Wednesday, October 28, 2020

Tin Tức: Thứ Tư 28.10.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân    Hướng Dương trình bày sau đây

1)  CHẠY TRỐN BÃO SỐ 9, 2 TÀU CÁ BỊ CHÌM, 26 NGƯ DÂN MẤT TÍCH.

Trong khi gấp rút chạy vào bờ để tránh cơn bão số 9, hai tàu cá Bình Định vào chiều thứ Ba ngày 27/10 đã bị sóng đánh chìm trên biển, khiến 26 ngư dân mất tích.

Chiếc tàu đầu tiên có 12 ngư dân, rời bến từ ngày 5/10, do ông Lê Văn Minh làm thuyền trưởng. Trên đường chạy vào Cam Ranh để trú bão vào trưa hôm qua, tàu bị chìm tại một vị trí cách Cam Ranh khoảng 130 hải lý. Hai tiếng sau đó, một chiếc tàu cá Bình Định khác cũng bị chìm và 14 ngư dân trên thuyền mất tích.

Đồng thời, từ chiều tối hôm qua đến rạng sáng hôm nay, hàng trăm chuyến bay đã bị hủy bỏ sau khi 5 phi trường ở miền Trung nhận được lệnh đóng cửa vì cơn bão Molave đổ vào Việt Nam.

Với cường độ cấp 13 và được Sở Khí tượng cho biết là cơn bão mạnh nhất kể từ 20 năm qua. Nhân viên hỏa xa cũng được lệnh tạm ngừng các đoàn tàu đến miền Trung trong ngày hôm qua và hôm nay, thứ Tư ngày 28/10.

2)  NGƯỜI DÂN 5 TỈNH MIỀN TRUNG CỐ GẮNG CHỐNG CHỌI VỚI BÃO MOLAVE.

Hơn nửa triệu người đã được gấp rút di tản ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên bắt đầu từ chiều tối thứ Ba 27/10 để tránh bão Molave đã quật vào các tỉnh này vào sáng hôm nay.

Kể từ tối hôm qua, người dân ở các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên đã được yêu cầu không ra đường, khiến đường phố càng thêm vắng so với khi xảy ra dịch viêm phổi cúm Tàu. Không chỉ học sinh được lệnh nghỉ học, đa số công nhân cũng được nghỉ làm, và nếu phải đi làm thì không được đổi ca, phải tạm trú ẩn trong cơ xưởng chờ bão qua đi.

Mặc dù chưa gượng dậy được sau trận lũ lụt kinh hoàng hơn 2 tuần qua, người dân miền Trung đã hối hả chuẩn bị chống chọi cơn bão mới. Người người khiêng đặt bao cát trên mái nhà, đào hầm trú ẩn, mua sắm thêm lương thực và di tản đến các nơi an toàn.

Theo báo động của Sở khí tượng, với cấp độ từ 13 đến 15, bão Molave đủ sức  hủy diệt các căn nhà cấp 4, quật ngã hàng loạt cây cối và trụ điện. Cần nhắc lại, vào năm 2017, mặc dù có cấp độ thấp hơn nhưng cơn bão Damrey đã gây thiệt nặng nề cho tỉnh Khánh Hòa và thành phố Nha Trang, với hơn 100 người chết.

3)  TÀU TRUNG CỘNG TIẾP TỤC LAI VÃNG TRONG VÙNG BIỂN VIỆT NAM SUỐT MẤY THÁNG QUA.

Các chiến hạm hải cảnh và các tàu cá vũ trang của Trung Cộng đã liên tục xuất hiện tại Bãi Tư Chính và Union Banks thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam suốt nhiều tháng qua.

Tại Bãi Tư Chính, các không ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các tàu chiến Trung Cộng đã có mặt liên miên từ tháng 7 đến nay, trừ một vài ngày vắng mặt. Đây là vùng biển nằm trong đường lưỡi bò mà Trung Cộng áp đặt ở Biển Đông. Bãi Tư Chính cũng có nhiều lô dầu khí mà Việt Nam cùng khai thác với một số tập đoàn ngoại quốc. Vào ngày 17/8, một tàu chiến Trung Cộng đã đến thay thế một chiến hạm khác để túc trực tại Bãi Tư Chính, cho đến hôm nay nó vẫn chưa rời đi.

