Kính thưa quý thính giả, bản chất hèn với giặc và ác với dân của đảng CSVN không bao giờ thay đổi. Toàn dân không nên kỳ vọng gì vào đại hội 13 của tập thể này vào đầu năm 2021.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Đại Hội 13 đảng CSVN: Đừng hy vọng thay đổi” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Chỉ còn chưa tới một tháng nữa đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) sẽ tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 13 theo định kỳ năm năm một lần. Mặc dù tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã có nhiều thay đổi trong năm năm qua, nhưng đảng CSVN chưa có dấu hiệu chuyển biến theo nhịp điệu, xu hướng của thời đại, theo khát vọng tự do dân chủ của nhân dân.
Như lề lối đã có từ trước tới nay, đại hội đảng là dịp để đảng Cộng Sản kiểm lại những thành công và thất bại trong nhiệm kỳ trước, đề ra đường lối chính trị, kinh tế xã hội cho nhiệm kỳ kế tiếp và bầu cử ban lãnh đạo mới.
Nhưng thời gian chuẩn bị đại hội vừa qua cho thấy đảng CSVN gần như bế tắc hoàn toàn trong lĩnh vực đường lối chính trị, những văn kiện chuẩn bị trình đại hội vẫn chỉ là “bổn cũ soạn lại” xoay quanh những khẩu hiệu rỗng tuếch về chủ nghĩa xã hội, về xây dựng đảng “trong sạch vững mạnh,” về “chống suy thoái, tự diễn biến” trong cán bộ đảng viên”…
Cuộc tranh giành quyền lực tại đại hội lần này có vẻ quyết liệt hơn các đại hội trước. Theo thông lệ, việc chọn người vào các cơ quan chóp bu của đảng là Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư phải hoàn tất vào kỳ họp cuối cùng của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng nhiệm kỳ hiện hành, trước khi đại hội toàn quốc chính thức khai mạc và đại hội chỉ bỏ phiếu như một thủ tục phê chuẩn sự lựa chọn của Ban Chấp Hành Trung Ương.
Nhưng lần này, Hội Nghị 14 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN khai mạc hôm 18 Tháng Mười Hai đã không hoàn tất được việc lựa chọn nhân sự, đặc biệt là những người sẽ nắm các chức vụ cao nhất, thường gọi là “tứ trụ” (tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội), phải dừng họp sớm hai ngày và có thể phải họp Hội Nghị 15 vào Tháng Giêng, 2021, trước khi mở Đại Hội 13.
Ông Nguyễn Phú Trọng, đã quá tuổi và sức khỏe yếu kém, có chịu rút lui hay không; ông Trần Quốc Vượng – thường trực Ban Bí Thư, và ông Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng, ai sẽ thay ông Trọng… là những đề tài đang được những cây bút hiếu kỳ bàn tán trên mạng. Rồi trong danh sách được rò rỉ ra, các phe nắm kinh tế đang có vẻ lấn lướt phe cầm súng, phe các tỉnh Bắc Trung Phần lấn lướt phe Nam Bộ… cũng là những đề tài bàn tán như vậy. Bàn chỉ để bàn thôi vì chính trị chóp bu của Việt Nam, cũng như của các nước độc tài Cộng Sản khác, là những chiếc hũ nút kín không bao giờ minh bạch mà người ngoại cuộc không thể xác quyết được.
Nhưng cho dù phe nào, nhóm nào lên cầm quyền tối cao thì mục tiêu của đảng Cộng Sản cũng không thay đổi: giữ chặt quyền lực bằng phương thức trấn áp tàn bạo và tuyên truyền xuyên tạc. Từ đầu năm 2020 đến nay, guồng máy tuyên truyền của đảng đã chạy hết tốc lực để tuyên truyền về Đại Hội 13, đánh bóng những thành tích mà Việt Nam đạt được “dưới sự lãnh đạo của đảng.”
Bên cạnh guồng máy tuyên truyền khổng lồ với hàng nghìn đầu báo và đài truyền hình, chính quyền CSVN còn ra sức ngăn chặn những thông tin “trái chiều” bất lợi cho đảng trên các mạng xã hội như Facebook và YouTube. Nên để ý ở Việt Nam, hai mạng xã hội Mỹ này là nền tảng truyền thông chủ yếu, nơi người dân tiếp nhận tin tức, còn đài truyền hình nhà nước chỉ là nơi người ta xem các chương trình giải trí, trò chơi.
Không chỉ dập tắt những tiếng nói trái chiều trên mạng, những tháng trước đại hội là thời gian guồng máy bạo lực của đảng CSVN tăng tốc hoạt động, vì đảng cho rằng đây là thời kỳ các “thế lực thù địch” tăng cường quấy phá, hoạt động chống đảng. Nếu tuyên truyền là biện pháp “mềm” thì sử dụng công an và tòa án để trấn áp bắt bớ là biện pháp cứng. Chỉ trong vài tháng qua đã có khá nhiều những gương mặt nổi bật về phản biện xã hội hoặc đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam bị bắt, cùng với một tội danh mơ hồ “tuyên truyền chống nhà nước.”
Nhưng tàn bạo nhất có lẽ là vụ đàn áp người dân xã Đồng Tâm ở ngoại thành Hà Nội vào đầu năm nay và phiên tòa đầy oan ức bất công xử 29 người dân sau đó. Tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền là căn bệnh trầm kha của chế độ Cộng Sản, vụ Đồng Tâm là đỉnh điểm của một mâu thuẫn không thể thỏa hiệp được nếu không xóa bỏ gốc rễ của nó là luật đất đai theo học thuyết Cộng Sản “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý.” Hơn thế nữa, với vụ đàn áp tàn bạo ở Đồng Tâm, chính quyền Hà Nội cho thấy đảng CSVN không chấp nhận bất kỳ ai chống đối quyền lực của họ, không chấp nhận đối thoại hoặc phản biện ôn hòa.
Đã có không ít người hy vọng, Đại Hội 13 của đảng CSVN sẽ mang lại một thay đổi nào đó cho tình hình bi đát của đất nước.
Với đảng CSVN, vì nước vì dân không phải là một lựa chọn, và điều đó cũng thể hiện ngay trong Đại Hội 13 này.
Tương lai của đất nước thật là mờ mịt!
Hiếu Chân
No comments:
Post a Comment