Ngoan cố cưỡng bách dân tộc Việt Nam tiến nhanh tiến mạnh lên một thiên đường mù xã hội chủ nghĩa độc tài độc đảng là một điều phi lý và một tội ác chống dân tộc.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Nguyên Đại với tựa đề: “Không thể nào…” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ngày 6-10-2020, hội thảo về nhân quyền lần thứ 24 giữa Hoa Kỳ và Việt nam được tổ chức. Ngay trước khi cuộc hội thảo kết thúc, trong đêm 6-10-2020, công an CSVN bắt cô Phạm Đoan Trang, người thường xuyên chỉ trích các vi phạm nhân quyền của đảng CSVN, đặc biệt gần đây trong vụ Đồng Tâm. Cô Trang bị bắt theo điều khoản: Tuyên truyền, phát tán tài liệu chống nhà nước…, theo Điều 117, bộ luật hình sự của đảng CSVN 2015. Điều khoản này hình sự hóa các chỉ trích về đường lối cai trị độc tài của đảng trong việc điều hành đất nước.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị bắt cách đây một năm, bị buộc “tội’’ theo điều khoản nói trên, hiện chưa rõ tin tức, như người viết đã đề cập gần đây trong bài “Ông Tiến sĩ nào phải bị bắt”. Các tù nhân lương tâm, những nhà đối kháng bị bắt theo điều luật này “coi như” những tội phạm hình sự. Thế là, nhà nước “ta” “coi như” không có tù nhân chính trị.
Một cách đơn giản nhất, nhân quyền bao gồm việc được nói, viết, trình bày những điều mà mình suy nghĩ, đặc biệt là đối với việc làm bất công, thiếu minh bạch, gian dối của các viên chức trong bộ máy nhà nước. Đàn áp nhân quyền là bắt bớ, giam giữ, cách ly, tra tấn, thậm chí thủ tiêu những người chỉ trích, hay có tiếng nói không cùng quan điểm với đảng cai trị.
Nói theo cách dễ hiểu nhất, loài vật khi bị đau còn cất tiếng bi thương. Con người bị trấn lột hàng ngày khi đi ra đường, mất đất, mất nhà, giam cầm, tra tấn… nhưng buộc họ phải im lặng, đó là điều trái với luật tự nhiên, là điều không thể nào. Vì vậy việc bắt giữ, cách ly những tiếng nói bất đồng, không làm cho sự phản kháng dịu đi; trái lại chỉ chứng tỏ sự tối tăm, thất bại và bế tắt của nhà cầm quyền.
Có hai điều đã quá cũ, nhưng lẽ ra bộ máy cai trị của đảng cần phải “nghiên cứu”, chứ không phải là việc thể hiện “cơ bắp”; không phải những nụ cười cầu tài vì được quyền lực như ý, hay những bộ mặt méo xệch khi bị thất sủng.
Thứ nhất: Không có một nhà nước nào trong lịch sử con người có thể tồn tại bằng cách tiêu diệt những tiếng nói bất đồng. Lịch sử ngàn năm của con người đã chứng kiến sự xóa sổ của chế độ nô lệ, nơi mà chủ nhân có thể giết chết nô lệ bất cứ khi nào họ muốn. Hitler dù đã tổ chức một đội ngũ hàng triệu đảng viên trung kiên, trấn áp mọi tiếng nói đối kháng, cuối cùng cũng đã bị lịch sử nghiền nát.
Thứ hai: Ba mươi năm trước, toàn bộ khối CS Đông Âu và Liên Xô sụp đổ không phải vì vũ khí của Đồng Minh. Các chế độ đó sụp đổ vì sự bất bình của dân chúng đối với đảng cai trị ở những đất nước đó. Bộ máy cai trị của đảng CSVN không thể nào là ngoại lệ của lịch sử nhân loại. Người cộng sản không thể đi ngược lại quy luật tự nhiên.
Nhà nước ở các nước tự do không làm điều gì phức tạp. Họ chấp nhận đối lập và đặt ra luật “chơi” công bằng và minh bạch. Vậy đó, mà chỉ hơn hai trăm năm lập quốc, họ trở thành cường quốc số một hành tinh. Tháng sau, họ có bầu cử, và cho dẫu có như thế nào thì đất nước họ cũng bình yên và tiếp tục phát triển; bởi duy trì đối lập là lịch sử bình yên và phát triển trên đất nước của họ.
Những điều viết ở đây dường như có thể hiểu được đối với một học sinh tiểu học, bởi nó đơn giản hơn chuyện ngụ ngôn ở nước Nga mà “quý vị” vừa đưa vào chương trình sách giáo khoa lớp Một năm nay.
Sẽ là một điều không thể nào, nếu cho rằng, “quý vị” đang khăn áo đi dự Hội nghị Trung ương vào những ngày này, chưa từng được nghe những điều vừa đề cập ở trên hoặc tương tự như vậy. Quý vị chỉ không muốn hiểu, bởi vì toàn bộ tâm lực của quý vị đặt ở chỗ tranh giành và duy trì quyền lực.
Quý vị nhắm mắt và lao vào cơn bão quyền lực, cho đến khi bị chính đồng chí của quý vị tiêu diệt hoặc bị cầm tù, hoặc bị nhân dân chà đạp, nguyền rủa một ngày không xa. Quý vị đang đi trên con đường mang tên “Không Thể Nào”, và ngược với con đường tự nhiên của nhân loại.
Nguyên Đại
No comments:
Post a Comment