Kính thưa quý thính giả, hiến pháp của đảng CSVN chỉ nặng phần trình diễn. Chế độ vẫn là độc tài, đảng trị và phản biện ôn hòa vẫn bị bỏ tù. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hà Nguyên với tựa đề: “Phản biện ôn hòa vẫn có thể bị bắt bỏ tù” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
“Ngày 17/12/2020, được sự đồng ý của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Cần Thơ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trương Châu Hữu Danh, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1982, đăng ký thường trú: Số 85, đường Khương Minh Ngọc, ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, tỉnh Long An để điều tra về hành vi ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’, được quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015.
Tiến hành khám xét nơi ở của bị can, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Cần Thơ đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan.
Hiện vụ án đang tiến hành điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật”.
Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Cần Thơ có bản tin với nội dung như trên.
Trong trường hợp của ông Trương Châu Hữu Danh, một nhà báo ‘có thẻ’, thì cáo buộc ở đây có lẽ là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.
Lợi ích nào của Nhà nước đã bị ông Trương Châu Hữu Danh xâm phạm, bản tin trên Cổng thông tin điện tử của Công an thành phố Cần Thơ, không thấy nêu.
Ý kiến lo lắng: phải chăng việc lên tiếng phản biện các chính sách của Nhà nước, những tiêu cực trong bộ máy công quyền…, đến một lúc nào đó, thì các đương sự nhẹ nhàng nhất, là bị hình sự theo Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015; nặng nề hơn sẽ là ‘án chính trị’, theo Điều 117, “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”?
Trong tham luận của PGS.TS. Vũ Công Giao và thạc sĩ Nguyễn Minh Tâm cùng ở Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, thì (trích):
…Cho đến trước Đại hội Đảng VI (1986), mục tiêu của Đảng về cơ bản là xây dựng “nhà nước chuyên chính vô sản” theo học thuyết Mác-Lênin, và xem đó là mô hình nhà nước của thời kỳ quá độ.
Đến Đại hội Đảng XI (2011) và XII (2016), các vấn đề như: kiểm soát trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, Nhà nước được tổ chức và hoạt động tuân thủ nguyên tắc pháp quyền, hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật,… tiếp tục được bổ sung và nhấn mạnh hơn, củng cố thêm lý luận của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Qua các văn kiện Đảng nêu trên, những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam đã được định hình khá rõ, bao gồm:
(1) Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân.
(2) Nhà nước được tổ chức và hoạt động dựa trên cơ sở Hiến pháp, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp.
(3) Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội.
(4) Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và tự do của công dân.
(5) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước của Nhân dân thông qua các tổ chức xã hội.
(6) Nhà nước và xã hội do một đảng duy nhất lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, trong giới học thuật ở Việt Nam, nhận thức về pháp quyền vẫn còn thiếu rõ ràng, chưa thống nhất và có những điểm chưa hợp lý, trong đó đáng tranh luận nhất là xu hướng đồng nhất pháp quyền (Rule of Law) với Nhà nước pháp quyền (the state governed by the rule of law).
Sự đồng nhất này đã dẫn tới tình trạng đồng nhất các yếu tố cấu thành của pháp quyền với các yếu tố cấu thành của Nhà nước pháp quyền, hay thậm chí còn có sự đồng nhất pháp quyền với “pháp trị” (Rule by Law).
Trong hệ thống pháp luật hiện hành ở Việt Nam, hầu hết các quyền dân chủ của nhân dân đều đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 – đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Tuy nhiên, do Hiến pháp không có hiệu lực trực tiếp nên các quyền dân chủ quan trọng như: tự do hiệp hội, hội họp, biểu tình… cần được cụ thể hóa bằng văn bản luật mới có thể thực thi được.
Trong khi đó, một số quyền tự do dân chủ quan trọng, cho đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa bằng văn bản luật như quyền biểu tình, lập hội. Điều này đã gây ảnh hưởng tới việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân./.
Hà Nguyên
No comments:
Post a Comment