Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục Chân Dung Người Tù Lương Tâm Lê Đình Lượng do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân.
Thưa quý thính giả, chúng ta cần thừa nhận với nhau một thực tế đang diễn ra ở Việt Nam rằng, bất cứ ai dám nói sự thật, phê phán bất công đều có thể bị đi tù. Nhà cầm quyền cộng sản đã gieo rắc nỗi sợ hãi lên toàn bộ dân chúng khiến cho việc “nói thật” trở thành một điều tối kỵ. Chế độ phản động mang tên CHXHCN Việt Nam đã thành công trong việc biến một dân tộc anh hùng, bất khuất trước giặc phương Bắc suốt ngàn năm thành một dân tộc chỉ biết cúi đầu. Song, giữa triệu triệu sự cúi đầu ấy, có những con người can đảm, dù ít ỏi vẫn dám cất tiếng nói của lương tri, của lòng yêu nước với mong muốn thay đổi vận mệnh của dân tộc. Và họ chấp nhận tù đày, chấp nhận hy sinh như một lẽ hiển nhiên phải thế để trả giá cho con đường chính nghĩa họ theo đuổi.
Bản án tù có thể chỉ ba năm, cũng có khi lên đến hơn 10 năm thậm chí là 20 năm như ông Lê Đình Lượng. Ông Lượng là người chịu mức án cao nhất trong số các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam hiện nay.
Ông Lê Đình Lượng sinh ngày 10/12/1965, trú quán tại xóm 9, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ông là một cựu chiến binh đã cống hiến tuổi thanh xuân chống giặc Tàu trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc tại biên giới phía Bắc. Sau khi giải ngũ, Lê Đình Lượng trở thành một doanh nhân và có nhiều đóng góp cho địa phương cũng như Giáo xứ nơi ông sinh sống.
Tội “lật đổ chính quyền nhân dân” mà nhà cầm quyền gán ghép cho ông thực chất là các hoạt động bác ái, giúp đỡ người nghèo khó, bênh vực kẻ yếu hèn. Năm 2016, Lê Đình Lượng là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất chống lại công ty Formosa, thủ phạm gây ra thảm họa môi trường biển Việt Nam. Ông tích cực giúp đỡ các nạn nhân, các ngư dân đi khiếu kiện và lên án sự đồng lõa của nhà cầm quyền trước thảm họa mà người dân Việt Nam phải gánh chịu. Dù biết trước có thể sẽ bị đánh đập, tù đày nhưng ông Lê Đình Lượng vẫn tiếp tục con đường chính nghĩa ông đã chọn.
Lê Đình Lượng bị bắt ngày 24/7/2017 và bị biệt giam gần một năm trước khi được đưa ra tòa vào ngày 16/8/2018. Ông bị kết án 20 năm tù giam với cáo buộc vi phạm điều 79 -BLHS năm 1999 “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ngoài điều 79, ông Lê Đình Lượng còn bị cho là vi phạm khoản 1, các điều 38, 39, 92 của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Luật sư bào chữa cho ông Lê Đình Lượng khẳng định những việc làm của ông là đúng pháp luật. Công luận ủng hộ ông Lượng và coi ông như một vị anh hùng dám thách thức chế độ độc tài, đấu tranh bảo vệ công lý và lẽ phải. Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết thân chủ của ông luôn tỏ ra điềm tĩnh, ngẩng cao đầu và “giữ quyền im lặng suốt phiên tòa”. Chính vì vậy mà bị tòa đánh giá là “ngoan cố” và chịu mức án cao chưa từng có trong giới tranh đấu nhân quyền tại Việt Nam.
Những việc làm của ông Lê Đình Lượng được gia đình, bạn bè, người dân tại nơi ông sinh sống cũng như những người tiến bộ, có lương tri tại Việt Nam ủng hộ.
Hiện Lê Đình Lượng đang bị giam cầm tại nhà tù Nam Hà, nơi giam giữ nhiều tù nhân chính trị, bao gồm các cựu quân nhân cán chính VNCH sau năm 1975. Khi chúng ta đọc những dòng này về Lê Đình Lượng thì ông đã bước sang ngày thứ 6 của cuộc tuyệt thực. Thông tin TNLT Lê Đình Lượng bắt đầu tuyệt thực từ ngày 11/10/2020 được người thân của ông loan báo sau cuộc thăm gặp gần đây.
Luật sư, cựu TNLT Lê Quốc Quân, cháu họ của ông Lượng cho biết, cuộc tuyệt thực của ông là nhằm:
“Phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường toàn bộ khu vực trại giam Nam Hà. Cụ thể là xung quanh trại khai thác và/hoặc tiêu huỷ khoáng chất đặc biệt gì đó mà khói bụi bay lên nhà giam rất nhiều. Các chất cặn đó đọng lại trên mái nhà, khi mưa xuống, nước chảy theo dòng, chảy đến đâu cây cỏ chết đến đó. Không khí xung quanh phòng giam thực sự nhiễm độc và ngột ngạt.
Phản đối việc ông không được cung cấp bút giấy và sách vở để làm đơn khiếu nại hoặc tự ghi các vấn đề thuộc về cá nhân.
Quan trọng và trên hết, ông tuyệt thực để phản đối bản án bất công và đòi trả tự do cho chính mình”. Hết trích.
Đấu tranh ở ngoài đã nguy hiểm, đấu tranh trong tù còn nguy hiểm gấp bội. Qua những gì chúng ta vừa tìm hiểu về Lê Đình Lượng, có thể khẳng định ông là một người không bao giờ lùi bước, không chỉ thách thức chế độ mà còn dám thách thức cả cái chết. Xin cầu nguyện cho ông được bình an và chiến thắng trở về dù con đường phía trước của ông dài đằng đẵng và đầy bất trắc.
Thúc Lân
No comments:
Post a Comment