Wednesday, December 9, 2020

Sẽ “xử kín” vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam?

Bình Luận

Điều 10 của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ghi rõ: “Mọi người đều được quyền xét xử công bằng bỡi một phiên xử công khai qua một tòa án độc lập, không thiên vị, để phán quyết về quyền lợi và trách nhiệm của mình và trong các truy tố hình sự”. Sự kiện đảng CSVN quyết định “xử kín” các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam về tội “tuyên truyền chống nhà nước” là một sự vi phạm trắng trợn Bản TNQTNQ này. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hà Nguyên với tựa đề: ”Sẽ “xử kín” vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam?” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Theo Quyết định số 970/QĐ-TTg của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, về ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc Tòa án nhân dân, hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành là 7-7-2020, thì:

“Bí mật nhà nước độ Tối mật gồm:

Kế hoạch xét xử, văn bản xin ý kiến, trao đổi của Tòa án nhân dân với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền về việc xử lý, xét xử các vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Bí mật nhà nước độ Mật gồm:

  1. Kế hoạch, nội dung phối hợp công tác liên ngành về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, tội phạm tham nhũng nghiêm trọng, tội phạm mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm chưa công khai.
  2. Quan điểm, ý kiến của cá nhân thành viên Hội đồng xét xử của các cấp Tòa án khi nghị án; kết luận của Thẩm phán, Tổ Thẩm phán, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao hoặc kết luận của Thẩm phán, Tổ Thẩm phán, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa công khai; văn bản trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về việc giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
  3. Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chủ trương, định hướng lớn liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân chưa công khai.
  4. Báo cáo của Tòa án nhân dân về việc chưa thi hành án tử hình phục vụ yêu cầu điều tra mở rộng vụ án và yêu cầu đối ngoại.
  5. Báo cáo về các vụ án được xét xử kín trong trường hợp cần giữ bí mật nhà nước”.

Từ quy định nói trên, trong trường hợp của ba thành viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cùng bị cáo buộc tội hình sự theo Điều 117, Bộ luật Hình sự, “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, rất có thể sẽ căn cứ vào nội dung liên quan “Tối mật” – “Mật” ghi ở Quyết định số 970/QĐ-TTg, để đề xuất phiên “xử kín”, nhằm trong quá trình tranh tụng tránh được những vi phạm ở các bên về các nội dung được xem là “Tối mật” – “Mật”.

Trên thực tế, nếu cơ quan tố tụng quyết định là phiên “xử kín”, còn giúp giải quyết được nan đề lâu nay, là ở các vụ án với nội dung tương tự nằm trong “Chương XIII, Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” của Bộ luật Hình sự, phía nhà chức trách luôn cản trở quyền tự do của người dân đến dự khán phiên tòa xét xử công khai.

Thậm chí thân nhân của những người đang được xử án, họ cũng bị ngăn cản nhiều trường hợp đến mức thô bạo.

Mà đâu chỉ có các án liên quan đến an ninh quốc gia.

Luật sư Ngô Ngọc Trai, kể: “Lần ấy, tôi tham gia hai phiên tòa xét xử tại Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Bị cáo là một ông trưởng thôn có uy tín được bà con quý mến, đặc biệt cáo buộc phạm tội của cơ quan tố tụng thiếu cơ sở thuyết phục do vậy bà con đi tham dự phiên tòa ủng hộ bị cáo rất đông. Lực lượng công an đã ngăn cản không cho bà con vào trong sân tòa.

Thay vì để bà con thực hiện quyền của mình, chính Chánh án tòa án huyện cũng tham gia giữ gìn trật tự phiên tòa, bằng cách phối hợp cùng công an chỉ đạo thực hiện không cho bà con vào tham dự. Cách giải quyết trái pháp luật của lực lượng công an và ông chánh án đã khiến cho bà con phải đứng ngoài đường bức xúc.

Đây là mấy ví dụ trong rất nhiều trường hợp về việc bảo vệ tòa án và lực lượng công an tư pháp vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền được tham dự phiên tòa công khai của người dân.

Rõ ràng lực lượng bảo vệ tòa án và công an tư pháp giữ gìn trật tự phiên tòa, lâu nay thường xuyên tước bỏ quyền của người dân được tham dự phiên tòa công khai. Lãnh đạo các tòa án biết rõ điều đó, biết rõ như thế là xâm phạm quyền hợp pháp của công dân, nhưng tiếp tay cho sai phạm, bỏ mặc không có biện pháp giải quyết.

Nguồn gốc của hiện tượng này xuất phát từ việc coi thường pháp luật của chính tòa án và lực lượng công an tư pháp. Họ biết thừa rõ là công dân có quyền tham dự phiên tòa công khai nhưng họ vẫn ngăn cản để cho công việc của họ được dễ dàng.

Họ đánh đổi sự nhàn hạ trong công việc bằng việc hy sinh quyền hợp pháp của người khác. Đặc biệt là trong môi trường điều kiện mà sai phạm của họ lại được dung dưỡng, không bị xử lý”.

Hà Nguyên

No comments:

Post a Comment