Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ BÁO CÁO VIÊN LHQ NẾU LÊN NHỮNG VI PHẠM NHÂN QUYỀN TẠI VN
Sau 10
ngày viếng thăm VN, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của LHQ đã nêu lên
nhiều vi phạm của VN trong lãnh vực nhân quyền.
Trong
cuộc họp báo tại văn phòng LHQ ở Hà Nội vào hôm 15/11, báo cáo viên Surya Deva
cho biết là nhà nước CSVN xử dụng các điều luật “có chọn lọc” để nhắm vào một
người. Ngày làm việc cuối cùng ở VN của ông Deva trùng hợp với biến cố bắt giam
ông Lưu Bình Nhưỡng, phó trưởng ban dân nguyện của quốc hội, với cáo buộc
“cưỡng đoạt tài sản”.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của báo cáo
viên đặc biệt LHQ tới Việt Nam kể từ lần gần đây nhất là vào năm 2017. Trong
buổi họp báo, ông Deva xác nhận là một số thành phần xã hội đã bị bỏ lại phía
sau, điển hình là các dân tộc thiểu số.
Về quy trình phê duyệt các dự án phát
triển địa phương hay quốc tế, ông Surya Deva nhận thấy chúng đều rất “rườm rà”,
không chỉ mất vài tháng mà có thể nhiều năm. Ông nêu lên những hạn chế đối với
báo chí và yêu cầu mọi người suy ngẫm về điều này. Theo ông Deva thì các hạn
chế đó là vế quyền tự do ngôn luận và biểu đạt trên mạng.
Đánh giá chung của ông Deva sau chuyến thăm là nhà nước Việt Nam áp dụng pháp luật một cách thiếu nhất quán và không theo chuẩn mực của luật pháp của thế giới. Ông cho biết là nhận được báo cáo về nhiều vụ cưỡng chiếm đất đai cho các dự án phát triển, nhưng chỉ bồi thường với giá rẻ mạt và bán lại cho các công ty với giá đắt đỏ.
2/ CÔNG AN ĐÀN ÁP VỤ BIỂU TÌNH
CHỐNG ĐỐI DỰ ÁN ECO CENTRAL PARK
Ít nhất là 3 người dân phải nhập viện sau khi công an và
lực lượng quan chức đàn áp người dân xóm Phong Yên đang biểu tình phản đối việc
san lấp mặt bằng cho Dự án Khu đô thị và Nhà ở Xã hội tại xã Hưng Hòa, còn được
gọi là dự án Eco Central Park Vinh.
Vào sáng ngày 15/11 vừa qua, hàng trăm người dân xóm Phong
Yên tràn ra khu vực đầm ao nuôi tôm của họ nhằm ngăn cản việc thi công của dự
án. Một người dân xóm Phong Yên cho biết là khi người dân kéo ra để giữ đầm ao,
thì hàng trăm công an kéo đến để đàn áp. Khoảng 200 người dân đã phải đối mặt
với hơn 300 công an và khỏng 50 thanh niên đội mũ đỏ.
Một người dân khác cho biết là đám đàn áp được điều động
bằng xe đò, và họ vào công trường lấy mũ đỏ đội lên. Trong khi công an chỉ lôi
kéo và xô đẩy thì những người đội mũ đỏ đấm đá người dân. Hậu quả là có nhiều
người bị thương nhẹ và có ba người bị thương nặng phải nhập viện chữa trị ở bệnh
viện thành phố Vinh.
Đa số người bị thương là người già, có người trên 80 tuổi. Lực lượng công an với sự trợ giúp của những
người mặc thường phục ép buộc tất cả người dân Phong Yên rời khỏi hiện trường.
Cần biết dự án tại xã Hưng Hòa được bạo quyền tỉnh Nghệ An
phê duyệt vào ngày 7/10 năm 2010 với diện tích 156 mẫu. Đến năm 2021, dự án
được điều chỉnh với quy mô dân số vào khoảng 14 ngàn người.
Người dân xóm Phong Yên cho biết nơi thực hiện dự án là
cánh đồng Vòng Rây. Từ năm 2001, chủ trương xuất cảng thuỷ sản của tỉnh Nghệ
An, người dân xã Hưng Hòa được vận động chuyển sang đào ao nuôi tôm phục vụ chế
biến xuất cảng.
Việc nhiều người dân Phong Yên ngăn cản thi công dự án vì chưa nhận được bồi thường cho phần đầm ao bị thu hồi là 170 triệu đồng một sào, tức khoảng 500 thước vuông. Một người cho biết lý do 92 gia đình của Phong Yên chưa nhận được bồi thường là vì dân bỏ hoang không trồng trọt nên tỉnh thu hồi rồi nên bây giờ không được đền bù, như lời giải thích của ông Nguyễn Sĩ Diệu, phó chủ tịch thành phố Vinh.
