Wednesday, January 28, 2015

Mạnh Tử tiên đoán chế độ sụp đổ

Thứ Tư, ngày 28.01.2015    
Lợi dụng danh nghĩa của Đức Khổng Phu Tử, xuyên tạc triết lý của thánh nhân hầu củng cố bá quyền CSTQ đang bị tẩy chay khắp thế giới. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Mạnh Tử Tiên Đoán Chế Độ Sụp Đổ” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Khi nghe tin Đại học Hà Nội khai trương một Viện Khổng Tử, chúng tôi đã đề nghị giới trí thức Việt Nam nhân cơ hội mở ra một hội nghị tìm hiểu về tinh thần tôn trọng dân quyền trong tư tưởng gốc của Khổng Mạnh. Khổng Tử và Mạnh Tử không nêu lên khái niệm dân quyền, nhưng họ không bao giờ chủ trương người dân phải trung thành tuyệt đối với các ông vua.
Trong hai cuốn Luận Ngữ và Mạnh Tử, đố ai tìm thấy một câu nào nói "Trung thần bất sự nhị quân." Những khẩu hiệu như câu đó là do đám quan lại đời sau đặt ra để bảo vệ ách độc tài của các hoàng đế. Khổng và Mạnh đã chịu tiếng oan. Chúng ta không thể nêu ra những tội ác của vua quan đời Tống, đời Minh, đời Thanh, để lên án Khổng Mạnh; cũng như không ai nghĩ Chúa Giê Su có trách nhiệm nào về những cuộc chiến tranh Thập Tự hay các Tòa án xử Dị Giáo (Inquisition).
Không ai hy vọng những Viện Khổng Tử của chính quyền Trung Cộng sẽ đưa đề tài này ra thảo luận. Cũng không ai tin Đại học Hà Nội dám làm công việc đó. Cho nên, chỉ có những người trí thức độc lập mới có thể đứng ra làm. Hôm qua, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng báo tin cho chúng tôi biết rằng có mấy nhóm sinh viên ở Việt Nam đang mở cuộc thảo luận về Tinh thần Dân Chủ trong tư tưởng Khổng Mạnh. Như vậy là có những bạn trẻ cũng phản ứng giống như chúng tôi, trước việc thành lập Viện Khổng Tử ở Hà Nội. Các bạn biết rằng không thể hội thảo đề tài này trong Viện Khổng Tử. Cũng không thể biểu tình đòi đóng cửa cái viện vô duyên đó. Nhưng các bạn biết giới trí thức tại mấy nước văn minh tiến bộ đã phản đối việc thành lập Viện Khổng Tử, dù ở đó chính quyền Trung Cộng chỉ mới tổ chức các lớp học tiếng Trung Hoa miễn phí.
Năm 2013, Đại học McMaster ở Hamilton, Canada đã đóng cửa Viện Khổng Tử sau khi một người tố cáo nó vi phạm quyền tự do tín ngưỡng. Đại học Sherbrooke ở tỉnh Quebec cũng chấm dứt cộng tác với Viện Khổng Tử. Năm 2014, Hội các Giáo sư Đại học Mỹ (CAUT) tố cáo các Viện Khổng Tử vi phạm quyền tự do nghiên cứu (academic freedom) vì nó chỉ là cánh tay nối dài của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Tháng Mười năm 2014 các Đại học Chicago, Pennsylvania State University, đều chấm dứt hoạt động của Viện Khổng Tử. Học khu Toronto, Canada cũng chấm dứt liên hệ với Viện Khổng Tử của Bắc Kinh.
Nhiều người đã lên tiếng phản đối việc lập Viện Khổng Tử, Đại học Hà Nội chắc cũng không dám. Nhưng giới trí thức Việt Nam có thể hành động bên ngoài Viện Khổng Tử, hội thảo về tư tưởng của hai ông Khổng Tử và Mạnh Tử biết tôn trọng quyền của người dân như thế nào.
