Monday, November 20, 2023

Trả cho dân chúng về những quyền đã Hiến định

Bình Luận

Các dân biểu bù nhìn của CSVN thừa hiểu rằng, ra luật đi ngược lại với tinh thần của một điều khoản trong hiến pháp là một tác động vi hiến, và trì hoãn không ra luật để thi hành một nhân quyền khắc ghi trong hiến pháp, cũng vi hiến tương tự. Tuy nhiên vì độc đảng và không có đối lập, quốc hội bù nhìn ngang nhiên vi hiến trên cả 2 phương diện, nhất là cố tình trì hoãn bộ luật về quyền lập hội và biểu tình.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiền Lương/ Việt Nam Thời Báo với tựa đề: “Trả cho dân chúng về những quyền đã Hiến định sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Hiền Lương (Việt Nam Thời Báo)

Khi vẫn chưa luật hóa quyền tự do ngôn luận thì đương nhiên là khó thể ‘đồng bộ’ của luật về quyền lập hội, quyền biểu tình. Quan chức chính phủ khi ‘sắm vai’ đại biểu Quốc hội, cần thực hiện tốt vai trò ‘lập Hiến – lập pháp’, một khi đã ‘hứa – hẹn’ thì đừng… ‘lỡ hẹn – thất hứa’.

Các chính khách của Quốc hội, chính phủ và cả của Đảng luôn tự tin nói rằng ở Việt Nam không có chuyện ‘bịt miệng’ những ý kiến, tiếng nói phản biện, song tất cả nếu nhìn bằng điều chỉnh của luật pháp, thì không hề quá lời khi nói rằng “những ý kiến trái chiều – tiếng nói phản biện’ đều không được bất kỳ điều luật nào bảo vệ.

Thật vậy, khi vẫn chưa luật hóa quyền tự do ngôn luận thì đương nhiên là khó thể ‘đồng bộ’ của luật về quyền lập hội, quyền biểu tình. Sở dĩ có thể nói như vậy vì quyền tự do ngôn luận là một trong những tiền đề của quyền biểu tình. Có tự do phát biểu, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm thì mọi người mới có thể tập hợp lại để cùng nêu lên ý kiến, quan điểm chung về cùng một vấn đề.

Trên cơ sở đó, họ mới thể hiện một sự đòi hỏi mạnh mẽ quyết liệt hơn thông qua biểu tình. Bản chất của hoạt động biểu tình là bày tỏ ý kiến và mong muốn thay đổi. Do đó, sự tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm là cơ sở để xây dựng nên quyền biểu tình. Quyền biểu tình có mối quan hệ mật thiết với quyền tự do hội họp. Quyền tự do hội họp là tiền đề quan trọng để có được quyền biểu tình, nếu không có quyền tự do hội họp sẽ không có quyền biểu tình và hoạt động biểu tình. Bởi vì, hoạt động biểu tình phải gắn liền với việc tụ họp của một nhóm người hoặc nhiều người.

Trong khi đó, quyền tự do hội họp là quyền được liên kết lại của một nhóm người trước một vấn đề nào đó mà họ quan tâm. Mục đích tiến hành hội họp là để trao đổi ý kiến với nhau. Và để có những hội họp thì đó là hoạt động của các hội/ nhóm xã hội dân sự, tức “quyền lập hội”. Quyền tự do lập hội, cùng với quyền tự do hội họp một cách hòa bình, đầu tiên được ghi nhận trong điều 20 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948.Cũng trong khoản 2 điều 20 của tuyên ngôn có quy định: “không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào”. Như diễn giải ở trên, khi xem xét quyền tự do lập hôi với quyền biểu tình, cho thấy nó mối hệ tương quan với nhau.

Biều tình là một hoạt động mang tính cộng đồng, có sự tham gia của nhiều người, nhiều thành phần, tuy nhiên, những người tham gia biểu tình đều có cùng chung mục đích là bày tỏ thái độ, quan điểm của mình về một vấn đề. Lập hội cũng vậy mục đích chủ yếu cùng nhằm cùng nhau tìm đến một quan điểm để góp phần nói tiếng nói chung, cùng sở thích, cùng chí hướng với nhau. Cho nên, trong trường hợp này, để tìm kiếm những người có cùng chung mục đích với nhau thì khả năng người biểu tình tổ chức, thành lập các hội là điều đương nhiên. Đảng thì luôn lo sợ việc lập hội – biểu tình của xã hội dân sự sẽ vượt tầm kiểm soát trong việc “định hướng chính trị”, nên hầu hết đều mang tâm thế của đánh đồng chuyện lập hội – biểu tình là mầm mống của bạo loạn, bạo động, của ‘cách mạng màu’. Cách diễn giải lâu nay về tiếng Việt của Đảng dường như không cùng cách hiểu phổ quát ở vấn đề mà bài viết này luận bàn.

Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, “bạo động là hoạt động của một số đông người dùng bạo lực nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền” (*). Sự khác biệt giữa biểu tình với bạo động, bạo loạn thể hiện ở tính bạo lực. Bạo động và bạo loạn luôn luôn có kèm theo hành động bạo lực. Từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, hành động bạo lực là chủ đạo và xuyên suốt . Xét về mục đích, bạo động và bạo loạn nhằm gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hoặc lật đổ chính quyền. Trong khi đó, mục đích của người biểu tình không phải đi gây rối an ninh chính trị hoặc lật đổ chính quyền, mà họ đòi hỏi quyền lợi cho mình, cho chủ thể khác hoặc cho toàn xã hội thông qua đấu tranh ôn hòa.

Như vậy những vấn đề liên quan đến quyền biểu tình hiện đang được điều chỉnh bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 38/2005 ngày 18-3-2005 của Chính phủ Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; Thông tư số 09/2005 ngày 5-9-2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38-2005, cho thấy Đảng và Nhà nước luôn tâm thế ‘nhìn’ dân chúng bằng ‘soi mói ngờ vực’ đầy yếm thế.

 

No comments:

Post a Comment