Wednesday, October 14, 2020

Chín người bỏ trốn tại Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc Hội vô can nhưng sao lại “có tật giật mình”?

Bình Luận

Trước thềm Đại Hội 13, sự rạn nứt nội bộ trong đảng CSVN càng rõ ràng hơn.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Kami với tựa đề: “Chín người bỏ trốn tại Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc Hội vô can nhưng sao lại “có tật giật mình”?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Trái với nhận định của một số nhà phân tích về tình hình nội bộ chính trường Việt Nam khi cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nắm trọn quyền lực, khi ngồi hai ghế tứ trụ quan trọng là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nước. Song kể từ tháng 6/2019, đến hẹn lại lên như thường lệ, những thông tin đấu đá về cuộc chiến phe nhóm chính trị trong nội bộ ban lãnh đạo đảng CSVN, đã bắt đầu được khởi động và xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội.

Ngày 23/9/2019 đài truyền hình Hàn Quốc MBC đưa tin, đã có chín người trong phái đoàn Quốc Hội Việt Nam thăm Hàn Quốc do bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã bỏ trốn ở lại nước này hồi tháng 12/2018. Tin cho biết thêm, phái đoàn này của bà Ngân có tổng cộng 162 người, trong đó có 20 Bộ trưởng và Thứ trưởng đi trên một máy bay chuyên cơ của Vietnam Airlines. Được biết, đây là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo Việt Nam tới Nam Hàn trong năm 2018 và là chuyến thăm đầu tiên tới Hàn Quốc của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Lâu nay có một số ý kiến cho rằng, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân là một nhân vật trung dung, không tham gia vào đấu đá nội bộ. Có lẽ những ý kiến tương tự như vậy là do người ta quên mất rằng, tại Hội nghị trung ương 7 – khóa 11 kết thúc hôm 11/5/2013, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Thiện Nhân dưới sự bảo trợ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ấy, đã vượt lên trên ông Nguyễn Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ là những thân tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để giành được 02 vé vào Bộ Chính trị. Điều đó cho thấy ảnh hưởng của ông Ba Dũng tuy có mờ nhạt hơn song vẫn còn tồn tại khá mạnh mẽ trong chính trường Việt Nam.

Mới nhất, ngày 25/9/2019, tại hội thảo khoa học Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, ông Lê Minh Thông Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, đã cho rằng, “Nếu bí thư do đại hội bầu, mọi thứ sẽ khác”. Theo đó, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội thấy rằng, cần tổng kết việc thí điểm đại hội Đảng bầu trực tiếp bí thư, để tiến tới bầu trực tiếp bí thư ở các đại hội, kể cả ở cấp cao nhất là Tổng bí thư. Nói một cách thẳng thẳng ra là, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Thông đã gián tiếp bác bỏ Quy hoạch hơn 200 nhân sự cao cấp vào diện Ủy viên Trung ương Đại Hội đảng CSVN nhiệm kỳ khóa XIII (2021-2026), đã trình Hội nghị Trung ương 9, của Tiểu Ban Nhân sự mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trưởng tiểu ban. Theo đánh giá chung của đa số đảng viên đảng CSVN cho rằng, “Quy hoạch hơn 200 nhân sự” về thực chất là một tiểu xảo trong việc thao túng nhân sự của Tổng Bí thư Trọng và tay chân của ông ta trong việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo cao cấp. Đáng chú ý, ông Thông đã đề nghị mọi người cùng suy nghĩ để hoàn thiện, việc có nên bầu cử trực tiếp chức vụ bí thư ở các đại hội, kể cả ở cấp cao nhất là Tổng bí thư trong kỳ Đại hội đảng khóa 13 sắp tới. Đây là một sự thách thức quyền lực đối với người đứng đầu đảng CSVN ông Nguyễn Phú Trọng.

Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao thông tin 9 người Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc, vô tình hay hữu ý đến bây giờ mới được truyền thông Hàn Quốc đề cập tới? Và tại sao ông Tư Sang, một cựu lãnh đạo cấp cao của đảng CSVN, ngay sau sự kiện này đã phát biểu nhận xét về Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi cho rằng, “chỉ có mỗi đoàn chuyên cơ cũng không quản được thì còn làm được việc gì?”. Nếu biết rằng, thông thường ở các nước có tự do báo chí như Hàn Quốc thì bạn có thể bỏ tiền để nhờ họ đăng tải những tin tức tương tự như vậy. Điều đó không loại trừ khả năng, có bàn tay nhem nhuốc nào đó đã nhúng vào scandal này của bà Ngân.

Đáng chú ý, sự việc Trợ lý Chủ tịch Quốc hội thấy rằng, cần tổng kết việc thí điểm đại hội Đảng bầu trực tiếp bí thư, để tiến tới bầu trực tiếp bí thư ở các đại hội, kể cả ở cấp cao nhất là Tổng bí thư, đã xảy ra ngay sau vụ việc đài truyền hình MBC của Hàn Quốc hôm 23/9/2019 đưa tin, đã có chín người trong phái đoàn Quốc Hội Việt Nam do bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu bỏ trốn ở lại nước này hồi tháng 12/2018. Đã không ít người đã đặt dấu hỏi về tương lai chính trị của bà Ngân sẽ ra sao trong thời gian sắp tới?

Đây có lẽ là lần đầu tiên, thể hiện rõ nét sự bất đồng quan điểm (mâu thuẫn) giữa Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Giữa lúc mâu thuẫn giữa Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Trọng cũng ngày càng bị khoét sâu hơn khi ngày khai mạc Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 đang đến gần.

Nội bộ cao cấp đảng CSVN lại một lần nữa hình thành thế chân vạc của Tam Quốc. Tranh chấp, đấu đá quyền lực trong đảng sẽ có nhiều chuyện để xem.

Kami

No comments:

Post a Comment