Sunday, November 26, 2023

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 26.11.2023.

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân:Thưa anh Hướng Dương, giải thưởng của Mạng Lưới Nhân Quyền đã được công bố, xin anh cho biết những ai đã được giải này?

Hướng Dương: Vâng, vào ngày 18/11 năm nay, Mạng lưới Nhân quyền VN đã công bố giải nhân quyền năm 2023 cho 3 nhà đấu tranh đang bị bạo quyền VN bắt giam.

Ba người được giải năm nay là ông Trần Văn Bang 46 tuổi, ông Y Wô Niê 53 tuổi, và nhà báo Lê Trọng Hùng  44 tuổi.

Nhà đấu tranh Trần Văn Bang tham gia Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một nhóm trí thức phần lớn xuất thân là những đảng viên CSVN đã lên tiếng về các vấn đề của đất nước. Ông Bang bị bắt vào ngày 1/3 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và bị bạo quyền Sài Gòn kết án 8 năm tù vào ngày 12/5 vừa qua.

Ông Y Wô Niê là người theo Thiên chúa giáo thuộc sắc tộc Ê-Đê. Ông là người đã nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của bạo quyền đối với người thiểu số. Vì các hoạt động của mình, ông đã bị kết án tù hai lần. Lần đầu vào năm 2005 với bản án 9 năm tù, lần thứ nhì ông bị bạo quyền tỉnh Đắc Lắc tuyên án 4 năm tù vào ngày 20/5 năm 2022.

Nhà báo Lê Trọng Hùng từng tham gia vào chương trình truyền hình trên mạng xã hội có tên là “phong trào chấn hưng nước Việt”. Vào năm 2017 ông lập chương trình “Chấn Hưng TV” để phổ biến về pháp luật mà chủ yếu là hiến pháp. Ông cũng từng ứng cử tự do vào quốc hội năm 2021. Đến ngày 31/12 năm 2021, ông bị bạo quyền VN kết án tù 5 năm.

Theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, đây là giải nhân quyền lần thứ 21 kể từ ngày được thành lập vào năm 2002. Trong 21 năm liên tiếp đã có 60 cá nhân và sáu tổ chức nhận giải này.

Bảo Trân: Ngoài tin tức về giải thưởng Nhân Quyền thì còn có tin gì về tình hình nhân quyền ở Việt Nam không, thưa anh Hướng Dương.

Hướng Dương: Thưa chị, như mọi người đều rõ là nhà cầm quyền cs Việt Nam không tôn trọng các quyền căn bản của người dân dù đã được ghi rõ trong Hiến Pháp của chính họ. Sự việc tiếp tục kỳ thị và ngược đãi người Thượng ở Tây Nguyên một cách có hệ thống kéo dài đã lâu, theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam việc này "bắt nguồn từ sự nghi ngờ lòng trung thành của họ đối với chế độ hiện hành."

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam hôm 18/11 công bố Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022-2023, qua đó nêu bật sự đàn áp của nhà nước độc đảng đối với những sắc dân bản địa ở Tây Nguyên một cách có hệ thống như lấy đất đai để cho các công ty lớn khai thác và di dân ồ ạt từ các tỉnh thành dẫn đến một số vụ nổi dậy của người dân bản địa, đặc biệt là vụ tháng 6 vừa qua ở Đắk Lắk.

Bên cạnh việc cướp đất đai của người bản địa, Hà Nội cũng không cho họ quyền tự do tôn giáo. Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban điều hành của  Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho biết trong nhiều thập niên qua, rất nhiều người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo đạo Tin Lành nhưng trong nhiều năm gần đây, nhà nước còn bắt ép họ bỏ đạo nhất là đối với những người trong các tổ chức tôn giáo chưa ghi danh.

Cũng theo Báo cáo, đối với sắc dân thiểu số Khmer ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, chính quyền còn đi xa hơn nữa khi nhân danh “sự thống nhất quốc gia” để phủ nhận quyền của người Khmer Krom.

Trong năm 2022-2023, ít nhất có sáu người Khmer Krom bị câu lưu, tra hỏi và cáo buộc vi phạm luật hình sự, trong lúc họ chỉ tìm cách phổ biến các tài liệu của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền trong đó có Tuyên bố về quyền của người bản địa.

Bảo Trân: Thưa anh, quay sang chuyện thêm nhiều đảng viên của thành Hồ bị trừng phạt vì ăn hối lộ đang được người dân theo dõi thì có thêm những ai đang bị dính líu vào đây?

Hướng Dương: Thưa chị và quý thính giả, vào ngày 20/11, Ủy bản kiểm tra thành ủy thành Hồ đề nghị kỷ luật một loạt các đảng viên lãnh đạo các ban ngành dính líu đến hối lộ.

Các nạn nhân mới nhất gồm:

-Bà Trần Thị Bình Minh, nguyên Chi ủy viên nhiệm kỳ 2022 - 2025, nguyên Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên Phó Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư bị khai trừ khỏi đảng.

Bà Minh bị kết luận có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, phê duyệt điều chỉnh dự toán và phê duyệt dự toán của dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị 12 phòng thí nghiệm trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.

-Ông Trương Ngọc Khôi, nguyên là đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-01S, Sở Giao thông vận tải, bị khai trừ khỏi Đảng vì có hành vi “nhận hối lộ”, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

-Ông Trần Xuân Hải bị đề nghị kỷ luật. Ông Hải nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Đảng bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Ông này bị kết luận đã vi phạm trong việc thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở để đơn vị xảy ra nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, hai lãnh đạo cục Thuế là ông Trần Ngọc Tâm và bà Lê Thị Thu Hương cũng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Các vi phạm của hai người này  bao gồm thiếu kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với các chi bộ, đảng viên có liên quan đến việc hoàn thuế trị giá gia tăng và công tác kiểm tra sau khi hoàn thuế trị giá gia tăng, dẫn đến việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án về việc hoàn thuế này bị sai quy định.

 

 

 

No comments:

Post a Comment