Kính thưa quý thính giả, một người có tinh thần yêu nước, khai sinh nền Đệ Nhất Cộng Hòa, có công trong việc định cư hàng triệu người di cư từ miền Bắc và ông cũng là người có công trong việc xây dựng nền tảng về văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế và quân sự cho miền Nam Việt Nam. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Chí Sĩ Ngô Đình Diệm” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
“Khóc người chí sĩ một thời,
Nhân tài trí đức, cả đời vì dân.”
Đó là 2 câu thơ thương xót Chí sĩ Ngô Đình Diệm trong bài “Khóc người” của Nguyễn Ngọc Xuân.
Ngô Đình Diệm sinh ngày 3/1/1901 tại làng Đại Phong, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong gia đình quan lại theo đạo Công giáo. Cha ông là Ngô Đình Khả, mẹ là bà Phạm Thị Thân. Ngô Đình Khả là võ quan triều vua Đồng Khánh, từng giữ chức Thượng thư kiêm Phụ đạo Đại thần. Ông bà Ngô Đình Khả có 9 người con: 6 trai, 3 gái. Ngô Đình Diệm là con thứ tư trong gia đình.
Thuở nhỏ, Ngô Đình Diệm học ở trường dòng Pellerin Huế, năm 12 tuổi học trường College Quốc Học. Năm 1918, ông nhập học trường Hậu Bổ chuyên đào tạo công chức ở Hà Nội, tốt nghiệp năm 1921, được bổ nhiệm làm Tri huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1923, làm Tri huyện Hương Thủy cũng thuộc tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1926, làm Tri phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Năm 1929, được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Thuận.
Năm 1933, làm Thượng thư Bộ Lại dưới triều vua Bảo Đại. Sau 3 tháng, ông từ chức về Huế sống cùng với gia đình.
Thời gian từ năm 1942 đến 1944, ông tham gia Đại Việt Phục Hưng Hội và sau đó lãnh đạo tổ chức này, một tổ chức dựa vào Nhật để chống thực dân Pháp. Ông bị bắt tại phủ Cam, nhờ Hiến binh Nhật giúp, ông thoát nạn, về trú ngụ tại tòa Lãnh sự Nhật ở Huế và Nhật đưa ông vào Đà Nẳng, rồi chở ông vào Sài Gòn cư trú tại trụ sở Hiến binh Nhật.
Ông được Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ủy nhiệm công tác vận động nhân sự ở Trung Kỳ chống Pháp. Nhưng Nhật không ủng hộ Cường Để làm vua, mà giao cho Bảo Đại lập chính quyền với quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam.
Ngày 25/8/1945, Việt Minh cướp chính quyền, Bảo Đại thoái vị. Ông cùng với một số thân quyến tại Tuy Hòa, Phú Yên bị Việt Minh bắt, anh cả của ông là Ngô Đình Khôi cùng con trai là Ngô Đình Huân bị giết. Năm 1946, ông được phóng thích.
Theo lời mời của Quốc trưởng Bảo Đại, ngày 7/7/1954, ông thành lập chính phủ mới với nội các gồm 18 người.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, chia đôi Việt Nam từ vĩ tuyến 17.
Ngày 11/3/1955, ông thông qua Dụ số 21 chính thức sáp nhập vùng đất Hoàng triều Cương thổ vào Trung phần chấm dứt đặc quyền của người Pháp và Bảo Đại trên vùng Tây Nguyên.
Ngày 26/10/1956, từ Thủ Tướng trở thành Tổng Thống, ông thiết lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa.
Ngày 1/11/1963, thủ đô Sài Gòn nổ ra cuộc binh biến do các tướng lãnh VNCH tổ chức. Biến cố này kết thúc làm Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ là Cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát và nền Đệ Nhất Cộng Hòa bị cáo chung.
*****
Mặc dù có một số người cho rằng, chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa do Chí sĩ Ngô Đình Diệm lãnh đạo là chế độ độc tài, nhưng nếu so với chế độ CS hiện nay thì người dân vẫn thấy nó tốt hơn gấp trăm ngàn lần, vì nền móng của chế độ Cộng Hòa thời đó vững mạnh về văn hóa giáo dục, chính trị và kinh tế ổn định, tự lực tự cường về quân sự, vừa chiến đấu chống cộng vừa xây dựng đất nước, mang lại ấm no hạnh phúc cho đồng bào.
Qua 57 năm, thực tế cho thấy biến cố ngày 1/11/1963 mở đầu cho một giai đoạn suy thoái chính trị, suy yếu về quân sự ở miền Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho CS Bắc Việt thôn tính. Nếu không có cuộc đảo chánh này, chế độ Tự do Dân chủ Việt Nam Cộng Hòa vẫn tồn tại ở miền Nam, CS Bắc Việt không thể chiếm miền Nam thì người dân không phải sống đói nghèo, mất tự do như sống dưới chế độ độc tài cộng sản hiện nay. Hàng triệu người đã trốn chạy bằng mọi cách và mọi giá, bỏ nước ra đi cho dù phải chết trong lòng biển cả hay nơi rừng sâu trên đường đi tìm tự do.
Lịch sử đã sang trang, nhưng với những hệ lụy từ biến cố này là một trong những nguyên nhân đưa đến thực trạng xã hội tồi tệ chưa từng có trong sử Việt. Chưa bao giờ xã hội Việt Nam lại đầy dẫy những tệ nạn tham nhũng, cướp bóc, bạo hành, giết người như hiện nay. Con người Việt Nam hiền hòa của ngày xưa đã bị cộng sản làm biến chất và bạo quyền CSVN đã triệt tiêu trí tuệ của các tầng lớp trong xã hội để nắm quyền sinh sát, nên sau 45 năm cưỡng chiếm miền Nam, VN đã trở thành một quốc gia nghèo nàn và lạc hậu trong vùng Đông Nam Á.
Ngày nào CSVN còn bám víu quyền lực thì quốc nhục chậm tiến còn kéo dài, trừ phi người dân “đồng tâm hiệp lực” vùng lên giải trừ chế độ cộng sản phi nhân. Lúc đó, VN mới có cơ hội phục hưng đất nước, viết lên trang sử mới để Tổ tiên và các bậc Tiền nhân được “ngậm cười” nơi chín suối./.
No comments:
Post a Comment