Sunday, October 18, 2020

Tin Tức: Chủ Nhật 18.10.2020

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Hương Thu và Nguyên Khải

1/  NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT BIỂU TÌNH VỀ NHÂN QUYỀN KHI TÂN THỦ TƯỚNG CHUẨN BỊ THĂM VIỆT NAM

Nhiều người Việt đã tụ tập trước dinh Thủ tướng Nhật ở Tokyo vào tối thứ Sáu ngày 16.10 để biểu tình và tuyệt thực để phản đối các vụ vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền CS Việt Nam.

Những người biểu tình giương cao nhiều khẩu hiệu và hình ảnh của một số tù nhân lương tâm như Trịnh Bá Phương, Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Đình Lượng – những người mới bị bắt hoặc đã bị kết án với những bản án nặng nề, chỉ vì thực hiện các quyền cơ bản của con người, có ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà cộng sản Việt Nam đã ký kết.

Cuộc biểu tình được tiến hành khi ông Suga Yoshihide, tân thủ tướng Nhật đang chuẩn bị chuyến thăm nước ngoài đầu tiên, mà điểm tới là Hà Nội vào ngày 18/10. Những người biểu tình mong muốn chính phủ Nhật Bản đưa vấn đề nhân quyền trong quan hệ song phương để buộc nhà nước CS Việt Nam phải cải thiện quyền con người.

Hiện Nhật Bản là nước đứng đầu thế giới về cung cấp các khoản vốn hỗ trợ phát triển ODA, cung cấp nhiều tỷ Mỹ kim cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.

2/  CÔNG TY CỦA EM RỂ BỘ TRƯỞNG CÔNG AN TÔ LÂM VẬN CHUYỂN MA TUÝ TỪ BERLIN VỀ HÀ NỘI

Nhật báo Đức TAZ đưa tin em rể của Bộ trưởng Công an Tô Lâm có liên quan hoặc có thể đã bao che cho vụ buôn lậu loại ma túy tổng hợp (Ecstasy) từ Berlin về Hà Nội.

Sự việc bắt đầu bằng một vụ bắt giữ ở Hà Nội và nghi can khai rằng số ma túy tổng hợp đến từ Công ty vận chuyển TK Consulting & Service ở Berlin. Gần đây công ty này đã gửi 40 đến 45 kg ma túy trong các hộp mỹ phẩm hay các hộp sữa bột.

Báo chí Việt Nam đưa tin thuốc lắc được tìm thấy trong một số bưu kiện hàng hóa đến từ Đức vào từ giữa tháng Bảy đến tháng 9, nhưng số lượng nhỏ hơn, và 6 người đã bị bắt. Giám đốc điều hành công ty này là em rể của ông Tô Lâm.  

Người phát ngôn của Sở Điều tra Hải quan Berlin-Brandenburg xác nhận với tờ TAZ về việc khám xét công ty này vào ngày 3/8 sau khi nhận được đơn tố cáo.

3/  NGƯỜI DÂN THÁI LAN TIẾP TỤC BIỂU TÌNH BẤT CHẤP VÒI RỒNG CỦA CẢNH SÁT

Ngày 16/10  hàng chục nghìn người Thái tiếp tục biểu tình lần thứ hai ở thủ đô Bangkok kể từ khi phong trào phản đối chính phủ bùng lên vài tuần qua, với yêu cầu cải cách chính trị, bất chấp sắc lệnh khẩn cấp cấm tụ tập mới ban hành ngày thứ năm 15/10.

Cảnh sát đã dùng vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình, đa số họ là giới trẻ.  Một số người biểu tình cho hay cảnh sát đã sử dụng hơi cay, nhưng phía cảnh sát phủ nhận.

Hôm thứ Năm, chính phủ Thái đã cố gắng hạn chế phong trào biểu tình do sinh viên lãnh đạo bằng cách ban hành sắc lệnh khẩn cấp, cấm tụ tập hơn 4 người và bắt giữ khoảng 20 nhà hoạt động.

Một cuộc biểu tình rầm rộ khác dự trù sẽ được diễn ra vào lúc 16 giờ Bangkok, ngày 17/10.   

 4/  PHÁP CHẤN ĐỘNG SAU VỤ KHỦNG BỐ HỒI GIÁO CHẶT ĐẦU MỘT GIÁO VIÊN

Vụ chặt đầu giáo viên dạy Sử-Địa tại vùng ngoại ô Paris vào thứ Sáu ngày 16.10 đã khiến cả nước Pháp chấn động. Nạn nhân đã bị một thanh niên người Nga gốc Chechnya hạ sát vì đã ông cho học sinh xem các tranh biếm họa về đấng tiên tri Mohammed. 

Vụ án mạng xảy ra vào khoảng 17 giờ,  gần một trường trung học ở vùng Yvelines, ngoại ô Paris, nơi thầy giáo Samuel Paty đang dạy. Cảnh sát phát hiện thi thể bị chặt đầu của ông Paty. Hung thủ đã bị cảnh sát hạ sát ngay sau đó.

Theo các kết quả điều tra đầu tiên, khi giảng dạy về quyền tự do ngôn luận vào tuần trước, ông Paty đã cho học sinh xem các bức biếm họa về đấng tiên tri Mohammed và điều này đã khiến hung thủ chặt đầu ông để trả thù.

Sau vụ tấn công, Viện Công tố Quốc gia chống khủng bố đã mở ngay cuộc điều tra về tội “sát nhân có liên hệ với một tổ chức khủng bố” và “cấu kết với một tổ chức khủng bố.” Cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 9 người, trong đó có bốn người thân của hung thủ và một cặp vợ chồng là cha mẹ một học sinh ở trường trung học nơi ông Paty làm việc.

Không chỉ gây chấn động dư luận, nhất là đối với các giáo viên và cha mẹ học sinh, vụ giết người đã gây phẫn nộ toàn bộ chính giới Pháp.

5/  HOA KỲ CÓ THỂ PHÊ DUYỆT HAI VACXIN CHỐNG VIRUS VŨ HÁN TRONG THÁNG 11

Hai công ty dược phẩm Pfizer và Moderna có kế hoạch xin chính phủ Hoa Kỳ cấp giấy phép cho vacxin phòng virus Vũ Hán của họ vào cuối tháng 11, 9 tháng sau khi đại dịch bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới.

Ông Albert Bourla, tổng giám đốc Pfizer, một đối tác của công ty BioNTech của Đức, đã cho biết là ông mong đợi bằng chứng về hiệu quả của vacxin đang thử nghiệm từ nay đến cuối tháng 10, nhưng ông sẽ chờ đến tuần lễ thứ ba của tháng 11 để nộp đơn với Cơ quan Dược phẩm (FDA) yêu cầu cấp phép khẩn cấp.

Moderna, một công ty công nghệ sinh học, cũng dự kiến nộp đơn vào ngày 25.11.

Tuy nhiên, kể cả nếu mọi việc thuận lợi, khả năng bắt đầu đợt tiêm đầu tiên nhân dịp Tết Dương Lịch được cho là chưa đủ để ngăn chặn dịch bệnh đợt thứ 3 đã bắt đầu tại Mỹ.

No comments:

Post a Comment