Tuesday, January 27, 2015

Tin Tức thứ Ba 27.01.2015

QUỐC TẾ CHỈ TRÍCH CÁC VỤ HÀNH HUNG GIỚI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIÊN VN

Tổ chức Giám sát Nhân quyền vào hôm qua đã chỉ trích nặng nề tình trạng mật vụ VN hành hung đến trọng thương nhiều người bất đồng chính kiến tại VN, mà điển hình là vụ đánh đập các nhà báo Nguyễn Tường Thụy, JB Nguyễn Hữu Vinh, kỹ sư Ngô Duy Quyền, và một số phụ nữ đấu tranh tại tỉnh Thái Bình vào ngày 21/1 vừa qua.
Trong bài báo số ra ngày hôm qua, tờ Eurasia Review cũng nhấn mạnh đến làn sóng bạo quyền VN hành hung giới bất đồng chính kiến và giới lãnh đạo tôn giáo một cách công khai. Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền thì chỉ trong năm 2014, có ít nhất 22 nhà báo mạng và người đấu tranh cho nhân quyền bị mật vụ VN tấn công gây thương tích. Trong báo cáo thường niên hơn 600 trang, nội dung đánh giá thành tích nhân quyền của 90 quốc gia trong năm 2014, tổ chức này kết luận rằng làn sóng hành hung giới bất đồng chính kiến tại VN đang gia tăng trong bối cảnh người dân ngày càng có ý thức hơn về quyền công dân của mình.
Cùng lúc với sự lên tiếng của tổ chức Giám sát Nhân quyền thì công an đã nhào vào tư gia của nhà đấu tranh Huỳnh Công Thuận ở Sài Gòn và thẳng tay đánh đập khi anh Thuận muốn bước ra khỏi nhà sau mấy ngày bị công an bao vây và cấm không cho anh ra đường khiến anh không thể đến sở làm.

CÔNG AN SÀI GÒN GÂY KHÓ DỄ CHO CUỘC TỌA ĐÀM "XÓA BỎ ÁN TỬ HÌNH"

Trong khi dư luận bày tỏ sự quan ngại về các án tử hình oan trái được phanh phui trên báo chí, thì công an Sài Gòn vào hôm qua đã tìm đủ mọi cách ngăn cản không cho tiến hành cuộc tọa đàm với chủ đề "Xóa bỏ án tử hình, tiến tới xã hội văn minh" do các nhóm dân sự xã hội tổ chức.
Vào sáng hôm qua, một số tham dự viên đã bị công an bao vây tư gia, ngăn cản họ đến tham dự cuộc tọa đàm được tổ chức tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Một số người khác thì bị lũ đầu trâu mặt ngựa chận xe trên đường. Tuy nhiên cuộc tọa đàm vẫn diễn ra từ 8 giờ rưởi sáng đến 12 giờ trưa, với các phân tích về hệ quả của hình phạt tử hình đối với xã hội, đặc biệt là các vụ án oan ức vì bị công an tra tấn ép cung.
Trong một diễn biến khác thì báo chí Campuchia loan tin là nhà chức trách nước này đã trao 7 người Thượng thuộc sắc tộc Jarai cho công an biên phòng VN sau khi bắt giữ nhóm này tại tỉnh Ratanakkiri vào cuối tuần qua, bất chấp sự phản đối của Cao ủy Tỵ nạn LHQ. Cần nhắc lại là nhóm vượt biên này, trong độ tuổi từ 15 đến 69, đã đào thoát sang Campuchia vào tuần trước. Vào cuối năm ngoái, cũng có một nhóm 13 người Thượng chạy sang Campuchia được Cao ủy Tỵ nạn LHQ chấp nhận đơn xin tỵ nạn chính trị.

