Sunday, October 25, 2020

Tin Tức: Chủ Nhật 25.10.2020

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Hương Thu và Nguyên Khải

1/ ÔNG NGUYỄN MINH PHƯƠNG ĐƯỢC PHÓNG THÍCH TRƯỚC THỜI HẠN

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã phóng thích ông Michael  Nguyễn Minh Phương, công dân Hoa Kỳ gốc Việt sau khi giam giữ ông hơn 2 năm qua.

Ông Phương  bị bắt vào đầu tháng 7 năm 2018 cùng với hai nhà hoạt động Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Phi Long với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự. Ông Phương bị kết án 12 năm tù giam và sẽ bị trục xuất sau khi thi hành án. Riêng hai ông Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Phi Long bị kết án lần lượt 10 năm và 8 năm tù giam.

Ông Phương đã được nhà cầm quyền CSVN phóng thích ngày 22.10 và trở về Hoa Kỳ, các ông Bình và Long vẫn đang bị giam giữ tại Việt Nam.

Cả 3 bị cáo buộc thành lập nhóm “Quốc nội quật khởi” nhằm lật đổ  chế độ CS bằng cách mua sắm vũ khí, tổ chức biểu tình, chuẩn bị thức ăn và nơi ẩn trốn…  

Sau khi ông Nguyễn Minh Phương bị tuyên án và giam giữ, nhiều nghị sĩ Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối vụ bắt giữ và kết án tù ông Michael Nguyễn của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ gây sức ép lên phía Việt Nam để trả tự do cho ông.

2/ DOANH NGHIỆP XUẤT CẢNG TÔM LỚN NHẤT VIỆT NAM PHẢN ĐỐI VIỆC BỊ HOA KỲ ÁP THUẾ BÁN PHÁ GIÁ

Vào thứ Sáu ngày 23/10, Công ty Thủy sản Minh Phú, nhà xuất cảng tôm lớn nhất Việt Nam, ra thông cáo phản đối việc Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ (CBP) áp thuế chống phá giá lên sản phẩm tôm của doanh nghiệp này với mức thuế giống tôm Ấn Độ.

Trước đó 10 ngày, CBP dựa theo Đạo luật Thực thi và Bảo hộ (EAPA) công bố kết luận sản phẩm tôm đông lạnh xuất cảng của Minh Phú vào thị trường Hoa Kỳ phải chịu thuế chống phá giá giống tôm của Ấn Độ. CBP cho rằng Tập đoàn Minh Phú đã không cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh nguồn gốc tôm Việt Nam khi xuất cảng sang Hoa kỳ. 

Để phản đối, Minh Phú cho rằng CBP đã nhận định chưa chính xác về hệ thống tôm xuất cảng và tôm nguyên liệu Việt Nam của công ty Minh phú. Doanh nghiệp này cũng khẳng định đã ngừng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu Ấn Độ từ cuối tháng 7 năm ngoái, và cho biết sẽ đưa lên Tòa án Thương mại Quốc tế nếu kháng cáo với CBP không mang lại kết quả.

3/ CHÂU Á TRỞ THÀNH KHU VỰC THỨ HAI CÓ HƠN 10 TRIỆU NGƯỜI NHIỄM CÚM VŨ HÁN

Tính đến thứ Bảy ngày 24/10, châu Á có số người nhiễm vi khuẩn cúm Vũ Hán mới vượt quá 10 triệu người, là khu vực đứng thứ hai trên thế giới. Tình trạng này xảy ra khi các bệnh nhân tiếp tục tăng ở Ấn Độ,  trong khi ở các nước khác, số người nhiễm tăng chậm lại hoặc giảm mạnh.

Chỉ đứng sau châu Mỹ Latinh, châu Á chiếm khoảng 1/4 trong tổng số 42,1 triệu người nhiễm coronavirus trên toàn cầu, và khoảng163.000 người chết, tương đương 14% tổng số người chếtvì dịch virus Vũ Hán trên toàn cầu.

Ở Đông Nam Á, vào tuần trước, Indonesia đã vượt qua Philippines, trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 370.000  người  nhiễm bệnh.

4/  HOA KỲ ĐƯA TUẦN DUYÊN ĐẾN THÁI BÌNH DƯƠNG ĐỂ CHỐNG CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG CỘNG Ở BIỂN ĐÔNG

Vào thứ Sáu ngày 23.10, Hoa Kỳ thông báo gửi tàu tuần duyên đến vùng Thái Bình Dương để chống lại các hoạt động “gây mất ổn định” của Trung Cộng tại các vùng đánh cá đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Theo tin của AFP, cố vấn an ninh quốc gia của Toà Bạch Ốc, ông Robert O’Brien, đưa ra thông báo cáo buộc Bắc Kinh “đánh bắt trái phép” và “sách nhiễu” các tàu cá của những nước láng giềng, đồng thời thông báo là lực lượng tuần duyên đang được đưa đến khu vực tây Thái Bình Dương.

Ông cho biết thêm là lực lượng tuần duyên, gồm các tàu tuần tra lớp Sentinel, trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, dự kiến sẽ đặt thường xuyên tại vùng lãnh thổ Samoa của Hoa Kỳ, nằm ở vùng nam Thái Bình Dương.

Các tàu tuần tra  sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh hàng hải, nhất là hỗ trợ cho các ngư dân. 

5/  BULGARIA KÝ THỎA THUẬN 5G  VỚI HOA KỲ

Theo chân các nước Balkan khác, ngày thứ sáu 23/10, Bulgaria đã ký một thỏa thuận với Hoa Kỳ về chương trình thiết lập an ninh mạng không dây tốc độ cao, có tên là ‘ mạng lưới sạch’. Như vậy, Bulgaria coi  như đã loại trừ các nhà cung cấp  Trung Quốc.

Đây là một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ, đang dẫn đầu một chiến dịch trên khắp châu Âu và các nơi khác, nhằm loại trừ hãng công nghệ khổng lồ Huawei và các công ty Trung Quốc khác trong các mạng 5G.  

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sofia cho biết: Bulgaria cùng với  Bắc Macedonia và Kosovo là hai quốc gia láng giềng đã tạo một liên minh ngày càng đông đảo gồm các quốc gia và công ty cam kết bảo vệ mạng 5G của họ khỏi các nhà cung cấp không đáng tin cậy.

6/ HOA KỲ TRỪNG PHẠT VIỆN NGHIÊN CỨU CỦA NGA VÌ DÍNH LÍU ĐẾN PHẦN MỀM NGUY HIỂM 

Vào thứ Sáu ngày 23.10, Hoa Thịnh Đốn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương về Hóa học và Cơ học của Nga vì cơ quan này dính líu đến việc phát triển một chương trình máy tính nguy hiểm có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp. 

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cáo buộc rằng viện này được chính phủ Nga hậu thuẫn, phải chịu trách nhiệm về việc “xây dựng các công cụ chuyên biệt cho phép tấn công” vào một cơ sở hóa dầu không nêu tên ở Trung Đông hồi năm 2017.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng cho biết rằng hồi năm ngoái, người ta phát hiện ra những kẻ tấn công đứng sau phần mềm độc hại này đã rà soát và thăm dò ít nhất 20 công ty điện lực ở Hoa Kỳ để tìm các lỗ hổng.

Các chuyên gia coi những động thái này là lời cảnh báo của Hoa Kỳ tới các cường quốc thù địch rằng chớ có can thiệp vào cuộc bầu cử ngày 03.11.

Nga bác bỏ cáo buộc và gọi động thái của Hoa Kỳ là bất chính.

No comments:

Post a Comment