Friday, December 18, 2020

Chuyện cây thông và thiệp Giáng Sinh

Bàn Ngang Tán Dọc

Sự kiện: Nhân mùa lễ Giáng Sinh, chúng ta tìm hiểu về hai biểu tượng trong ngày lễ này là cây thông noel và tấm thiệp giáng sinh.

KỊCH BẢN

BC – Chào chị MN và anh HS, chỉ còn đúng một tuần nữa là đến ngày Lễ Giáng Sinh, bình thường hàng năm cứ đến thời điểm này BC cũng như gia đình và bạn hữu ai ai cũng rộn ràng vui vẻ, thế nhưng năm nay sao BC thấy không khí  có vẻ buồn tẻ quá, không rõ anh chị có thấy vậy không?

MN- Thì vui sao được anh BC, khi mà dịch bệnh còn đang hoành hành, việc đi lại sinh hoạt đều bị hạn chế. Các dịch vụ du lịch, kinh doanh, buôn bán mua sắm mùa Noel đều phải ngưng đọng. Công việc làm ăn bị hạn chế, thu nhập thiếu hụt thì lấy gì mà vui vẻ rộn ràng được phải không?

HS – Đúng vậy, chưa năm nào HS thấy mùa lễ hội cuối năm lại buồn tẻ như năm nay. Vì những khó khăn như anh chị vừa nói, gia đình HS quyết định thích ứng với hoàn cảnh bằng cách thu nhỏ mọi sinh hoạt trong khuôn khổ gia đình, làm sao cho thật vui vẻ thật ấm cúng, thay vì đi mua sắm, đi nhà hàng, tham dự các sinh hoạt bên ngoài như các năm trước.

BC- Ý kiến ấy hay, mà có muốn đi đâu cũng không được thì đành phải làm thế chứ biết làm sao hơn. Đối với BC, ngày Lễ Giáng Sinh mà không đi lễ nửa đêm, không được thấy cây noel rực rỡ ở nhà thờ, không được nghe các bài thánh ca, không nhận được những tấm thiệp thân thương trao tặng nhau, thì đó là một thiếu sót  không có gì bù đắp được. Tiếc thật!

MN- Anh BC nhắc đến thiệp giáng sinh, nhắc đến cây noel, nhắc đến lễ nửa đêm, đến những bài thánh ca, làm cho MN sống lại những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua. Ừ mà nguồn gốc tấm thiệp  giáng sinh bắt nguồn từ khi nào nhỉ, các anh có nhớ không.

HS – MN làm như cô đã già lắm vậy đó, mà sao nhớ đến “kỷ niệm một thời đã qua”, thời MN chưa qua đâu.  Nghe đâu cô vẫn còn đang sinh hoạt trong ca đoàn nhà thờ mà, đúng không? Còn chuyện nguồn gốc tấm thiệp giáng sinh hả, à ha, đề tài này thú vị đấy, chắc anh BC biết rõ chứ.

BC – Ô, việc này thì BC cũng tìm hiểu trong sách báo thôi, có điều từ mấy năm gần đây số thiệp giáng sinh theo truyền thống đã giảm đi rất nhiều, khi người ta trao đổi lời chúc qua các mạng xã hội, tuy nhiên tấm thiệp giáng sinh vẫn có một ý nghĩa đẹp, dù hình thức có thay đổi. Theo những gì BC biết thì trước khi  tấm thiệp GS ra đời, những người Kito Giáo vẫn viết thư chúc mừng và trao tận nhà nhau vào dịp lễ trọng này. Tấm thiệp đầu tiên trên thế giới đã ra đời ở Anh Quốc do họa sĩ John Horsley ở London vẽ kiểu, theo yêu cầu của người bạn thân là Sir Henry Cole, để ông gửi cho người thân và bạn bè. Từ mẫu thiệp ấy, Noel năm 1843, Sir Henry Cole đã cho ra lò 1,000 tấm thiệp. Lúc bấy giờ thiệp được in thạch bản và tô màu nên giá thành khá đắt. Hiện nay, còn khoảng 12 tấm vẫn ở đâu đó trong các bộ sưu tập cá nhân hay ở các viện bảo tàng. Trên tấm thiệp Giáng sinh này nổi bật câu chúc mừng: “Merry Christmas and a Happy New Year to you! Chúc bạn Giáng sinh an lành và một năm mới hạnh phúc!”.

