Kính thưa quý thính giả, đảng CSTQ đang giương cao ngọn cờ bá quyền để thống trị thần dân và uy hiếp các nước láng giềng, nhất là Việt Nam. Ngày nào đảng CSVN còn u mê với “4 tốt và 16 chữ vàng”, thì ngày ấy họa mất nước còn hiện thực. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Minh Luật với tựa đề: “Mỹ mang thông điệp gì tới Việt Nam về mối đe dọa đến từ Trung Quốc?” _ sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Kết thúc chuyến thăm Việt Nam, trả lời câu hỏi của Zing News tại buổi họp báo trực tuyến từ Manila hôm 23/11, được đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert C. O’Brien cho biết:
“Thông điệp của chúng tôi là sẽ tiếp tục hiện diện ở đây, chúng tôi đã hỗ trợ các bạn và chúng tôi sẽ không rời đi. Chúng tôi sẽ không bị đẩy ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng với tất cả bạn bè và đối tác của chúng tôi. Và tôi nghĩ khi chúng tôi gửi đi thông điệp đó – thông điệp hòa bình thông qua sức mạnh – là cách để răn đe Trung Quốc. Đó là một cách để bảo đảm hòa bình, và là một cách để bảo đảm rằng không có chiến tranh trong khu vực”.
“Từ biển Đông đến lưu vực sông Mê-Kông, những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của đất nước các bạn thuộc về con cháu của các bạn. Quyền thừa hưởng những nguồn tài nguyên này không thể bị cướp mất chỉ đơn giản vì một nước láng giềng lớn hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn”, Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội dẫn lời ông O’Brien.
Từ thông điệp này, có thể thấy Washington đang muốn đưa ra lời cảnh báo cho Hà Nội rằng, mối đe dọa của Bắc Kinh không chỉ đến từ phía Đông trên biển, mà còn đến từ lưu vực sông Mê Kông – một mạn sườn phía Tây của Việt Nam.
Mạn sườn phía Tây của Việt Nam là 2 quốc gia Lào và Campuchia đang trong tình trạng lệ thuộc rất sâu nặng vào Trung Quốc. Các chính sách gần đây của chính quyền Viên-Chăn và Phnôm-Pênh cho thấy họ dần loại bỏ tầm ảnh hưởng của Hà Nội mà bị chi phối hoàn toàn bởi Bắc Kinh.
Lào đã vay của Trung Quốc rất nhiều để đầu tư vào các dự án thủy điện sông Mê Kông cũng như dự án đường sắt cao tốc, một liên kết quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên mới đây, Bộ Tài chính Lào đã đề nghị Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của nước này, cơ cấu lại các khoản nợ để tránh vỡ nợ.
Lào sẵn sàng trả bằng các tài sản có giá trị khác, như đất đai và giao cho các công ty quốc doanh Trung Quốc nắm quyền kiểm soát lưới điện của Lào, cũng như tiếp tục xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông do Trung Quốc tài trợ. Điều này rõ ràng gây ra mối đe dọa cho an ninh lương thực và môi trường cho toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Tại Campuchia, gần đây quốc gia này đã phá dỡ căn cứ Hải quân Ream do Mỹ đầu tư xây dựng. Thay vào đó, một căn cứ hải quân khác, nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc là Dara Sakor, có đường băng khổng lồ dài 3.400 mét hiện đang được xây dựng, có khả năng chứa nhiều máy bay quân sự Trung Quốc. Theo giới phân tích nhận định, các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Trung Quốc cất cánh từ căn cứ Dara Sakor và hạ cánh tại các đường băng trên đảo Đá Chữ Thập hoặc đảo Phú Lâm (do Trung Quốc chiếm đóng trái phép) trên Biển Đông có thể “xé toạc” bầu trời và vùng đất bên dưới của Việt Nam.
Sự thao túng của Bắc Kinh đối với Lào và Campuchia được thể hiện rõ qua lập trường của 2 quốc gia này luôn đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông. Đặc biệt hơn, Campuchia nổi lên như một kẻ phá hoại cho sự đồng thuận của ASEAN trong tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông.
Có vẻ không ít giới lãnh đạo Việt Nam ngày nay vẫn còn tin vào ‘ý thức hệ chính trị’ khi bang giao với Trung Quốc.
Chí ít tình ‘đồng chí cộng sản’ vẫn còn là câu nói giao hảo từ cửa miệng của cả đôi bên. Nhưng đằng sau đó, sự bằng mặt nhưng không bằng lòng và tâm lý nghi kỵ từ lịch sử, đặc biệt là sự thù ghét Trung Quốc đã ăn sâu vào huyết mạch của người Việt Nam, nên không thể nào Việt-Trung trở thành một đồng minh “cùng sinh cùng tử” dù tương đồng về chế độ chính trị.
Do đó, việc Bắc Kinh hạ thấp mối quan hệ với Hà Nội chỉ là vấn đề thời gian khi Bắc Kinh hoàn thành cuộc ‘đảo chính’ lật đổ sự ảnh hưởng của Hà Nội từ mạn sườn phía Tây của Việt Nam và các xung đột có thể sẽ leo thang trong thời gian tới khi Trung Quốc muốn dập tắt mọi sự phản kháng của Việt Nam trong việc giành quyền độc chiếm Biển Đông.
Thái độ do dự, thậm chí là sự nghi ngờ của giới lãnh đạo Việt Nam đối với Mỹ vốn không là điều xa lạ. Nó không chỉ từ ý thức hệ chính trị, mà còn xuất phát từ việc họ chưa sẵn sàng chia sẻ về một tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng, khi mắt vẫn hướng về Bắc Kinh với niềm tin mong mỏi về chủ nghĩa cộng sản sẽ là tương lai của nhân loại./.
Minh Luật
No comments:
Post a Comment