Sự lệ thuộc kinh tế của Việt Nam vào tư bản Đỏ TQ đã và đang gây nhiều thiệt hại cho doanh nhân Việt khi tư bản đỏ TQ sử dụng Việt Nam để gia tăng xuất cảng lậu qua Hoa Kỳ. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Mỹ điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ, vì sao?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Chính phủ Hoa Kỳ hôm Thứ Sáu tuần trước mở cuộc điều tra cung cách thương mại của Việt Nam – một bước đi có thể dẫn tới việc tăng thuế suất nhập cảng lên hàng hóa Việt Nam giống như đang làm với hàng hóa Trung Quốc. Sự kiện này bắt nguồn từ đâu, sẽ đi đến đâu, và tại sao lại xảy ra vào lúc này?
Báo The New York Times dẫn lời Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Mỹ (USTR) nói sẽ xem xét hai vấn đề: Việc Việt Nam nhập cảng và chế biến gỗ súc mà cơ quan này cho rằng được thu hoạch và buôn bán bất hợp pháp; và việc Việt Nam bị cho là định giá thấp đồng bạc để giá hàng hóa xuất cảng được rẻ đi một cách không công bằng – hành vi được coi là thao túng tỷ giá bất hợp pháp.
Cuộc điều tra được thực hiện theo Khoản 301 Luật Thương Mại 1974 – cùng điều luật mà Mỹ đã áp dụng để khởi động cuộc thương chiến chống Trung Quốc năm 2018. Nếu phát hiện hành vi không công bằng, Mỹ sẽ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam như đang làm với Trung Quốc cho dù việc đó khó xảy ra trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng Thống Trump.
Số liệu của Mỹ cho biết, thặng dư của Việt Nam trong buôn bán với Mỹ tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo dữ liệu của Bộ Tài Chánh, khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là $38.3 tỷ, tăng lên $39.4 tỷ năm 2018, $55.7 tỷ năm 2019. Trong nửa đầu năm nay 2020 mặc dù đại dịch COVID-19 làm ngưng trệ các hoạt động thương mại toàn cầu, xuất cảng hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng và Việt Nam đạt thặng dư với Mỹ hơn $34.8 tỷ, hứa hẹn số thặng dư năm nay sẽ còn cao hơn năm ngoái.
Cả Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam và Bộ Công Thương Việt Nam đều phủ nhận cáo buộc thao túng tiền tệ của phía Mỹ. Ông Lê Minh Hưng, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, nói với báo chí: “Ngân Hàng Nhà Nước chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế.”
Biện pháp tăng thuế nhập cảng hàng hóa Trung Quốc của chính phủ Trump gây khó khăn không nhỏ cho kinh tế Trung Quốc. Một số doanh nghiệp Trung Quốc chơi trò “hồn Trương Ba da hàng thịt,” đưa hàng hóa sang Việt Nam và một số nước khác, đóng gói lại bao bì trước khi xuất sang Mỹ để tránh thuế.
Ngoài những vấn đề về kinh tế, thương mại, tiền tệ, quan hệ Việt Nam và Mỹ còn bị chi phối qua yếu tố địa chiến lược trong đó Việt Nam nổi lên thành một đồng minh địa chính trị của Mỹ trong cuộc đương đầu với Trung Quốc.
Trong lúc Bộ Thương Mại và Bộ Tài Chánh dựa vào luật thương mại và hành vi thao túng tiền tệ để trừng phạt Việt Nam thì Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao Mỹ lại vận động theo hướng ngược lại, theo đó Mỹ nên ủng hộ Việt Nam phát triển để làm một đầu cầu của “thế giới tự do” ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Giữa hai quan điểm khác nhau đối với Việt Nam, Tổng Thống Trump sẽ quyết định theo hướng nào là chuyện chưa biết trước được.
Có điều vị thế của Việt Nam khá yếu ớt so với Trung Quốc cả về quy mô kinh tế lẫn ảnh hưởng chính trị nên Mỹ không nhất thiết phải áp dụng biện pháp thuế trừng phạt để cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Mỹ có thể áp dụng nhiều biện pháp khác để đạt mục đích thương mại mà không làm tổn hại tới mối quan hệ đối tác vừa nồng ấm trở lại giữa hai cựu thù.
Để xoa dịu nỗi tức giận của ông Trump, trong những năm gần đây, Hà Nội nhiều lần cố gắng làm giảm mức thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách cam kết mua nhiều mặt hàng đắt giá của Mỹ dù không thật cần thiết như đội máy bay Boeing trị giá nhiều tỷ đô la. Gần đây Việt Nam có những động tác ve vãn và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Mỹ như dự án tổ hợp điện – khí hóa lỏng của tập đoàn Mỹ Exxon Mobil tại Hải Phòng và Long An mới được công bố cách đây vài hôm. Dự án tại Hải Phòng có một nhà máy điện 4,500 MW, vốn đầu tư khoảng $5.09 tỷ, và dự án tương tự tại Long An có công suất khoảng 3,000 MW. Hai dự án này được Exxon Mobil cam kết cung cấp liên tục và đầy đủ nguồn nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập cảng trực tiếp từ Mỹ. Cán cân thương mại Việt-Mỹ sẽ cân bằng hơn một khi Việt Nam mua nhiều sản phẩm năng lượng (và nông sản) từ Mỹ mà Mỹ không cần phải áp đặt thuế suất cao lên các mặt hàng nhập cảng từ Việt Nam trừ những thứ bị coi là hàng Trung Quốc đội lốt để tránh thuế.
Còn nếu Mỹ vẫn quyết định thương chiến với Việt Nam như đang làm với Trung Quốc thì điều đó sẽ là tai họa cho kinh tế Việt Nam. Hàng Việt Nam chỉ chiếm 3% giá trị hàng nhập cảng của Mỹ nhưng chiếm tới 20% tổng giá trị xuất cảng của Việt Nam. Nếu cánh cửa vào thị trường Mỹ bị thu hẹp thì số phận của nhiều người lao động Việt sẽ lao đao.
Và điều đó cũng sẽ thúc Hà Nội lún sâu vào ảnh hưởng của Trung Quốc.
Hiếu Chân
No comments:
Post a Comment