3/ HUẾ VÀ HỘI AN NGẬP LỤT NẶNG, 5 NGƯỜI THIỆT MẠNG
Hoàng thành ở Huế
và khu phố cổ Hội An đã chìm trong nước sau khi mưa lớn liên tục nhiều ngày ở
các tỉnh bắc trung bộ, khiến 5 người chết và nhiều người phải di tản.
Cần biết là mưa lớn
kể từ ngày 13/11 đến hôm nay đã khiến các tỉnh thành từ Quảng Trị, Thừa Thiên
và Quảng Nam bị ngập lụt. Theo số liệu báo cáo từ các địa phương cho biết gần
19 ngàn căn nhà đã bị ngập và đã có 5 người chết.
Ngoài ra nhiều cánh
đồng hoa màu của người dân đã bị hư hại trong khi nhiều quốc lộ, tỉnh lộ, đường
liên thôn, liên xã, trong đó có quốc lộ huyết mạch 1A, đã bị ngập sâu, gây chia
cắt giao thông.
Tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế là địa phương bị ngập nặng nhất trong đợt mưa
lũ lần này. Tại Huế, 85% tuyến đường của 36 phường xã đã bị ngập. Hai bên bờ
sông Hương đều ngập với mực nước cao hơn 1 thước. Hình ảnh cho thấy là khu Đại
nội của Hoàng thành Huế, gồm cả Ngọ Môn và Điện Thái Hòa, đều ngập sâu. Học
sinh toàn thành phố hiện được cho nghỉ học đến cuối tuần này.
Còn tại phố cổ Hội An, vốn cũng là di sản văn hóa thế giới như Hoàng thành Huế, nước từ sông Hoài tràn bờ đã làm ngập nhiều con đường và di tích trên phố cổ, người dân phải dùng thuyền để di chuyển.
4/ DỊCH TẢ HEO PHI CHÂU LAN RỘNG TRÊN TOÀN QUỐC VN
Dịch tả heo Phi châu đang lan rộng tại nhiều tỉnh
thành ở Việt Nam trong thời gian qua, gây lo ngại về tình trạng kiểm soát bệnh
dịch và khả năng thiếu thịt heo vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Vào hôm qua 16/11, nhà nước VN vừa gửi công điện
hỏa tốc gửi đến các bộ và các cấp tỉnh về việc đấu tranh quyết liệt cùng với
các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả heo Phi châu.
Công điện hỏa tốc trích dẫn báo cáo của bộ nông
nghiệp cho biết là từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện trên 530 ổ dịch bệnh, bị
buộc tiêu hủy trên 20 ngàn con heo tại 44 tỉnh thành, đặc biệt là tại các tỉnh
Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình và Đắc Lắc.
Dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng từ tháng 8 trở
lại đây, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng nặng đến
ngành chăn nuôi heo và bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm.
Cũng liên quan đến dịch tả heo Phi châu, vào ngày hôm
qua 16/11, nhà cầm quyền huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang đã chính thức công bố
dịch bệnh tại xã Xuân Đông với 15 ổ dịch. Tính đến sáng hôm qua, số ổ dịch đã
lên đến 26 trên toàn tỉnh với 669 con heo bị thiêu hủy.
Cần nói thêm, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 3 triệu 600 ngàn tấn, theo số liệu từ bộ công thương.
5/ PHILIPPINES BÁC BỎ YÊU CẦU CỦA TRUNG CỘNG VỀ CÁC
CHUYẾN TIẾP LIỆU
Trước yêu cầu vô lý của Trung Cộng, chính phủ Philippines
tuyên bố là không có trách nhiệm phải
thông báo cho Trung Cộng về các chuyến tiếp liệu tại khu vực Biển Đông.
Bộ ngoại giao Philippines vào hôm qua 16/11 đưa ra
tuyên bố như trên, nhấn mạnh những hoạt động tiếp liệu, bao gồm hoạt động duy
trì chiếc chiến hạm cũ neo tại Bãi Cỏ Mây, là hoàn toàn hợp pháp.
Thông báo của bộ còn kêu gọi Trung Cộng hãy tháo
bỏ tất cả “mọi cấu trúc phi pháp” được thiết lập tại vùng đặc quyền kinh tế của
Philippines và ngưng cải tạo tại những nơi đó, đồng thời phải chịu trách nhiệm
đối với mọi hư hại do hoạt động cải tạo gây nên.
Phát ngôn nhân Teresita Daza nhấn mạnh là Trung
Cộng yêu cầu phải có thông báo trước cho mỗi chuyến tiếp liệu đến Bãi Cỏ Mây. Tuy
nhiên nước Phi sẽ không làm điều đó.
Cần biết là Trung Cộng thường xuyên cáo buộc Philippines xâm phạm vùng biển của họ tại Biển Đông khi tiến hành công tác tiếp tế lương thực và nước uống cho binh sĩ Phi đồn trú tại Bãi Cỏ Mây. Tuần duyên Trung Cộng từng có những hành động gây nguy hiểm cho tàu Phi khi tiến hành công tác tiếp tế này.
No comments:
Post a Comment