Sunday, October 18, 2020

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 18.10.2020

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quý thính giả, sau đây phóng viên Hoàng ÂnTrường An sẽ điểm lại những sự kiện nỗi bật tại Việt Nam trong tuần qua. Xin nhường lời cho chị Hoàng Ân . 

HA: Trước hết HA xin kính chào quý thính giả của đài PTDLSN và chào anh TA

TA: TA cũng xin gửi lời chào đến quý thính giả của đài và chào chị HA

HA: Thưa anh TA, HA xin được mở đầu với tin về tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang tuyệt thực trong tù để yêu cầu bạo quyền CSVN hủy bỏ thời gian cầm tù còn lại trong bản án 16 năm của ông. Anh TA có thể nói rõ hơn về việc này được không ạ

TA: Vâng, thưa chị, theo tường thuật của gia đình ông Thức, vào ngày 8/10 vừa qua, ông Thức đã gọi điện thoại về nhà, cho biết là ông đang tuyệt thực sang ngày thứ 3 để yêu cầu hủy bỏ thời gian tù còn lại. Theo phân tích của gia đình ông Thức, Chiếu theo Khoản 3 Điều 109 bộ luật hình sự mới năm 2015 thì hành vi của ông Thức chỉ dừng lại ở hành động “chuẩn bị phạm tội” với mức hình phạt tối đa là 5 năm, trong khi ông Thức đã ở tù hơn 11 năm rồi.

để trợ giúp lời yêu cầu của ông Thức, Vào hôm Chủ nhật 11/10, gia đình ông Thức đã phát động 1 chiến dịch pháp lý trên mạng xã hội kêu gọi những ủng hộ viên gửi 2 lá thư cho tòa án tối cao và hội đồng thẩm phán, nội dung yêu cầu hủy bỏ 5 năm tù còn lại trong bản án 16 năm của ông.

HA: Anh TA có thể tóm tắt đôi điều về tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức được không ạ

TA: Vâng thưa chị, Trần Huỳnh Duy Thức là một doanh nhân rất thành công, khi còn trẻ đã làm tổng giám đốc doanh nghiệp Công Nghệ Thông Tin. Năm 2008, ông Thức chuyển sang đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền VN với nhiều bài viết và bình luận về lãnh đạo cũng như nền chính trị Việt Nam trên mạng internet. Ông Thức bị bạo quyền CSVN bắt giam vào năm 2010 cùng với các nhà đấu tranh Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ”. Trước áp lực quốc tế, bạo quyền Hà Nội nhiều lần đề nghị ông Thức lưu vong sang Mỹ, nhưng ông nhất quyết từ chối vì muốn ở lại quê nhà để tiếp tục đấu tranh.

HA: Vâng, thưa anh TA, tuần qua, các tỉnh miền trung đã phải hứng chịu những cơn mưa to gió lớn do các cơn bão gây ra. Tình hình những khu vực bị bão lụt như thế nào vậy anh?

TA: Thưa chị, Vào tuần trước, sau mấy ngày mưa lớn, các tỉnh miền trung lâm vào đợt lũ lụt đầu tiên. Cho đến hôm thứ Bảy 10/10, nước lũ sắp sửa rút thì bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 6, một lượng nước mưa hơn 300 mm lại trút xuống, cộng với việc các đập thủy điện xả lũ ồ ạt, khiến cho nhiều tỉnh miền trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi, bị chìm sâu dưới nước. Tiếp theo là cơn bão số 7, còn có tên là bão Nangka, dù suy yếu khi tiến vào đất liền nhưng cũng mang theo các cơn mưa lớn gây ngập lụt tại một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.

Mưa lũ đã làm sập đổ hàng chục ngàn căn nhà, hơn 150 ngàn căn nhà bị ngập, hàng trăm mẫu ruộng lúa bị nhấn chìm, hơn 3.000 mẫu nuôi thuỷ sản bị thiệt hại, hơn 445.000 gia súc, gia cầm bị chết hoặc bị cuốn trôi, hơn 33.000 mét đường giao thông ở địa phương bị sạt lở và hư hỏng. Các thành phố lớn như Huế, Hội An, Tam Kỳ và Quảng Ngãi, đều bị ngập lụt do các con sông đều vượt qua mức báo động cấp 3. Riêng tại Quảng Ngãi, hơn 50.000 người đã được di tản.

HA: Có thiệt hại về nhân mạng không anh TA?

TA: Thưa chị, theo thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến sáng thứ Sáu ngày 16.10, mưa lũ và lở đất ở nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam đã khiến hơn 60 người chết và 7 người mất tích.

Trong số những người bị chết có thiếu tướng Nguyễn Văn Man, phó tư lệnh quân khu 4, cùng 10 sĩ quan cấp tá và ông chủ tịch huyện Phong Điền. Dư luận đang đặt dấu hỏi tại sao đoàn công tác gồm toàn cán bộ trung & cao cấp do thiếu tướng Man dẫn đầu đi vào vùng lũ thay vì gửi đến đó những người lính có khả năng cứu hộ và đối mặt với hiểm nguy.

HA: Thưa anh TA, vào hôm thứ Ba 13/10, các không ảnh vệ tinh cho thấy là một tàu khảo sát của Trung Cộng, được hộ tống bởi một chiến hạm, đã tiến sâu vào hải phận Việt Nam, chỉ cách bờ biển miền trung khoảng 70 hải lý.  Anh có thể nói rõ hơn về việc này để cho quý thính giả của đài được tường tận không ạ

TA: Thưa chị, chiếc tàu khảo sát này tên là Shiyan-1, xuất phát từ đảo Hải Nam vào hôm thứ Hai 12/10 và tiến đến một vị trí ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi. Đến sáng thứ Tư 14/10, hai chiếc tàu Trung Cộng chỉ cách bờ biển tỉnh Bình Định khoảng 78 hải lý, tức hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Trong vòng hai năm qua, các hải đội Trung Cộng, núp dưới chiêu bài khảo sát và nghiên cứu đại dương, liên tục xâm nhập sâu vào hải phận của Việt Nam và các nước láng giềng.

Lực lượng hải cảnh hai nước Việt – Hoa vào năm ngoái cũng đã đối đầu suốt 5 tháng tại Bãi Tư Chính, một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Vào cuối năm ngoái, chiếc Shiyan-1 này cũng đã bị hải quân Ấn Độ xua đuổi khỏi hải phận của họ và bị tình nghi là đang tiến hành vẽ bản đồ quân sự ở vùng biển này.

HA: HA cũng nghe tin là mẫu hạm Ronald Reagan đã trở lại tuần tra trên Biển Đông phải không anh TA?

TA: đúng vậy, thưa chị. mẫu hạm Ronald Reagan của Mỹ với các chiến hạm hộ tống, đã quay trở lại Biển Đông vào hôm qua, thứ Năm 15/10, với mục đích bảo vệ quyền tự do hàng hải ở vùng biển này. Đây là lần thứ ba hải đội này mở cuộc tuần tra tại Biển Đông trong năm nay. Trong đợt tuần tra lần này, hải đội này sẽ tiến hành các cuộc diễn tập an ninh hàng hải và phối hợp tác chiến giữa các binh chủng.

Phó đô đốc Tư lệnh Hải đội Reagan, ông George Wikoff, cho biết là Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thể hiện sự cam kết của Hoa Kỳ là bảo vệ sự ổn định và quyền tự do hàng hải ở các vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép.

No comments:

Post a Comment