Độc tài đảng trị luôn đưa đến tham nhũng tận răng. Chỉ có dân chủ đa nguyên với hệ thống kiểm soát quyền lực mới chống được tham nhũng. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Khi quan chức CSVN ra trước vành móng ngựa” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Càng gần tới Đại Hội thứ 13 đảng Cộng Sản Việt Nam, càng có nhiều quan chức cao cấp của đảng này nối nhau ra đứng trước vành móng ngựa và người dân có dịp nhìn vào hậu trường bẩn thỉu của guồng máy cai trị đất nước suốt mấy chục năm nay.
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, bộ sậu lãnh đạo của ba thành phố lớn nhất nước đã lần lượt tra tay vào còng với những tội danh gần giống nhau: vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Đó là Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Hà Nội; Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, cựu chủ tịch Đà Nẵng; Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch ở Sài Gòn… Đó còn là những quan chức cấp bộ, hoặc đã bị truy tố hoặc bỏ trốn khỏi nước như Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Công Thương; Hồ Thị Kim Thoa, thứ trưởng bộ này.
Đồng phạm với các quan chức là các “doanh nhân,” “nhà đầu tư” đầy thủ đoạn. Đó là Bùi Quang Huy, chủ công ty Nhật Cường ở Hà Nội, đã bỏ trốn; Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm” ở Đà Nẵng; Dương Thị Bạch Diệp và Lê Thị Thanh Thúy ở Sài Gòn.
Những trường hợp phạm tội này diễn ra ở các địa phương khác nhau, theo những tình tiết khác nhau nhưng có một kịch bản chung, phản ánh một hiện tượng phổ biến: câu kết giữa giới quan chức lãnh đạo chóp bu và những tay buôn đất ngoài thị trường để cùng rút ruột tài sản công, tùy tiện mua bán đổi chác các khu đất vàng ở đô thị cứ như là đất hương hỏa của tổ tiên chúng để lại.
Nhưng có lẽ vụ tập đoàn viễn thông MobiFone quốc doanh mua công ty truyền hình An Viên của ông Phạm Nhật Vũ với giá hơn 8,000 tỷ đồng (hơn $342 triệu) trong khi giá trị thực của công ty này chỉ khoảng 1,500 tỷ đồng (hơn $64 triệu) là trường hợp “mua đắt” nổi bật nhất, góp phần đẩy hai bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông là Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son vào nhà đá. Trong vụ này, riêng ông Son đã được “lại quả” tới $3 triệu. Bán rẻ hay mua đắt đằng nào nhân dân cũng bị thiệt đơn thiệt kép.
Sự câu kết giữa quan chức với gian thương để trục lợi từ tài sản công không phải là chuyện mới, không phải chỉ riêng có ở Việt Nam.
Ngay cả những nền dân chủ lâu đời và vững mạnh như Hoa Kỳ và các nước Tây Âu cũng không miễn nhiễm với chủ nghĩa tư bản bè phái nhưng chỉ trong các chế độ độc tài thì chủ nghĩa tư bản bè phái mới có môi trường thuận lợi để phát triển nhanh chóng và rộng khắp như giòi bọ trên cơ thể xã hội đã mục nát. Nguyên nhân nền tảng là chế độ độc tài thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo điều kiện cho giới quan chức chính quyền tự tung tự tác, mua đắt bán rẻ tùy ý miễn sao “vinh thân, phì gia” mà không phải chịu trách nhiệm giải trình trước cử tri.
Quan chức các nước độc tài chỉ phải chịu trách nhiệm trước “cấp trên,” mà cấp trên thì không khó mua chuộc bằng tiền, bằng rất nhiều tiền. Vì thế, chủ nghĩa tư bản thân hữu ở các nước độc tài thường có tính chất hệ thống, thấm đẫm từ trên xuống dưới guồng máy cầm quyền, lớn ăn theo lớn, nhỏ ăn theo nhỏ trên tấm lưng gầy còm của người đóng thuế.
Cũng có người lập luận, hiện tượng nhiều quan chức cao cấp nối nhau ra trước vành móng ngựa là dấu hiệu “lò đốt tham nhũng” của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng không chừa ai (!). Thật là ngây thơ và ảo tưởng. Cái “lò” của ông Trọng là bản sao của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mà Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện từ năm 2012 để loại trừ những đối thủ chính trị có khả năng tranh chấp với ông Tập.
Tham nhũng và trục lợi bè phái sinh ra từ lạm dụng quyền lực, cho nên để chống tham nhũng, ngăn chặn chủ nghĩa tư bản bè phái chỉ có một phương thức duy nhất là quyền lực phải bị kiểm soát. Sau nhiều trăm năm, nhiều cuộc cách mạng và nhiều xương máu, nhân loại đã đi đến kết luận là quyền lực chỉ có thể được kiểm soát bằng cơ chế tam quyền phân lập, trong đó hành pháp, lập pháp và tư pháp giám sát lẫn nhau dưới một chế độ thượng tôn pháp luật (rule of law), có nền báo chí tự do và xã hội dân sự phát triển.
Chừng nào Việt Nam vẫn còn loay hoay trong chế độ độc tài đảng trị, đảng đứng trên pháp luật, nắm cả hành pháp, lập pháp và tư pháp mà lại không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào, cương lĩnh của đảng có giá trị cao hơn hiến pháp như lời ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng thì chừng đó tham nhũng và chủ nghĩa tư bản bè phái còn có đất sống và lan tràn, không thể nào ngăn chặn được.
Sẽ có thêm hàng chục quan chức cao cấp khác nữa ra khóc lóc trước tòa nhưng cho dù như vậy, tình trạng của Việt Nam vẫn chưa thể tốt lên được.
Hiếu Chân
No comments:
Post a Comment