Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Hà và Miên Dương trình bày sau đây
1/ BA NHÀ ĐẤU TRANH NHẬN ĐƯỢC GIẢI NHÂN QUYỀN VN 2023.
Vào ngày 18/11, Mạng lưới Nhân quyền VN đã
công bố giải nhân quyền năm nay cho 3 nhà đấu tranh đang bị bạo quyền VN bắt
giam.
Ba người được giải năm nay là ông Trần Văn Bang 46
tuổi, ông Y Wô Niê 53 tuổi, và nhà báo Lê Trọng Hùng 44 tuổi.
Nhà đấu tranh Trần Văn Bang tham gia Câu lạc
bộ Lê Hiếu Đằng, một nhóm trí thức phần lớn xuất thân là những đảng viên cs VN
đã lên tiếng về các vấn đề của đất nước. Ông Bang bị bắt vào ngày 1/3 năm ngoái
với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và bị bạo quyền Sài Gòn kết án 8 năm
tù vào ngày 12/5 vừa qua.
Ông Y Wô Niê là người theo Thiên chúa giáo thuộc
sắc tộc Ê-Đê. Ông là người đã nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách đàn áp
tôn giáo của bạo quyền đối với người thiểu số. Vì các hoạt động của mình, ông
đã bị kết án tù hai lần. Lần đầu vào năm 2005 với bản án 9 năm tù, lần thứ nhì ông
bị bạo quyền tỉnh Đắc Lắc tuyên án 4 năm tù vào ngày 20/5 năm 2022.
Nhà báo Lê Trọng Hùng từng tham gia vào chương
trình truyền hình trên mạng xã hội có tên là “phong trào chấn hưng nước Việt”.
Vào năm 2017 ông lập chương trình “Chấn Hưng TV” để phổ biến về pháp luật mà
chủ yếu là hiến pháp. Ông cũng từng ứng cử tự do vào quốc hội năm 2021. Đến
ngày 31/12 năm 2021, ông bị bạo quyền VN kết án tù 5 năm.
Theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, đây là giải nhân quyền lần thứ 21 kể từ ngày được thành lập vào năm 2002. Trong 21 năm liên tiếp đã có 60 cá nhân và sáu tổ chức nhận giải này.
2/ VN VÀ MÃ LAI CAM KẾT CHỐNG TỆ
NẠN ĐÁNH CÁ BẤT HỢP PHÁP.
Thủ tướng Mã Lai Anwar Ibrahim và Chủ tịch VN Võ
Văn Thưởng vừa có cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị APEC ở San Francisco của Mỹ, để
thảo luận các vấn đề song phương, trong đó có việc hợp tác chống đánh bắt cá
lậu và tranh chấp ở Biển Đông.
Thông tấn xã Bernama của Mã Lai vào hôm 18/11 cho
biết hai bên đã thống nhất sẽ hợp tác trong công tác chống đánh bắt cá lậu.
Thủ tướng Mã Lai được trích lời phát biểu tại cuộc
họp là Mã Lai tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác và cam kết của Việt Nam trong việc
chống đánh bắt cá lậu ở hải phận Mã Lai.
Cần biết là Mã Lai đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi
Việt Nam hợp tác trong công tác chống đánh bắt cá lậu. Vào tháng ba năm ngoái,
trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Mã Lai Ismail Yakob tuyên bố với báo giới
là đã yêu cầu người đồng cấp Việt Nam phải có những biện pháp chắc chắn và ngay
lập tức nhằm ngăn chặn tình trạng ngư dân Việt xâm phạm vùng nước của Mã Lai
ngày một gia tăng.
Việt Nam và Mã Lai hiện vẫn còn một vùng đặc quyền
kinh tế chồng lấn ở vùng biển phía nam VN. Ngoài ra, cả hai nước cũng đòi chủ quyền
các đảo thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông là ngư trường truyền thống của ngư
dân Việt Nam.
Vào tháng 8 năm 2020, một ngư dân Việt Nam đã bị lực lượng tuần duyên Mã Lai bắn chết trong một cuộc đụng độ giữa hai bên, ngoài khơi tiểu bang đông bắc Kelantan.
3/ QUÂN NGA LIÊN TIẾP TẤN CÔNG
KIEV BẰNG DRONE.
Cả hai thành phố Kiev của Ukraine và Moscow
của Nga trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật 19/11/2023 đều bị đối phương dùng
drone tấn công, nhưng các lực lượng phòng không của cả hai bên đều tuyên bố bắn
chặn được các UAV này.
Tuy nhiên chính quyền hai nước đều
không cho biết số thiệt hại. Đêm qua là đêm thứ hai liên tiếp Kiev bị quân
đội Nga dồn dập tấn công bằng drone mang theo chất nổ.