Trong sách Mạnh Tử chúng ta thấy tác giả nhấn mạnh nhiều lần rằng quyền chính trị cao nhất thuộc về người dân, tất cả mọi người dân, chứ không phải người cầm quyền
Theo Mạnh Tử thì khi một chế độ không cai trị dân bằng bạo lực nữa, dân sẽ quy phục
Mạnh Tử nói rất kỹ rằng nếu chỉ nêu ra các khẩu hiệu tốt đẹp thì không đủ. Cần phải có các chính sách cụ thể, như người thợ mộc phải dùng những cái thước, nhạc sĩ phải dùng ống sáo đo độ cao. Cũng vậy, nếu hiến pháp ghi đủ các quyền tự do, bình đẳng, mà không đặt ra các định chế, luật lệ, chính sách để bảo đảm các quyền tự do, thì các khẩu hiệu trở nên vô ích. Không những thế, những kẻ chỉ biết hô khẩu hiệu suông còn mắc tội mị dân, gian dối, xảo trá nữa. Mạnh Tử chưa nêu ra được những biện pháp cụ thể đó, cho tới thế kỷ 17, đời Minh, Thanh mới có Hoàng Tông Hy đề nghị các định chế giảm bớt quyền hành vua và quan lại.
Một đề tài được Mạnh Tử nêu ra nếu ngay bây giờ tiếp tục nghiên cứu thì rất hữu ích. Đó là câu hỏi: Một chế độ chuyên chế sụp đổ như thế nào? Đây là một đề tài rất đáng đem ra thảo luận ở Hà Nội bây giờ. Chúng ta sẽ chiêm nghiệm xem theo Mạnh Tử thì có dấu hiệu nào cho thấy các chế độ độc tài ở Trung Quốc và Việt Nam sắp sụp đổ hay chưa?
Theo Mạnh Tử thì sức mạnh một quốc gia không chỉ tùy thuộc khả năng quân sự và kinh tế. Yếu tố quyết định nằm trong tinh thần. Người trên, tức tầng lớp lãnh đạo phải có những quy tắc để sống cho tử tế, gọi là lễ. Bên dưới, phải mở mang hiểu biết cho người dân, phát triển giáo dục,. Nếu hai điều kiện tinh thần này không có, thì khi dân chúng oán hận nổi lên chế độ sẽ sụp đổ
Chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc và Việt Nam đang lâm vào cảnh tượng đó. Bên trên thì "Triều bất tín đạo;" Ủy viên Bộ Chính Trị cũng không ai tin vào chủ nghĩa Mác nữa dù nó vẫn ghi trong cương lĩnh. Cả thế giới biết chủ nghĩa đó là tào lao, mình có ngu đâu mà tin? Họ không còn một thứ đạo lý nào để theo, chỉ còn tham vọng quyền lực giúp họ cấu kết với nhau. Bên dưới thì "Công bất tín độ;" Cán bộ, công chức, đám quan lại tham nhũng không ai theo pháp luật, bất chấp những luật lệ mà chính họ có trách nhiệm thi hành. Tất cả trong tâm trạng làm chuyến tàu vét! Chế độ Cộng Sản chứa đựng đủ các dấu hiệu đang tan rã.
Thời Mạnh Tử các chính quyền chưa có bộ máy công an kìm kẹp. Cũng chưa có các xảo thuật mị hoặc lừa dối dân tinh vi như bây giờ. Sau khi Mạnh Tử nói những lời trên, trong vòng 80 năm các vương quốc, hầu quốc đều tan rã. Nhà Tần lên, chỉ trong một thế hệ cũng tan. Ngày nay chế độ cộng sản có giỏi đàn áp và mị hoặc nhưng cũng không chắc giỏi hơn nhà Tần. Mà người dân bây giờ có ý thức về quyền công dân của mình cao hơn dân Tầu 2,300 năm trước đây. Cho nên theo phân tích của Mạnh Tử, chúng ta biết rằng chế độ Cộng Sản đang trên đà sụp đổ.
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment