Thursday, December 17, 2020

Việt Nam ‘bòn nơi khố rách’

Bình Luận

Đảng CSVN luôn tuyên truyền mình là lực lượng chính trị của thợ thuyền và công nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, tập thể này là cánh tay đắc lực của tư bản đỏ và tư bản quốc tế, bóc lột công nhân tận xương tủy.  

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Việt Nam ‘bòn nơi khố rách’” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Mấy ngày qua, trong nước có một sự kiện nhỏ nhưng đáng chú ý là cuộc bãi công, biểu tình của hàng ngàn người chạy “xe ôm công nghệ” cho hãng Grab trước trụ sở của hãng này và diễn hành qua nhiều đường phố ở Hà Nội và Đà Nẵng để phản đối Grab tăng tỷ lệ chiết khấu mà họ phải đóng.

Đáng chú ý, đây có thể là lần đầu tiên có cuộc biểu tình vì cơm áo diễn ra ngay trung tâm các thành phố lớn, trước bàn dân thiên hạ. Những cuộc biểu tình trước, tuy hiếm hoi, nhưng phần lớn tập trung vào các vấn đề biển đảo, chống Trung Quốc xâm lược hoặc phản đối các dự luật phi lý và nguy hiểm như Luật An Ninh Mạng, dự Luật Đặc Khu. Những cuộc bãi công đòi tăng lương của công nhân thỉnh thoảng cũng nổ ra nhưng hầu hết gói gọn trong phạm vi các nhà máy và vùng phụ cận, thường nằm ở ngoại ô, không gây được chú ý.

Grab là công ty Singapore, phát triển mạnh ở các nước Đông Nam Á, mô phỏng mô hình “kinh doanh chia sẻ” (sharing business) do tập đoàn Uber Mỹ khởi xướng, có điều chỉnh chút ít cho phù hợp với một khu vực mà xe gắn máy là phương tiện giao thông chính. Tại Việt Nam, Grab phát triển rất nhanh, thâu tóm chi nhánh Uber Việt Nam và hiện chiếm thị phần lớn nhất trong các hãng vận chuyển sử dụng công nghệ thông tin làm môi giới.

Để trở thành một tài xế Grab, người lao động chỉ cần có một chiếc xe gắn máy, một tài khoản ngân hàng và một điện thoại thông minh nối mạng Internet, cài ứng dụng Grab để nhận thông tin khách đi xe và nhận tiền. [Grab kinh doanh cả vận tải bằng xe hơi gọi là GrabCar và xe gắn máy gọi là GrabBike, nhưng để tiện phân tích ở đây chúng tôi chỉ nói tới “xe ôm công nghệ” GrabBike]. Toàn bộ chi phí hoạt động của người lái xe, từ tiền đổ xăng, sửa xe, hao mòn xe cộ, tiền công… đều trông vào số tiền mà khách trả sau mỗi cuốc xe. Số tiền này trước khi đến tay tài xế đã bị trừ đi 20%-25%, gọi là tiền “chiết khấu” mà hãng Grab thu của mỗi lái xe và có thể tăng hay giảm tùy theo hợp đồng giữa lái xe với hãng.

Do cước phí khá thấp, “xe ôm công nghệ Grab” sớm trở thành phương tiện đi lại được cư dân đô thị lựa chọn trong hoàn cảnh đường phố chật hẹp và đông đúc, phương tiện vận tải công cộng như xe buýt quá thiếu thốn và bất tiện. Và cũng do điều kiện trở thành người “xe ôm công nghệ” tương đối dễ dàng, Grab nhanh chóng trở thành nơi cung cấp công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu người Việt Nam thất nghiệp, nhất là giới trẻ có bằng cấp và học vấn nhưng không chen chân vào được các công sở và công ty các loại hoặc sinh viên đang còn đi học cần làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Xung đột giữa Grab và các lái xe bùng phát sau khi nhà cầm quyền CSVN ban hành Nghị Định 126 về quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5 Tháng Mười Hai, 2020, theo đó các đơn vị vận tải công nghệ phải đóng thuế giá trị gia tăng (value-added tax, VAT) bằng 10% doanh thu mà khách hàng thanh toán. Lợi dụng sự thay đổi trong chính sách của nhà cầm quyền, hãng Grab lập tức tăng giá cước và tăng tỷ lệ chiết khấu mà lái xe phải chịu, dẫn tới thu nhập thực tế của người chạy xe ôm công nghệ bị sụt giảm mạnh, nồi cơm của họ bị xén bớt. Và đó là lý do để hàng ngàn lái xe Grab tự động “tắt ứng dụng,” đình công và phản đối mấy ngày qua.

Cuộc biểu tình tuần hành của các “xe ôm công nghệ” đã nhanh chóng bị lực lượng cảnh sát Hà Nội và Đà Nẵng cưỡng bức giải tán, giống như những cuộc vận động đòi dân chủ, thậm chí đòi bảo vệ biển đảo của Tổ quốc trước đây. Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền vẫn luôn rêu rao là “đội tiên phong của giai cấp công nhân” chống bất công, áp bức và bóc lột, nhưng qua những vụ xung đột như thế này, đảng và nhà nước hiện nguyên hình là một nhóm lợi ích đang tận dụng vị thế và quyền lực để trục lợi, sẵn sàng câu kết với tư bản cá mập trong ngoài nước bóp hầu bóp họng người dân và khi xảy ra xung đột họ đứng về phía những kẻ bóc lột, thay vì giúp đỡ, hỗ trợ người lao động đòi lại quyền lợi chính đáng.

Lẽ ra nhà cầm quyền nên nhân cơ hội này để quyết định tổ chức thanh tra, điều tra việc kinh doanh của Grab, phương thức ấn định và kiểm soát giá cước, tỷ lệ chiết khấu và việc thực hiện nhiệm vụ đóng thuế của công ty, đồng thời hỗ trợ người lao động thành lập nghiệp đoàn – theo tinh thần của Hiệp Định Tự Do Thương Mại Châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương CT-TPP mà Việt Nam là thành viên – để họ trực tiếp thương lượng hợp đồng với chủ sử dụng lao động.

Điều đó đã không xảy ra với một chính quyền cấu kết với tư bản để trục lợi, coi người dân là “thế lực thù địch” dù lúc nào cũng tự xưng là nhà nước xã hội chủ nghĩa, đại diện của giai cấp vô sản! Cuộc biểu tình của những người chạy xe ôm công nghệ đã bị giải tán nhưng mâu thuẫn quyền lợi giữa họ và công ty Grab vẫn còn đó, nghĩa là vẫn có mầm mống để bùng phát trở lại trong tương lai không xa./.

Hiếu Chân

No comments:

Post a Comment