Saturday, October 10, 2020

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, một nhà văn lỗi lạc của nước Việt ở thế kỷ 16, được người dân kính nể gọi là Trạng. Cụ được người đời nhớ đến nhờ tư cách đạo đức, biệt tài về thơ văn, giỏi về Dịch lý, Thuật số và còn có tài tiên tri về các sự kiện lịch sử, đặc biệt nhất là tiên đoán mấy trăm năm sau tên nước Đại Việt sẽ đổi thành Việt Nam. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm”  của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái

Nguyễn Bỉnh Khiêm tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Cha là Giám sinh Nguyễn Văn Định, mẹ là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của Tiến sĩ Nhữ Văn Lan, Thượng Thư bộ Hộ triều vua Lê Thánh Tông. Bà Thục là một phụ nữ học cao hiểu rộng, lại giỏi về Thuật số và Tướng số, bà nghe lời cha kết duyên với ông Nguyễn Văn Định, người được xem là có tướng sinh quý tử.

Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm được 4 tuổi đã được mẹ dạy kinh thư. Đến tuổi trưởng thành, nghe tiếng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là một đại thần giữ chức Thượng Thư triều Lê, nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vào tận Thanh Hóa để bái sư và trở thành đồ đệ tâm đắc. Trước khi qua đời, Lương Đắc Bằng trao lại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm bộ sách quý về Dịch học có tên là “Thái Ất Thần Kinh và ủy thác con trai cho Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy dỗ.

Đến năm 1535, đời Mạc Thái Tông, thời thịnh trị và vương đạo nhất của nhà Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng Nguyên năm 44 tuổi, được bổ nhiệm làm Đông Các Hiệu Thư (chuyên việc soạn thảo, chỉnh sửa các văn thư triều đình), sau đó giữ các chức vụ: Tả Thị Lang bộ Hình, Tả Thị Lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ. Được phong tước Trình Tuyền Hầu, sau đó thăng lên Trình Quốc Côngnên được dân gian gọi là Trạng Trình.

Gần 20 năm từ năm 53 tuổi tới 73 tuổi, Trạng Trình tuy không ở tại kinh đô nhưng vẫn lo việc triều chính, lúc bàn quốc sự, lúc theo vua đi dẹp loạn, vua Mạc Thái Tông xem Cụ là Quân sư. Những việc trọng đại nhà vua sai sứ giả về hỏi, có khi đón Cụ lên kinh để luận bàn, xong việc đưa Cụ trở về làng Trung Am.

Cụ có nhiều môn đệ tiếng tăm lừng lẫy như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ và Trương Thì Cử. Những người này có trình độ uyên bác và đều là các bậc danh thần trong thời Trung Hưng.

Ngoài 73 tuổi, Cụ mới chính thức treo ấn từ quan, về quy ẩn nơi quê nhà và mất năm 1585, hưởng thọ 94 tuổi.

***

Trong sử Việt, nhà tiên tri đầu tiên là Thiền sư Vạn Hạnh với những câu sấm tiên đoán nhà Lý xuất hiện. Hơn 500 năm sau, nước Việt có Trạng Trình là nhà tiên tri thứ hai.

Trạng Trình còn có bút hiệu là Bạch Vân cư sĩ, được các môn đồ tôn danh hiệu Tuyết Giang Phu Tử, là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị nhất trong lịch sử cũng như văn hóa Việt vào thế kỷ 16. Cụ truyền lại nhiều câu sấm ký gọi chung là Sấm Trạng Trình. Về sau này, đạo Cao Đài đã phong thánh cho Cụ và suy tôn là Thanh Sơn Đạo sĩ.

Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến hai chữ Việt Nam thông qua câu Sấm“Việt Nam khởi tổ xây nền”. Tên nước lúc Cụ tiên tri là Đại Việt, 300 năm sau đổi thành Nam Việt và sau đó đổi thành Việt Nam.

Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm chịu ảnh hưởng Phật giáo trong sáng tác và đời sống. Sáng tác của cụ rất phong phú, gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Về thơ chữ Hán có “Bạch Vân am thi tập”, khoảng một ngàn bài. Và thơ chữ Nôm, có “Bạch Vân quốc ngữ thi tập”, hiện còn lại 180 bài. Cụ còn viết bài Độc Phật kinh hữu cảm, có 2 câu chót như sau:

Trong lòng ruộng đất bỏ hoang,
Cắt gai nhổ cỏ, hãy trồng giác hoa.

Riêng bài thơ “Cự ngao đới sơn” nằm trong tập thơ chữ Hán “Bạch Vân am thi tập mà Cụ viết cách đây gần 500 năm, được giáo sư Đinh Gia Khánh dịch thơ. Gần đây, bài thơ này được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Đặc biệt từ khi Tàu Cộng lộ rõ tham vọng xâm lấn biển Đông, chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, vốn được sử liệu các triều đại Trung Hoa, Việt Nam và nhiều quốc gia Tây phương thừa nhận.

Hai câu thơ trong bài thơ này có hàm ý nói về tầm chiến lược trên biển Đông:

“Vạn lý Đông minh quy bả ác,

Ức niên Nam cực điện long bình”

Đặc biệt 2 câu kết của bài thơ như một lời tự day dứt, trăn trở, một ý chí và là quyết tâm của tác giả:

“Ngã kim dục triển phù nguy lực,

Vãn khước quan hà cựu đế thành”.

Tạm dịch: “Ta muốn thi thố phò nguy. Lấy lại sông núi thành xưa”.

Nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích, bài thơ nếu không phải “sấm ký” thì cũng là lời nhắn nhủ, lời hiệu triệu xuất phát từ tận đáy lòng với tính dự báo chiến lược đi trước mấy thế kỷ, dụng ý dành cho hậu thế nhiều đời sau chứ không phải chỉ riêng ở thế kỷ 16.

Gần 500 năm sau khi Trạng Trình để lại sấm ký, dân tộc Việt lại trực diện với những hiểm nguy. Giặc Tàu đã xâm chiếm lãnh thổ và biển đảo, tập đoàn lãnh đạo CSVN đã lộ rõ bộ mặt “hèn với giặc, ác với dân”, đạo đức xã hội băng hoại đến mức tột cùng, tiếng than oán đang dậy lên ở khắp mọi nơi, thời kỳ Bắc thuộc mới sẽ không tránh khỏi nếu con dân nước Việt không “đồng tâm hiệp lực” vùng lên tranh đấu giải thể chế độ cộng sản đang dâng hiến mảnh giang sơn gấm vóc cho bọn Tàu Cộng phương Bắc./.

No comments:

Post a Comment