Ngoài ra, tại bãi Union Banks ở quần đảo Trường Sa, lực lượng ngư quân Trung Cộng với hàng trăm tàu cá thay phiên nhau xuất hiện suốt 6 tháng qua. Union Banks là một nhóm bãi đá mà Trung Cộng và Việt Nam đều xây một số tiền đồn, chỉ cách nhau chưa đến 2 hải lý.

4)  QUÂN ĐỘI MỸ SẼ THAM CHIẾN ĐỂ GIÚP NHẬT BẢO VỆ QUẦN ĐẢO SENKAKU.

Trung tướng Kevin Schneider, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nhật, vào hôm qua tuyên bố là các binh sĩ Mỹ sẽ tham chiến để bảo vệ quần đảo Senkaku của Nhật.

Ông Schneider đưa ra tuyên bố nói trên trong cuộc họp báo vào hôm thứ Hai ngày 26/10 trên một khu trục hạm đang tham gia cuộc tập trận “Lưỡi kiếm Bén nhọn” của  quân đội Mỹ – Nhật. Ông nhấn mạnh là cuộc tập trận này thể hiện rõ ràng sức mạnh tác chiến của liên minh hai nước, vì thế binh sĩ Mỹ sẽ sát cánh với quân đội Nhật trong cuộc chiến bảo vệ quần đảo Senkaku.

Giới chức quân sự Nhật tin rằng, các tuyên bố của tướng Schneider là một lời cảnh cáo đối với Trung Cộng về việc liên tục tiến sâu vào vùng biển Senkaku, một quần đảo thuộc quyền kiểm soát của Nhật nhưng cả Trung Cộng lẫn Đài Loan đều tuyên bố có chủ quyền, với tên gọi là quần đảo Điếu Ngư.

5)  BỘ NGOẠI GIAO MỸ CHẤP THUẬN BÁN THÊM VŨ KHÍ CHO ĐÀI LOAN.

Trung Cộng lại thêm tức giận sau khi bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chấp thuận hợp đồng bán cho Đài Loan 100 giàn phi đạn phòng thủ bờ biển Harpoon do tập đoàn Boeing sản xuất, có tổng trị giá gần 2 tỷ 400 triệu Mỹ kim.

Quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump phê chuẩn 3 hợp đồng mua bán vũ khí cho Đài Loan, với trị giá gần 2 tỷ Mỹ kim, trong đó có các phi đạn có tầm bắn sâu vào Hoa Lục.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào hôm qua, phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Trung Cộng giận dữ kêu gọi nước Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời đe dọa là sẽ gia tăng biện pháp đối phó với đảo quốc này. Tuy nhiên, để trả lời, bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố là tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc phòng để đối phó với sự bành trướng và khiêu khích quân sự của Trung Cộng.

6)  BỐN SINH VIÊN HỒNG KÔNG CHẠY VÀO TÒA LÃNH SỰ MỸ ĐỂ TỴ NẠN.

Nhật báo Hoa Nam Tin Sáng cho biết là 4 sinh viên đấu tranh ở Hồng Kông đã chạy vào tòa lãnh sự Mỹ để lánh nạn, chỉ vài giờ sau khi 3 thủ lãnh sinh viên bị bắt giam.

Biến cố này diễn ra vào rạng sáng thứ Ba ngày 27/10, với 4 sinh viên được binh sĩ Mỹ mở cửa đón vào bên trong sau một cuộc đối thoại ngắn ngủi. Một nguồn tin cho biết là 4 người này muốn xin tỵ nạn tại Mỹ và danh tính của họ chưa được tiết lộ.

Vụ trốn chạy xảy ra vài giờ sau khi anh Chung Hon-lam 19 tuổi, một thủ lãnh của phong trào sinh viên, bị bắt tại một quán cà phê gần tòa lãnh sự Mỹ. Theo tiết lộ của một người bạn, anh Chung khi đó đang tìm cách chạy vào tòa lãnh sự Mỹ để lánh nạn, nhưng anh bị 3 mật vụ Trung Cộng chận bắt. Hai thủ lãnh sinh viên khác là anh Yannis Ho và William Chan cũng bị bắt cóc ngay sau đó.

Như tin đã loan, gần đây có hàng chục thủ lãnh các phong trào biểu tình đòi dân chủ cho Hồng Kông đã bị bắt giam kể từ khi Trung Cộng áp đặt đạo luật an ninh tại khu tự trị này kể từ ngày 1/7/2020. Một số khác đã phải trốn chạy ra ngoại quốc để lánh nạn.

No comments:

Post a Comment