Kính thưa quý thính giả, vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, đất nước VN sản sinh một nhà quân sự có tài kinh bang tế thế, và cũng là một nhà thơ nổi tiếng, được giới văn đàn xem là nhân vật kiệt xuất. Nhưng quan trọng hơn, ông là một kẻ sĩ có tư tưởng tích cực nhập thế và quyết cống hiến cuộc đời mình cho đất nước.
Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Uy Viễn Tướng Quân Nguyễn Công Trứ” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
“Vòng trời đất, dọc ngang, ngang dọc,
Nợ tang bồng, vay trả trả vay.
Chí làm trai, nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức, vẫy vùng trong bốn bể.”
Đó là 4 câu thơ theo thể “hát nói” mang khí phách hào hùng của cụ Nguyễn Công Trứ. Và một số câu khác trong bài “Kẻ Sĩ” của Cụ như sau:
“Cầm chính đạo, để tịch tà, cự bí,
Hồi cuồng lan, nhi chướng bách xuyên.
Rồng mây khi gặp hội, ưa duyên,
Đem quách cả, sở tồn làm sở dụng.
Trong lang miếu, ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy, rạch mũi can tương.
Làm sao cho bách thế lưu phương,
Trước là sĩ, sau là khanh tướng.”
Nguyễn Công Trứ tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, sinh ngày 19/12/1778 tại làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Nguyễn Công Tấn, đậu Cử nhân năm 24 tuổi, làm Tri huyện Quỳnh Côi, về sau làm Tri phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình.
Khi quân Tây Sơn ra Bắc chiếm thành Thăng Long, Nguyễn Công Tấn đứng lên khởi nghĩa cần vương nhưng không thành nên ông đưa gia đình về quê dạy học. Triều đình Tây Sơn mấy lần mời ông ra làm quan nhưng ông đều từ chối.
Mẹ Nguyễn Công Trứ là con gái quan Quản nội thị Cảnh Nhạc Bá, người xã Phụng Dực, huyện Thượng Phúc, Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội).
Gia đình Nguyễn Công Trứ có 6 anh em, gồm 3 trai, 3 gái. Trong số con gái có một người rất thông minh, giỏi thơ văn, được gọi là Năng Văn nữ sĩ. Năm 19 tuổi, chồng chết, bà nhất định không tái giá, được vua Minh Mạng ban danh hiệu “Trinh tiết khả phong”.
Từ thuở nhỏ, Nguyễn Công Trứ đã sống trong cảnh nghèo, nhờ quyết chí học hành nên đến năm 1819 thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan.
Năm 1820, Nguyễn Công Trứ giữ chức Hành Tẩu ở Quốc sử quán. Sau đó liên tiếp giữ các chức vụ Tri huyện Đường Hào, Hải Dương (1823), Tư nghiệp Quốc tử Giám (1824), Phủ thừa phủ Thừa Thiên (1825), Tham tán Quân vụ, thăng Thị lang Bộ hình (1826).
Năm 1828, Cụ được thăng Hữu tham tri Bộ hình, sung chức Dinh điền sứ, chuyên việc khai khẩn đất hoang.
Năm 1832, Cụ được bổ nhiệm chức Bố Chánh sứ Hải Dương, thăng Tham tri Bộ binh, Tổng đốc tỉnh Hải An.
Sau nhiều thăng trầm trên quan lộ, năm 1845 Cụ làm Chủ sự Bộ hình. Năm 1846, Cụ giữ chức Quyền Án sát Quảng Ngãi và năm 1847, được thăng làm Phủ doãn phủ Thừa Thiên.
Năm 1848, Cụ được vua Tự Đức cho về hưu.
Do chính sách hà khắc của nhà Nguyễn dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng, nên giặc giã liên tiếp xảy ra. Dù là quan văn nhưng cụ Nguyễn Công Trứ phải nhiều lần cầm quân dẹp loạn.
Năm 1827, Cụ dẹp loạn Phan Bá Vành ở Nam Định.
Năm 1833, Cụ dẹp loạn Nồng Văn Vân ở Tuyên Quang.
Năm 1835, Cụ dẹp giặc Khách và sau đó có công rất lớn trong cuộc chiến Việt – Xiêm (1841-1845). Đến năm 1858, khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, tuy đã 80 tuổi nhưng Cụ vẫn cố xin vua cho đi đánh giặc.
Cụ Nguyễn Công Trứ mất ngày 14/11/1859, hưởng thọ 81 tuổi.
Trong thời gian làm quan, cụ Nguyễn Công Trứ có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh ra các huyện Kim Sơn (nay thuộc tỉnh Ninh Bình), Tiền Hải (nay thuộc tỉnh Thái Bình) vào những năm cuối thập niên 1820.
Cụ cũng lập trường học và thương xã ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và phát triển kinh thương. Những hoạt động của Cụ trong lãnh vực kinh tế được dân chúng các vùng Kim Sơn và Tiền Hải ghi nhớ. Tại nhiều nơi trong hai vùng này đều có đền thờ Nguyễn Công Trứ để tưởng nhớ công ơn của một vị quan rất thanh liêm chính trực.
* * *
Nhắc đến cụ Nguyễn Công Trứ, giới văn đàn thường nhắc đến thi văn của Cụ, nhưng trên hết vẫn là tư tưởng “trung quân ái quốc” và khí phách lỗi lạc của một sĩ phu nước Việt. Cụ từng “lên voi xuống chó”, từ một vị quan lớn bị cách chức, bị đày đi làm lính thú ở tiền đồn heo hút. Nhưng dù làm quan hay làm lính, trong bất cứ cương vị nào, Cụ cũng vẫn quyết tâm đóng góp sức mình cho đất nước, được thể hiện qua rất nhiều bài thơ gây xúc động lòng người.
Mảnh đất Thái Bình là nơi Cụ ra đời và cũng là nơi ghi đậm dấu ấn mở mang bờ cõi bằng cách đắp đê lấn biển, mang lại trù phú và ấm no cho người dân.
Thế nhưng, không chỉ là một quan văn có tài kinh bang tế thế, Nguyễn Công Trứ còn là một danh tướng với nhiều chiến công dẹp trừ phiến loạn. Cụ cũng chưa bao giờ thua một trận nào, kể cả những năm giao chiến khốc liệt giữa 2 nước Việt – Xiêm trên lãnh thổ Cam Bốt.
Mặc dù triều đại nhà Nguyễn bị phê phán khá nặng nề vì thực dân Pháp đô hộ, nhưng vẫn có nhiều điểm sáng chói hơn là đảng CSVN đã hèn nhát, dâng hiến hàng loạt đất đai và biển đảo cho Tàu Cộng phương Bắc.
Chính vì thế, Uy Viễn tướng quân Nguyễn Công Trứ với tấm lòng thành qua những câu thơ đầy ngạo nghễ, xứng đáng được con cháu lập đền thờ để vinh danh một kẻ sĩ tận tụy suốt đời vì dân vì nước.
No comments:
Post a Comment