Theo Kiev đó là loại drone Shahed do Iran chế tạo. Trên mạng,
đô trưởng Kiev là Serguiï Popko cho biết các drone được phóng đi theo từng cụm,
từ nhiều hướng và nhiều đợt. Quân đội Ukraine đã bắn hạ được 15 trong tổng số
20 chiếc và Kiev không ghi nhận thiệt hại nào đáng kể.
Vào đêm trước đó, lực lượng phòng không Ukraine khẳng định bắn
hạ được 29 trong tổng số 38 drones Shahed Nga phóng đến nhiều nơi khắp Ukraine.
Đây được xem là đợt oanh kích lớn nhất của quân Nga tính từ cuối tháng 9 đến
nay.
Về phần mình, bộ quốc phòng Nga ra một thông báo nhấn mạnh là
“một mưu đồ tấn
công khủng bố của Ukraine với drone nhắm vào các cơ sở trên lãnh thổ Nga đã bị
phá vỡ”. Theo bộ quốc phòng Nga, các chiếc máy bay của Ukraine đã
bị thiết bị phòng không của Nga bắn hạ trên bầu trời Moscow.
Cần biết các vụ tấn công bằng drone của Ukraine nhắm vào Moscow
đã diễn ra đặc biệt thường xuyên từ mùa xuân năm nay. Trong những tuần gần đây,
các vụ tấn công bằng drone của Ukraine đã trở nên hiếm hoi.
Trong khi đó về chiến sự, quân đội Ukraine vào hôm qua 19/11 thông báo đã đẩy lui quân Nga từ 3 đến 8 cây số ra khỏi bờ sông Dnipro, tại khu vực do quân Nga chiếm giữ. Đây là lần đầu tiên Ukraine đưa ra con số rõ ràng về bước tiến của các lực lượng trong vùng này sau nhiều tháng phản công không mấy kết quả.
4/ QUÂN ĐỘI NHẬT TẬP TRẬN ĐỂ ĐỐI
PHÓ VỚI VIỆC TRUNG CỘNG CHIẾM ĐẢO.
Thủy quân lục chiến Nhật Bản trên các chiến
xa lội nước đã đổ bộ lên bãi biển của một hòn đảo ở biển Hoa Đông vào hôm Chủ
nhật, trong một cuộc tấn công mô phỏng nhằm đánh bật những kẻ xâm lược mà Tokyo
lo ngại là dễ bị tấn công từ Trung Cộng.
Giữa lúc căng thẳng gia tăng với các nước
láng giềng Trung Cộng, Nga và Bắc Hàn, cuộc tập trận trên đảo Tokunoshima ở phía
tây nam đã kết thúc cuộc tập trận kéo dài 11 ngày trên toàn quốc, nhằm chuẩn bị
sẵn sàng cho các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không để bảo vệ lãnh thổ
Nhật Bản và hạ tầng, trong đó có các nhà máy điện hạt nhân.
Tướng Yoshihide Yoshida, tổng tham mưu trưởng
quân đội Nhật Bản, cho biết là mục tiêu của cuộc tập trận này là để trong tình
huống khẩn cấp do bị tấn công, quân đội Nhật có thể hợp đồng tác chiến.
Các chiến xa lội nước của Thủy quân Lục chiến
Nhật được khai triển từ hai tàu đổ bộ của hải quân Nhật neo đậu ở ngoài khơi.
Các nhóm binh sĩ tiến vào bờ trên những chiếc xuồng cao su và các thiết bị hạng nặng được chở vào bờ
bằng ca-nô.
Quy mô và tốc độ của các cuộc tập trận quân
sự ở Nhật Bản có thể sẽ tăng lên trong vài năm tới, bao gồm cả với lực lượng
Mỹ, sau khi Thủ tướng Fumio Kishida vào tháng 12 công bố kế hoạch tăng cường
quân sự lớn nhất của nước này kể từ thế chiến thứ hai, với cam kết tăng gấp đôi
chi tiêu quốc phòng trong 5 năm.
Thủ tướng Kishida cảnh cáo là khu vực Đông Á
có thể là Ukraine tiếp theo, nếu Trung cộng, được khuyến khích bởi cuộc xâm
lược Ukraine của Nga và tấn công Đài Loan. Ông đề ra khoản chi tiêu quân sự lên
đến 190 tỷ Mỹ kim để mua sắm phi đạn tầm xa và củng cố kho vũ khí của Nhật.
Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh của đồng tiền Nhật trong năm nay đã buộc chính phủ phải cắt giảm một số kế hoạch mua vũ khí, bao gồm các mẫu trực thăng Chinook mới do Mỹ sản xuất mà quân đội Nhật Bản đã xử dụng trong cuộc tập trận Tokunoshima.
No comments:
Post a Comment