Kính thưa quý thính giả, sự vắng bóng của đối lập, báo chí tư nhân và xã hội dân sự làm đối trọng cho độc tài đảng trị CSVN đã đưa đến tình trạng thủy điện hủy diệt thiên nhiên và gây tang tóc cho môi trường, kinh tế cũng như sinh mạng của nhân dân.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Jackhammer Nguyễn với tựa đề: “Đảng Cộng sản không thể quản lý được thủy điện” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Jackhammer Nguyễn
TS Nguyễn Ngọc Chu có bài viết về lũ lụt ở Việt Nam do thủy điện gây ra: “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt”, rất công phu, với nhiều số liệu kỹ thuật, và những hiện thực quản lý làm cho thủy điện nhỏ tại Việt Nam là tai họa so với những điều lợi mà nó mang đến.
Tuy nhiên, theo ý chủ quan của tôi, độc giả tại Việt Nam khi đọc bài này sẽ dễ rơi vào suy nghĩ cho rằng do Việt Nam thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm quản lý, và chỉ cần khắc phục hai việc này thì kết quả sẽ tốt đẹp.
Tôi thì cho là nguyên nhân lớn nhất là sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản.
Kiến thức khoa học kỹ thuật vào thời buổi này không phải là quá khó, nhất là trong lĩnh vực khá cũ kỹ như thủy điện.
Từ lâu, nhân loại đã biết “thủy lợi” đang biến thành “thủy hại” khi những phân tích về tác hại của việc xây đập thủy điện khổng lồ Hoover tại Hoa Kỳ vào thập niên 1940. Thôi thì cứ cho là Việt Nam bị ngăn cách bởi cuộc chiến tranh lạnh nên ít có được thông tin đó.
Nhưng tác hại của đập Aswan bên Ai Cập vào thập niên 1970 do chính nhà nước cộng sản Liên Xô thực hiện, đâu có xa xôi gì đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam? Hay là đại dự án thủy nông vùng biển hồ Aral làm kiệt quệ cả một vùng nông nghiệp bông vải của các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô. Tất cả những kiến thức đó có sẵn và không xa lạ với nhà nước cộng sản Việt Nam.
Ngay tại Việt Nam, từ khi mới học bậc tiểu học, học sinh đã biết rằng các con sông miền Trung ngắn, nước chảy xiết. Không khó để các nhà khoa học Việt Nam biết rằng xây những đập nước, dù là thủy điện nhỏ, trên các con sông này sẽ là tai họa lơ lững trên đầu dân chúng.
Mùa khô các con đập này phải ngăn nước để sinh lợi cho chủ đầu tư của chúng, làm miền hạ lưu khô cạn. Mùa mưa, các con đập này phải xả nước, vì nếu không sẽ vỡ, gây ra cảnh lụt lội kinh hoàng miền đồng bằng duyên hải.
Với những kiến thức khoa học và kỹ thuật liên quan đến thủy điện và địa lý tự nhiên như vậy, đúng là việc quản lý quan trọng hơn, như tác giả Nguyễn Ngọc Chu so sánh giữa cảnh sát Singapore và Việt Nam, để bác bỏ lập luận cho rằng châu Âu làm thủy điện nhỏ được thì Việt Nam làm được.
Luận điểm này của tác giả chiếm một phần quá nhỏ trong dung lượng bài viết.
Theo tôi có thể là do tác giả sinh sống tại Việt Nam (?), nên dù hiểu thấu đáo vấn đề nhưng không nêu ra rõ ràng và mạnh mẽ. Đó là sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản không thể quản lý được môi trường nói chung, thủy điện nói riêng.
Nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản là lợi nhuận, nhưng tại các quốc gia dân chủ, lợi nhuận này sẽ bị kiểm soát bởi một xã hội dân sự, có tranh cử công khai, có sự tham gia vào chính trị của dân chúng.
Một qui trình không thể thiếu cho các công trình tại các quốc gia dân chủ là đánh giá tác động môi trường (EIA, Environmental Impact Assessment). Khi thực hiện EIA, một cơ quan độc lập sẽ đứng giữa nhà đầu tư và chính phủ, đại diện cho lợi ích công cộng, đánh giá những điều lợi và hại của công trình, cách nào để bù phần hại,… Nếu thiệt hại quá lớn, người ta sẽ bác bỏ dự án.
Tại Việt Nam cũng có EIA, nhưng lại có đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo. Và tại Việt Nam cũng có quyền lợi tư bản kể từ khi bắt đầu thực hiện cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là quyền lợi tư bản này gắn rất chặt với quyền lợi của đảng cộng sản cầm quyền.
Vì thế sẽ không có cơ quan độc lập nào đứng ra làm EIA, sẽ không có dự án nào bị bác bỏ dù nó có tác hại lớn, tất cả chỉ phụ thuộc vào ý chí chính trị của đảng cầm quyền, mà do sự độc tôn cầm quyền nên ý chí này là vô đối, không bị kiểm soát. Ý chí chính trị không bị kiểm soát, nhưng lại rất dễ bị mua chuộc, nhân danh quyền lợi của nhân dân.
Cho đến nay, dường như chỉ có một vài dự án thủy điện trên sông Đồng Nai (6 và 6a) bị bác bỏ vì nhà lãnh đạo thời ấy nghe và hiểu được sự nguy hại của nó.
Nhưng việc bác bỏ một dự án tai hại như thế rất cá biệt, điều đó không thể kéo dài một cách tự động kiểm soát lẫn nhau như ở xã hội dân sự dân chủ phương Tây được. Bộ máy nhà nước từ Đông sang Tây đều cồng kềnh, để sự đúng đắn đến được tai của lãnh đạo chóp bu là không bao giờ dễ dàng. Một vị tổng thống hay thủ tướng dân chủ sẽ giật mình vì báo chí và công luận tự do báo động. Một vị chủ tịch đảng Cộng sản rất ít có được khả năng giật mình như vậy, vì không ai chỉ trích ông ta cả.
Khi những vụ xả lũ kinh hoàng của năm 2020 xảy ra, một viên chức Việt Nam nói với tôi: Sắp tới Quốc hội sẽ làm mạnh vấn đề thủy điện. Tôi nghĩ thầm: Chúc may mắn trong việc “làm mạnh vấn đề thủy điện” với sự độc quyền cai trị của đảng CSVN./.
No comments:
Post a Comment