Friday, January 30, 2015

Tin tức ngày thứ Sáu, 30.01.2015

LẠI CÓ THÊM MỘT BÁO CÁO XÁC NHẬN VIỆT NAM KHÔNG CÓ NHÂN QUYỀN

Tổ chức Human Rights Watch vừa công bố một báo cáo nhân quyền thế giới trong năm 2014, nội dung cho thấy tình hình nhân quyền tại VN vẫn ở mức báo động, điển hình là con số người bất đồng chính kiến bị bắt vẫn còn nhiều và bị bạo quyền đàn áp thô bạo hơn các năm trước.
Tổ chức giám sát nhân quyền lưu ý dư luận thế giới là vào năm qua, bạo quyền Hà Nội đã chấp thuận 182 đề nghị trong tổng số 227 đề nghị do Hội đồng Nhân quyền LHQ đưa ra, nhưng không thực hiện các đề nghị quan trọng như phóng thích tù nhân lương tâm và tôn giáo, chấm dứt các chính sách đàn áp và bỏ tù những người đã sử dụng quyền tự do ngôn luận để trình bày chính kiến của mình một cách ôn hòa. Báo cáo trưng dẫn nhiều trường hợp đàn áp người dân bằng các điều luật phi lý như 88 và 258 trong bộ luật hình sự VN.
Tổ chức này cũng nêu lên các vụ bắt giam bỏ tù một cách phi lý các blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu Vinh và những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền như Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh. Bên cạnh đó là các vụ công an hành hung những người bất đồng chính kiến như ông Huỳnh Ngọc Tuấn, bà Trần Thị Nga, ông Trương Minh Đức và rất nhiều người khác trong năm 2014.
Trong một diễn biến khác thì vào hôm qua, khối đấu tranh 8406 đã phổ biến lời kêu gọi người dân tham gia chiến dịch bãi bỏ "điều 4 trong hiến pháp" nhằm phản đối đảng cộng sản VN áp đặt quyền lãnh đạo độc tôn lên đầu dân tộc. Lời kêu gọi này được đưa ra một tuần trước khi đảng cộng sản kỷ niệm 85 năm ngày thành lập.

TỆ NẠN CHẠY CHỨC CHẠY QUYỀN CHỈ ĐỨNG SAU ĐẠI DỊCH THAM NHŨNG

Ban tuyên giáo trung ương CSVN vừa công bố một kết luận điều tra cho thấy là tệ nạn chạy chức chạy quyền tại VN hiện đứng thứ nhì, chỉ sau có đại dịch tham nhũng đang tàn phá đất nước và xã hội.
Điều khôi hài là trong khi ông Tô Huy Rứa, trưởng ban tổ chức trung ương, công bố kết luận này thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại ngây ngô đặt câu hỏi là có tệ nạn này hay không, ai đã chạy và chạy đến ai? Ông Trọng thú nhận là ông nghe thấy dư luận bàn tán về tệ nạn chạy chức chạy quyền mà xót ruột vì vậy ra lệnh phải xác định minh bạch, tìm cho ra kẻ nào chạy, chạy đến ai, và mức độ chạy chọt là như thế nào.
Khôi hài hơn nữa là ngay sau đó ông Tô Huy Rứa cũng phát biểu một cách mâu thuẫn với kết luận trước đó khi nói rằng tiến trình bổ nhiệm quan chức phải trải qua 6 cơ quan, từ trung ương đến địa phương, nên việc chạy chức chạy quyền khó có thể thực hiện được.

THÊM 18 NGƯỜI THƯỢNG Ở TÂY NGUYÊN ĐÀO TỴ SANG CAM BỐT

Vào thứ Tư vừa qua, một nhóm 18 người Thượng đã đào thoát từ Tây Nguyên sang tỉnh Rattanakiri thuộc miền đông bắc Campuchia, và là nhóm người Thượng đào tỵ thứ ba chỉ trong vòng hai tháng qua.
18 người này là thuộc sắc tộc Jarai, trong đó có 2 phụ nữ, và đang lẩn trốn trong rừng. Một thành viên thuộc tổ chức nhân quyền ADHOC của Cam Bốt đã tiếp xúc được nhóm này và đã gửi danh tính cùng hình ảnh của họ đến Cao ủy Tỵ nạn LHQ để xin trợ giúp.
Tính đến nay đã có tổng cộng 32 người Thượng chạy sang Cam Bốt vì bị nhà cầm quyền Tây Nguyên ép buộc họ phải từ bỏ đạo Tin Lành.

VIỆT – PHI GIA TĂNG HỢP TÁC ĐỂ ĐỐI PHÓ TRUNG CỘNG

VN và Philippines sẽ có những bước tiến hợp tác cụ thể nhằm chứng tỏ sự đoàn kết trong việc đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Cộng.
Vào hôm qua, bộ trưởng ngoại giao VN Phạm Bình Minh đã đặt chân đến Manila để khởi sự cuộc thảo luận kéo dài hai ngày về việc gia tăng hợp tác chiến lược giữa hai nước trong các lãnh vực an ninh, thương mại và đặc biệt là quân sự. Nếu không có gì trở ngại thì sắp tới đây, lực lượng hải quân Việt - Phi sẽ có những cuộc tuần tra và tập trận chung trên Biển Đông.
Cần nhắc lại là vào cuối năm ngoái, VN đã lên tiếng ủng hộ Phi trong vụ kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế về đường lưỡi bò chủ quyền mà Trung Cộng áp đặt lên Biển Đông. Quân đội Việt – Phi cũng có những hoạt động hữu nghị như thi đấu thể thao tại đảo Trường Sa và hai chiến hạm VN đã ghé thăm Manila vào năm ngoái.

NHẬT TĂNG CƯỜNG LỰC LƯỢNG TUẦN TRA Ở BIỂN ĐÔNG

Chính phủ Nhật đã quyết định tăng cường lực lượng tuần tra trên biển trong bối cảnh Trung Cộng đang bành trướng sức mạnh hải quân để độc chiếm Biển Đông.
Mặc dù nước Nhật không tranh chấp một hòn đảo nào ở Biển Đông, nhưng Biển Đông là một tuyến giao thông quan trọng của nước Nhật. Kể từ khi đắc cử, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đưa ra chủ trương gia tăng sức mạnh quân sự của Nhật tại châu Á để bảo vệ chính mình và trợ giúp cho phe đồng minh.
Theo quyết định mới nhất, quân đội Nhật sẽ điều động một số máy bay tuần thám loại P-1, có tầm hoạt động 8 ngàn cây số, để tuần tra thường xuyên ở Biển Đông.

No comments:

Post a Comment