ở các diễn đàn quốc tế. 

Có điều, nhà cầm quyền Việt Nam dường như không lường trước phản ứng quốc tế đối với hành vi đàn áp các nhà hoạt động môi trường. Vụ bỏ tù bà Khanh làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ, buộc họ phải thả bà ra sớm hơn năm tháng so với bản án. Hôm nay thì chính phủ Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, và các tổ chức nhân quyền đều bày tỏ sự quan ngại về việc bà Minh Hồng bị bắt với cáo buộc “trốn thuế,” theo tin của đài VOA. 

Sáng Thứ Sáu, 2 Tháng Sáu, ông Matthew Miller, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ra tuyên bố cho biết: “Hoa Kỳ quan ngại về việc giam giữ lãnh đạo và nhân viên của tổ chức CHANGE, bao gồm cả việc giam giữ liên tục người sáng lập CHANGE Hoàng Thị Minh Hồng. Chúng tôi kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền của những người bị giam giữ, tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do ngôn luận và lập hội của tất cả người dân Việt Nam.” 

Được biết thỏa thuận tài trợ $15.5 tỷ cho Việt Nam nêu trên cũng đã bị liên minh JETP tạm đình chỉ thực hiện cho đến khi nào các nhà hoạt động môi trường đang bị giam giữ được trả tự do. 

Tất nhiên, áp lực bên ngoài không khiến Hà Nội phải lo sợ. Ông Chính vẫn bảo đàn em: “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì!” Nhưng các vụ bắt giữ như vậy là cú tát vào mặt cộng đồng quốc tế, buộc họ phải mở mắt ra mà nhìn cái bản chất tráo trở của nhà cầm quyền Việt Nam để từ đó có cách ứng xử phù hợp. “Đừng tin những gì cộng sản nói…” như lời cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

No comments:

Post a Comment