Thursday, November 2, 2023

Từ chuyện Thành Bưởi bị hành, nhớ khổ nạn đi lại năm xưa (Kỳ 1)

Chuyện Nước Non Mình

Chế độ cs độc tài toàn trị từ những ngày đầu đã tuyên truyền nhồi nhét nhân dân miền Bắc những ảo tưởng về sự ưu việt của đcs và một miền Nam chìm đắm trong khổ cực lầm than dưới chế độ tư bản. Tất cả những dối trá bịp bợp ấy đã bị phơi bày sau ngày 30/04/75, khi mà toàn dân Việt Nam tận mắt nhìn thấy cuộc sống tự do hạnh phúc và phồn vinh của xã hội miền Nam và ngược lại la cuộc sống lầm than cơ cực hoàn toàn thiếu vắng tự do hạnh phúc trước năm 1975. 

Để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay kinh mời quí thính giả theo dõi bài viết của Nguyễn Thông với tựa đề “Từ chuyện Thành Bưởi bị hành, nhớ khổ nạn đi lại năm xưa (Kỳ 1)qua giọng đọc của Ngọc Sương trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình

Nguyễn Thông

Làm con dân xứ này luôn có những thứ để quan tâm, nặng cái đầu, mà nhiều chuyện, nhiều điều rất vớ vẩn, chả đâu vào đâu. Nào là tranh cãi về phim Đất rừng phương Nam, nào vụ bắt Ngọc Trinh, bênh Cơ Nghiệp, ì xèo việc bỏ phiếu tín nhiệm, chê sao lắm giáo sư tiến sĩ.

Nhân vụ Thành Bưởi, nhớ chuyện đi lại những năm nào, chửa xa xôi gì. Thời bao cấp, ở miền Bắc trước và sau năm 1975, ở miền Nam sau 1975, khi nhắc lại, người ta chỉ thường nói tới những đói rét (không có ăn, không có mặc) mà thường quên chuyện đi lại. Thực ra, đó là một chương sử hãi hùng, khổ nạn. Con người bị hành hạ như con vật.

Ông anh ruột tôi hồi cuối thập niên 90 rủ tôi đi Bảo Lộc thăm người nhà. Lúc về, ra chân đèo đón xe để về Sài Gòn, chờ gần 4 tiếng đồng hồ mới bắt được xe (bởi những xe khác đều đã chật ních), bị nhét vào chiếc 14 chỗ cũ kỹ chứa hai mươi mấy người, sau suốt đêm bị hành ngồi bó giò và thiếu khí thở, xuống trạm xe gần chùa Việt Nam Quốc tự quận 10, đã thề không bao giờ đi xe khách nữa.

Giờ bần thần nhớ lại, thương anh, thương mình, thương cho đám dân chúng tội nghiệp bị hành xác theo đúng nghĩa đen. Anh em tôi, sau chuyến xe bão táp khốn nạn ấy đều lăn ra ốm bởi kiệt sức, cơ thể suy nhược, mãi lâu sau mới hồi phục được.

Và đây là chuyện cũ, xong rồi sẽ bàn vụ Thành Bưởi.

Nhắc tới sự đi lại, không thể không nhớ tới cái ô tô.

Hôm trước tình cờ coi trên trang “báo địch” BBC, thấy chùm ảnh tư liệu của các phóng viên AP, AFP, NYT, và tất nhiên của BBC nữa, về cuộc sống ở miền Nam, ở Sài Gòn những năm trước “giải phóng”. Khá nhiều ảnh chụp từ hồi cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, thời ông Ngô Đình Diệm. Coi chán chê, mới ngớ ra, những gì mình từng được tuyên truyền, được giáo huấn (mà người cộng sản gọi phương thức này của kẻ địch là nhồi sọ) hồi tuổi thiếu nhi và thanh niên lại khác hẳn với những bức ảnh sống động này.

Không có gì gọi là chìm đắm, rên xiết, màn đêm đen tối… của cái “chế độ Mỹ ngụy tàn bạo”. Trong ảnh vẫn phảng phất đâu đó bóng ma chiến tranh nhưng rõ ràng cuộc sống miền Nam sinh sắc, giàu có, vật chất đầy đủ hơn hẳn những gì mình tưởng tượng. Hay là đám phóng viên nước ngoài nhận tiền của “bọn” Ngô Đình Diệm, Thiệu – Kỳ rồi tô hồng cho cái cuộc sống mà miền Bắc định nghĩa là bơ thừa sữa cặn. Có nhẽ đâu thế.

Điều rất sửng sốt trong những sự bất ngờ là phương tiện đi lại. Nó nói lên sự khác biệt của hai miền. Mãi tới tận thập niên 70, phần đông dân chúng miền Bắc đến cái xe đạp cũng không có mà đi. Xe công cộng như xe khách, xe ca (trong Nam gọi là xe đò), xe buýt rất hiếm. Taxi thì hoàn toàn không. Lứa chúng tôi, đám sinh ra giữa thập niên 50, từ sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, “bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi”, lớn lên giữa chế độ mới, không hề biết taxi là gì.

Trên đường phố miền Bắc, những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… lọt vào mắt là những chiếc xích lô xộc xệch, với dáng đạp uể oải của tấm thân gầy còm. Xe ô tô con rất hiếm, chủ yếu đám Volga, Moskvic, Lada do Liên Xô sản xuất, chỉ để dành cho cán bộ cấp trung ương trở lên. “Bầm ơi có rét không bầm/ Volga con cưỡi, gà hầm con xơi”, người ta dè bỉu vậy.

Ngay cả những thầy nổi tiếng ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội hồi nửa đầu thập niên 70, duy nhất có Giáo sư Ngụy Như Kontum hiệu trưởng, được cưỡi xe Moskvic, còn thầy hiệu phó Dương Hữu Thời (có cô con gái đẹp như hoa hậu, học khoa Hóa), thầy bí thư đảng ủy Nguyễn Đình Tứ, thầy Hoàng Xuân Nhị giáo sư chủ nhiệm khoa Văn, thầy Phan Hữu Dật giáo sư chủ nhiệm khoa Sử, những vị trí thức nổi tiếng từ thời Pháp thuộc (không kể thầy Tứ đi Liên Xô về) đều phải nói “không” với ô tô. Các vị sư biểu ấy có người chạy xe máy (như thầy Nhị), còn phần lớn đều “diện” xe đạp. Thầy Tứ mãi sau này mới được dùng chiếc Lada, một thời gian sau thì được rút về bộ.

Những nẻo đường miền Bắc thời ấy (thập niên 50 – 70) trông thật nghèo nàn, thiếu thốn, xơ xác. Chúng phô bày ra trên từng mét đường, có muốn giấu, muốn che đậy cũng không giấu nổi.

 

No comments:

Post a Comment