Wednesday, December 9, 2020

Vấn đề năng lượng và sự phá hoại của EVN

Chuyện Nước Non Mình

Thưa quý thính giả,

Độc quyền khai thác năng lượng trọng yếu bậc nhất của quốc gia là điện lực đã khiến cho tổ chức EVN trở nên kiêu căng đến độ bất khả xâm phạm và trở thành khối ung nhọt bất trị.

Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Vấn đề năng lượng và sự phá hoại của EVN” của Đỗ Ngà sẽ được Lê Khanh trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Năng lượng là nguồn nhiên liệu vận hành nền kinh tế đất nước, hoạt động xã hội và an ninh quốc gia. Nếu cắt đứt nguồn năng lượng thì nền kinh tế nào cũng sẽ sụp đổ, xã hội trở về vận hành như thời kỳ mông muội, an ninh quốc gia bị đe dọa. Vậy nên, an ninh năng lượng là một yêu cầu tối quan trọng cho bất kỳ một quốc gia nào.

An ninh năng lượng là gì? Nói đơn giản nó phải là sự bảo đảm chuỗi cung ứng năng lượng thông suốt và an toàn. Ví dụ như chuỗi cung ứng dầu mỏ chẳng hạn  thì đầu tiên phải khai thác kế đến là chế biến ra rồi vận chuyển và cuối cùng tiêu thụ. Hay như chuỗi cung ứng điện khí đốt thì đó phải là: khai thác khí đốt rồi vận chuyển khí tới nhà máy điện sau đó đưa lên truyền tải điện tới người tiêu dùng.

Nhìn vào chuỗi cung ứng năng lượng thì rõ ràng vai trò của sản xuất và vận chuyển là cực kỳ quan trọng. Nếu bị chặt 1 trong 2 mắt xích này thì chuỗi cung ứng năng lượng bị gãy và lúc đó an ninh năng lượng bị sụp đổ. Nếu bóp một trong 2 mắt xích này thì năng lượng cho nơi tiêu thụ thiếu hụt vì thế an ninh năng lượng được không được bảo đảm.

Nếu nói riêng ngành điện thì rõ ràng, nó cũng có chuỗi cung ứng y hệt như những chuỗi khác gồm: sản xuất điện đưa đến truyền tải điện và tới người tiêu dùng. Giả sử người tiêu dùng cần 10 phần, sản xuất cũng được 10 phần, nhưng khả năng vận chuyển chỉ có 5 phần thì lúc đó giai đoạn vận chuyển chính là mắt xích yếu nhất trong chuỗi cung ứng gây ra hiện tượng nghẽn và tất nhiên nó ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Vậy nên, trong sản xuất và truyền tải điện, thì bắt buộc phải đầu tư giai đoạn truyền tải điện sao cho nó bảo đảm tải hết công xuất điện từ nhà máy. Nếu truyền tải yếu thì buộc nhà máy phải sản xuất cầm chừng sinh ra hiện tượng thua lỗ và đi kèm theo là nơi tiêu thụ cũng thiếu năng lượng dùng.

Hôm nay ngày 3/12/2020 trên báo CafeF có bài viết “Xã hội hóa truyền tải điện (P1): Vì sao lưới không ‘cõng’ nổi nguồn?” trong đó các chuyên gia có đưa ra một tỷ lệ đầu tư rất đáng quan tâm. Họ nói, trên thế giới chi phí đầu tư nhà máy phát điện và chi phí đầu tư lưới truyền tải điện phải là tương đương nhau 50%-50% trong tổng đầu tư điện lực thì mới bảo đảm rằng lưới điện sẽ tải hết công suất của các nhà máy.

Thế nhưng trên thực tế ngành truyền truyền tải điện của Việt Nam thì sao?

EVN chỉ đầu tư vào khoảng 32 đến 35% tổng đầu tư điện lực. Việc này nó xảy ra hiện tượng nhiều nhà máy điện phải chạy dưới công suất chế tạo. Trong các loại nhà máy sản xuất điện hiện nay, EVN thường bóp công suất các nhà máy năng lượng sạch như điện mặt trời và điện gió. Điều đó dẫn tới những nhà máy năng lượng sạch này bán ra lượng điện giới hạn. Mà bán ít thì làm sao hạ giá thành? Thế nhưng EVN cứ vịn vào giá bán điện cao ấy mà biện hộ rằng “năng lượng sạch bán giá cao quá nên tao không mua”.

Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có một mình tổng công ty điện lực Việt Nam hay  EVN là độc quyền xây dựng lưới truyền tải điện trên toàn quốc, trong khi đó tại các nước khác việc xây dựng lưới điện là trong tay các tập đoàn tư nhân (ở xứ tự do, nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không làm được). Giải thích cho điều này thì ông Bùi Huy Phùng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội năng lượng Việt Nam giải thích rằng: “Nhà nước phải quản lý rất chặt chẽ lưới điện, vì không quản chặt thì sẽ mất an ninh năng lượng, nên lâu nay chúng ta không để tư nhân tham gia truyền tải”.

Điều rất phi lý là chính sự độc quyền lưới truyền tải điện mà việc cung cấp năng lượng điện cho xã hội bị chận lại. Một khi chuỗi cung ứng điện bị nghẽn thì làm sao bảo đảm “an ninh năng lượng” được? Một lời giải thích đầy tính bào chữa  chứ không hợp lý tí nào cả.

Ngày 21/5/2019 trên báo Lao Động có bài viết “Giá điện không ‘gánh’ khoản lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN”. Bài báo này là tiếp nối nhiều bài báo trong hàng chục năm qua ca thán về việc EVN không chịu dùng tiền đầu tư vào lưới truyền tải điện mà bỏ tiền đầu tư vào ngoài ngành tạo ra hiện tượng chuỗi cung ứng điện bị nghẽn ảnh hưởng đến an ninh năng lượng nhiều năm qua. Thế rồi dù báo nào nói thì EVN vẫn trơ trơ mang tiền đầu tư ra ngoài ngành gây thua lỗ rồi tăng giá điện siết cổ dân.

Không đầu tư vào lưới điện là bắt chẹt những nhà sản xuất điện loại “con ghẻ”, còn khi thua lỗ thì đè đầu dân móc túi. Vậy thì trách nhiệm an ninh năng lượng cho đất nước của EVN ở đâu? Một tập đoàn nhà nước vô trách nhiệm, nếu không muốn nói là phá hoại. Thế nhưng với thế lực của nhóm lợi ích này, gần như chẳng ai gãi ngứa được nó. Độc quyền nhà nước: nó là ung nhọt quốc gia!

Đỗ Ngà

No comments:

Post a Comment