MN- Trên thiệp ấy họa sĩ vẽ những gì hả anh BC và anh HS?

HS-  Tấm thiệp do hoa sĩ Horsley vẽ tay có 3 phần. Ở giữa mô tả cảnh một gia đình cả 3 thế hệ quây quần bên bữa tiệc Giáng Sinh và hai bên còn lại tả cảnh trẻ em, người nghèo đang được giúp đỡ, hình ảnh mang ý nghĩa bác ái từ thiện trong ngày lễ lớn.

MN- Cũng thật là ý nghĩa đấy chứ, hình như ngày nay người ta có in lại hình ảnh nguyên thủy này trên các tấm thiệp mà. Từ gợi ý trên, sau đó thế giới đã có vô số các các kiểu trang trí thiệp giáng sinh như chúng ta thấy hôm nay.

BC- Đúng vậy. Sau năm ấy, chính quyền nước Anh cho phép người dân được gửi thư cho nhau qua bưu điện, nên các năm sau đó việc gửi thiệp giáng sinh trở nên phổ thông hơn.

HS- Rồi không lâu sau, thiệp du nhập vào Đức. Thế nhưng phải mất 30 năm sau, người Mỹ mới tiếp nhận trào lưu này. Năm 1875, ông  Louis Prang – một thợ in gốc Đức sống tại Boston, đã cho ra đời loại thiệp in phẩm chất cao, với 20 sắc màu pha trộn trên một tấm thiệp. Ông nhanh chóng được mọi người yêu mến mà đặt cho danh hiệu “Cha đẻ của các mẫu thiệp Giáng sinh”. Những bức hình trên thiệp của ông rất đa dạng. Từ năm 1881 ông cho ra thị trường khoảng 5 triệu tấm thiệp mỗi năm.

MN- MN cũng đọc ở đâu đó viết rằng trong thời kỳ nội chiến ở Mỹ (1860-1865), Tổng thống Abraham Lincoln đã yêu cầu họa sĩ vẽ tranh biếm họa Thomas Nast vẽ ông già Noel cùng với lính liên bang để khuyến khích tinh thần của họ. Và hình ảnh ông già Noel yêu nước trong bộ trang phục màu đỏ xuất hiện trên mặt thiệp trở nên phổ biến từ đó. Rồi thiệp Giáng sinh cũng dần trở thành phương tiện để thể hiện ước nguyện của con người ở từng thời khắc khác nhau nữa.

BC- Đúng vậy MN. Chẳng hạn những năm 60-70, ở Mỹ xuất hiện loại thiệp với hình ảnh ông già Noel cưỡi hỏa tiễn thay vì cái xe do con tuần lộc truyền thống kéo, nhằm phản ánh sự đam mê ngành khám phá không gian của Mỹ. Cho nên  chỉ riêng ở Mỹ, mỗi năm có đến hơn 2 tỉ thiệp Giáng sinh với khoảng hơn 3,200 kiểu mẫu cùng nhiểu ngôn ngữ khác nhau được sử dụng. Một con số không lồ đấy!

HS- Chưa hết đâu, cùng với loại thiệp in, thiệp làm tay cũng trở nên thông dụng cùng với sự phát triển của handmade.Thiệp còn có gắn thêm chip điện tử có cả nhạc, vời những lời chúc tụng kèm theo nữa đấy, thật là đa dạng.

MN- Gần đây lại có computer và máy in tại nhà, nên MN thấy ai cũng tự làm ra những thiệp GS theo ý mình được, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, hội đoàn lại tạo ra thiệp riêng, trên ấy in hình gia đình hay cá nhân trông cũng rất dễ thương, với những lời chúc đặc thù cho từng trượng hợp nữa.

Thế còn sự tích cây thông GS thì thế nào hả anh BC.

BC- Đó cũng là đề tài rất hay, nhưng chúng ta hết giờ rồi, lần tới BC sẽ nói tiếp vậy.

No comments:

Post a Comment