Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.
1.ĐỐI THOẠI NHÂN QUYỀN VIỆT- MỸ LẦN THỨ 27
Cuộc đối thoại Nhân
quyền Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ 27 diễn ra trong hai ngày, mồng 1 và mồng 2 tháng
11 tại Washington DC.
Thông cáo của Văn
phòng Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 2/11 khẳng định việc thúc
đẩy nhân quyền là một yếu tố thiết yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và
là chìa khóa cho sự can dự mở rộng của Hoa Kỳ với Việt Nam, đặc biệt trong bối
cảnh hai bên đã ký Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Cuộc đối thoại đề cập
đến nhiều vấn đề liên quan đến nhân quyền và quyền lao động, bao gồm tôn trọng
quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội; tự do tôn giáo hay tín ngưỡng; pháp trị
và cải cách luật pháp; quản trị lĩnh vực an ninh; quyền của những người trong
tình huống bị thương tổn như những nhóm sắc tộc thiểu số, những người thuộc
cộng đồng LGBT+, người khuyết tật.
Tại cuộc đối thoại, Phó Ngoại trưởng Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Đoan Trang và các TNLT khác.
2) BA TỔ CHỨC NHÂN QUYỀN KÊU GỌI BẢO VỆ CÁC
NHÀ BÁO TRƯỚC CUỘC KIỂM ĐIỂM ĐỊNH KỲ PHỔ QUÁT 2024
Ba tổ chức Ủy ban Bảo
vệ Ký giả (CPJ), Freedom House và Robert F. Kennedy Human Rights vừa gửi báo
cáo chung lên Liên Hợp Quốc, khẳng định rằng các nhà báo ở Việt Nam “đang phải
đối mặt với các mối đe dọa và ngược đãi trên diện rộng, và thường xuyên bị câu
lưu hoặc bị bỏ tù vì đưa tin và viết bình luận”. Báo cáo của ba cơ quan
nhân quyền được đưa ra nhằm chuẩn bị cho kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát 2024
(UPR), đồng thời kêu gọi bảo vệ các nhà báo ở Việt Nam.
Báo cáo chung này được
công bố vào ngày 2/11, nhân Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác
chống lại các nhà báo.
Thông cáo viết: “Các
nhà báo cũng thường xuyên bị bắt và bỏ tù trong thời gian dài do bị cáo buộc
kích động hình sự và chống nhà nước liên quan đến công việc của họ”. Ba tổ chức
nhân quyền trên cũng khẳng định không riêng gì các nhà báo mà những người ủng
hộ nhân quyền thực hiện quyền tự do ngôn luận đều bị từ chối quyền được xét xử
công bằng. “Những điều kiện này đã gây ra tác động tiêu cực đến tự do báo chí
và tự do ngôn luận”.
Ba tổ chức kêu gọi
Việt Nam chấm dứt sử dụng các biện pháp bạo lực, đánh đập, biệt giam trong thời
gian dài đối với nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, đồng thời đào tạo viên
chức về nghĩa vụ của họ theo luật quốc tế, và đưa những kẻ đàn áp nhà báo và người
bảo vệ nhân quyền ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo thống kê của CPJ, Việt Nam là một trong những quốc gia bỏ tù các nhà báo tồi tệ nhất thế giới, với ít nhất 21 nhà báo thị giam cầm, tính đến ngày 1/12/2022.
3) NỮ CÔNG AN BỊ TUYÊN 16 NĂM TÙ VÌ TỘI LÀM GIẢ CHỨNG TỪ VÀ CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 2-11, Tòa án nhân
dân thành Hồ tuyên phạt Nguyễn Thị Thu Hương (39 tuổi, cựu cán bộ công an) 16 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài
sản; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan
tổ chức.
Theo hồ sơ vụ án,
Hương là cựu cán bộ Đội dân vận, phụ trách kế toán của Phòng Xây dựng phong
trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc công an thành Hồ (Phòng Phong trào)
từ ngày 18-9-2017 đến ngày 13-11-2021.
Trong thời gian là cán
bộ Đội dân vận, Hương được nói đã làm 47 bộ chứng từ tạm ứng giả để nhận tiền
khen thưởng phong trào toàn dân bảo vệ tổ quốc, chiếm đoạt hơn 8 tỷ
đồng.
Sau khi sự việc bị phát hiện, Hương và gia đình đã nộp lại số tiền 9,9 tỉ đồng.
4) TRUNG
CỘNG SẴN SÀNG ĐÀM PHÁN VỚI MỸ VỀ VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ
Hôm
2/11/2023, Reuters cho biết ông Tôn
Hiểu Ba (Sun Xiaobo) Vụ trưởng Vụ Kiểm Soát Vũ Khí của Tàu Cộng trực thuộc bộ
Ngoại Giao nước này, sẽ dẫn đầu phái đoàn đến Washington để thảo luận về việc kiểm soát vũ khí nguyên
tử, sẽ diễn ra vào ngày 06/11/2023. Theo những nguồn tin thông thạo, thì đây
mới chỉ là bước khởi đầu cho một tiến trình phức tạp và lâu dài. Vì vị thế của
ông Tôn Hiểu Ba chỉ ở cấp thấp trong ngành ngoại giao. Và đây cũng là
thành quả ngoại giao của ngoại trưởng Vương Nghị đến Hoa Kỳ hồi tuần
trước. Trong chuyến công du ấy, Vương Nghị và cố vấn An Ninh Quốc Gia HK là
Jack Sullivan đã thu xếp cho cuộc đàm phán này.
Trong
khi đó, Hoa Kỳ không xem Tàu Cộng là đối thủ nặng ký về vũ khí Nguyên Tử, mặc
dù nước này hiện đã có trong tay khoảng 500 đầu đạn hạt nhân, và họ có thể tăng
lên gấp đôi vào năm 2030. Điều mà HK quan ngại là từ phía Nga. Từ khi Vladimir
Putin xua quân xâm lấn Ukraine, đến nay đã hơn 20 tháng, chẳng những không nuốt
nổi nước Ukraine mà còn phải chịu thiệt hại nặng nề, vì vậy Putin luôn đe dọa
sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân để đối đầu với phương Tây, qua cuộc chiến ở
Ukraine..
Để
củng cố cho lời đe doạ của mình, hôm 02/11/2023, Putin đã ban hành sắc lệnh
“rút lại việc phê chuẩn CTBT – Hiệp Ước Cấm Thử Vũ Khí Hạt Nhân”. Hiệp ước mà
Nga đã ký vào năm 2000. Giải thích cho hành động này, điện Cẩm Linh nêu lý do
là từ khi hiệp định này ra đời năm 1996 đến nay, Mỹ vẫn chưa phê chuẩn. Cùng
với lời hăm dọa như trên, từ đầu năm 2023, Putin đã thông báo “đình chỉ tham
gia” Hiệp Định New Start – Đây là Hiệp Định Cắt Giảm Vũ Khí Chiến Lược Mới,
đã ký kết với Hoa Kỳ từ năm 2010 dưới thời tổng thống Barack Obama.
Những dấu chỉ trên đây cho thấy Nga đang gặp bế tắc lớn do cuộc xâm chiếm Ukraine gây ra. Nếu phía Ukraine đủ mạnh để đẩy lui lực lượng quân sự của Nga. Putin sẽ lấy lý do bảo vệ lãnh thổ để sử dụng đến vũ khí Nguyên tử. Đây cũng cho thấy một cuộc chay đua vũ khí nguyên tử mới trên thế lại được khơi mào.
No comments:
Post a Comment