BÁO CHÍ TRUNG CỘNG KÊU GỌI DÙNG SỨC MẠNH KINH TẾ ĐỂ TRÓI BUỘC VN

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cái loa tuyên truyền của Trung Cộng, vừa lên tiếng kêu gọi giới lãnh đạo sử dụng sức mạnh kinh tế để trói buộc VN vào quỹ đạo Trung Cộng, không cho VN ngã về phía nước Mỹ.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh hai nước Mỹ - Việt đang mở thêm nhiều cuộc đàm phán về quan hệ hai nước nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập bang giao, đặc biệt là các thảo luận về thỏa ước mậu dịch xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Vào hôm qua, trả lời báo chí VN, tân đại sứ Mỹ tại VN tuyên bố là nước Mỹ có tham vọng trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại VN. Ông Ted Osius cũng tái nhấn mạnh là Hoa Kỳ muốn giúp VN trở thành một nước giàu mạnh, độc lập, thượng tôn luật pháp và bảo vệ nhân quyền.
Trung Cộng đã không giấu diếm sự lo ngại về những biến chuyển trong mối quan hệ Việt – Mỹ suốt hai tuần qua. Chính vì thế lời kêu gọi trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo được xem là một chủ trương của bạo quyền Trung Cộng nhằm ngăn chận VN ngã về nước Mỹ để đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Cộng.

CAMPUCHIA KIÊN QUYẾT BỎ TÙ 11 DÂN OAN

Tòa phúc thẩm Campuchia vào hôm qua vẫn kiên quyết bỏ tù 11 người dân đấu tranh để giữ đất đai của mình, với tội danh "phá rối trật tự công cộng".
Đây là những người bị tòa sơ thẩm kết án 12 tháng tù với cáo buộc "cản trở giao thông" sau cuộc biểu tình trước tòa đô chánh Phnom Penh để phản đối việc cưỡng chế đất đai ở Hồ Boeung Kak vào năm ngoái. Trong phiên phúc thẩm vào hôm qua, các bản án được rút xuống còn 10 tháng tù và tội danh lại chuyển sang "phá rối trật tự trị an". Một cụ già 70 tuổi được giảm án xuống còn 6 tháng tù.

TƯỞNG NIỆM CUỘC CÁCH MẠNG HOA LÀI Ở AI CẬP: 18 NGƯỜI CHẾT

18 người đã thiệt mạng trong cuộc xuống đường tưởng niệm cuộc nổi dậy lật đổ chế độ độc tài ở Ai Cập vào năm 2011. Trong số người chết có 3 cảnh sát và hàng chục người khác cũng bị thương khi nhà cầm quyền Ai Cập ra tay trấn áp cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Cần nhắc lại là trong cuộc tưởng niệm vào năm ngoái, hàng chục người cũng bị thiệt mạng trong các cuộc xung đột với cảnh sát. Lực lượng an ninh đã tăng cường kiểm soát các thành phố lớn ở Ai Cập từ nhiều ngày qua. Vào hôm thứ Bảy, một phụ nữ đấu tranh nổi tiếng cũng bị bắn chết trong cuộc tuần hành do Liên minh Dân chủ tổ chức tại thủ đô Cairo.
Cần nói thêm là Ai Cập lại rơi vào chế độ độc tài quân phiệt khi quân đội làm đảo chánh lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi, một người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Trong hai năm qua, chính phủ quân phiệt Ai Cập đã bắt giam nhiều nhà bất đồng chính kiến và siết chặt quyền tự do ngôn luận.

HƠN 40 CẢNH SÁT PHILIPPINES BỊ PHE HỒI GIÁO HẠ SÁT

Chính phủ Philippines vào hôm qua xác nhận là hơn 40 nhân viên an ninh của họ đã thiệt mạng trong trận đánh mới nhất với một nhóm Hồi giáo cực đoan, có liên hệ đến Nhà nước Hồi giáo Trung Đông (ISIS).
Theo loan báo của tổng nha cảnh sát Phi thì 43 cảnh sát của họ bị thiệt mạng khi giao chiến với nhóm khủng bố này. Nhưng giới cảnh sát địa phương thì công bố là thi thể của 49 nhân viên được tìm thấy trong cuộc càn quét tại một khu vực trên đảo Mindanao, với khoảng 400 cảnh sát tham gia chiến dịch này.
Theo một số nguồn tin thì khi chấm dứt cuộc càn quét, lực lượng Phi chạm trán Mặt trận Hồi giáo Giải phóng Moro, một tổ chức phiến quân đã hoành hành ở miền nam nước Phi nhiều thập niên qua. Tổng thống Phi đã ra lệnh điều tra về biến cố đẫm máu này vì hai phe đã ký thỏa ước đình chiến vào năm ngoái, nội dung thành lập một khu tự trị của 5 triệu người Hồi giáo ở quần đảo Mindanao.

No comments:

Post a Comment